Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm 2017, hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố cài mã độc (Malware); 4.155 sự cố tấn công thay đổi giao diện trang web (Deface) và số sự cố tấn công lừa đảo (Phishing) là 2.101 sự cố.
Tại Việt Nam, hàng ngày có gần 100.000 địa chỉ IP truy vấn hoặc kết nối đến các mạng máy tính nhiễm virus. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng với tốc độ ước tính khoảng hơn 300% mỗi năm.
Các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Trong đó, các website có kiểu tên miền “.name.vn” bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%. Tiếp đến là các website có kiểu tên miền “.com.vn” (36,58%); “edu.vn” (9,45%).
Các trang website của các cơ quan, tổ chức nhà nước có kiểu tên miền “.gov.vn” chiếm 4,72% tổng số các sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.
Nhận định tần suất sự cố mất an toàn thông tin mạng ở Việt Nam khá lớn, cũng từ số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT, đại diện lãnh đạo Trung tâm này cho hay, loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại hình tấn công khác cũng được tin tặc sử dụng nhiều như: Tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.
Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính nhiễm vi rút (mạng ma - botnet) với hơn 637.000 máy tính bị virus kiểm soát.
Trên trang thông tin điện tử http://securelisst.com, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị tấn công từ chối dịch vụ (DdoS) nhiều nhất trong quý IV/2017.