Ghi nhận của phóng viên vào những ngày đầu tháng 11/2018, trên diện tích chợ thị trấn Sóc Sơn bị cháy cách đây hơn 4 tháng, nhiều hộ tiểu thương đã tự ý mang máy móc, phương tiện vào san nền, căng dây, dựng cột sắt, khung sắt và lợp mái tôn để lấy vị trí kinh doanh. Ước tính, có khoảng 40 sạp hàng đã được xây lắp và sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trong khi đó, khu chợ tạm được UBND huyện Sóc Sơn đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng lại vắng bóng tiểu thương. Khu chợ tạm rộng 5.807m2 với 288 sạp hàng nhưng đến nay chỉ có 43/196 hộ đồng ý vào buôn bán, kinh doanh; trong khi 153 hộ khác thì buôn bán, kinh doanh ven đường trục thị trấn Sóc Sơn và khu vực chợ cũ bị cháy cuối tháng 6/2018.
Trao đổi với phóng viên, một số hộ tiểu thương cho biết, họ cũng muốn vào kinh doanh trong chợ tạm nhưng không đồng ý việc phải viết đơn xin vào chợ do trước khi chợ cũ bị cháy, các hộ vẫn đang kinh doanh bình thường. Giải thích về việc yêu cầu các hộ phải làm đơn khi vào kinh doanh tại chợ tạm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành – người được giao phụ trách Ban Quản lý chợ loại II Sóc Sơn cho biết, cơ sở hạ tầng tại chợ tạm là tài sản công, được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, các hộ khi muốn vào buôn bán, kinh doanh tại chợ phải làm biên bản cam kết chấp hành các quy định pháp luật. “Nếu các hộ không tuân thủ các cam kết bảo đảm an toàn, đơn cử như về phòng cháy chữa cháy, thì khi xảy ra sự cố sẽ rất khó xử lý trách nhiệm” – ông Thành cho biết.
Sẽ cưỡng chế tháo dỡ
Sau khi được đầu tư trên 3 tỷ đồng với đầy đủ các hạng mục chính như: Sạp hàng, khu kỹ thuật, nhà vệ sinh, nhà để xe…, Ban Quản lý chợ loại II Sóc Sơn cũng đã hoàn thành phương án sắp xếp các ngành hàng. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực của các hộ tiểu thương đang khiến những nỗ lực giải quyết hậu quả vụ cháy chợ cuối tháng 6/2018 trở nên phức tạp hơn.
Không chỉ gây lãng phí nguồn ngân sách, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cũng cho rằng, việc nền chợ cũ bị các hộ tiểu thương chiếm dụng, dựng chợ trái phép sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng lại chợ mới. Liên quan trách nhiệm của đơn vị, cá nhân khi để xảy ra tình trạng trên, bà Bình Anh cho biết, sẽ xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý chợ loại II Sóc Sơn do chậm báo cáo, xử lý sự vụ phát sinh khiến vấn đề trở lên phức tạp.
Về giải pháp trong thời gian tới, bà Vi Thị Bình Anh cho biết, địa phương đang chờ Công an TP Hà Nội thẩm định hồ sơ và nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy. Sau khi được nghiệm thu, huyện sẽ đưa các hộ tiểu thương đã đăng ký vào buôn bán, kinh doanh trong chợ tạm. “Đối với vi phạm của các hộ tiểu thương tại khu vực chợ cũ, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động tự tháo dỡ. Nếu các hộ không chấp hành, không loại trừ khả năng sẽ phải cưỡng chế” – bà Bình Anh thông tin.