Viết cho tháng tư

Hanoimoi| 29/04/2022 08:16

Tháng 4 năm ấy, cây bưởi góc sân chẳng còn hoa rụng, trên cành đã lấp ló quả non. Tháng 4 về trong niềm vui hân hoan của các bà mẹ mong ngóng đứa con đi trong đoàn quân chiến thắng trở về.

Viết cho tháng tư
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Chiến tranh không chỉ ở chiến trường, mà hiện diện khắp nẻo quê hương. Ngày cuối tháng 4 năm ấy ngưng tiếng súng, mẹ đón con, vợ đón chồng, con gặp cha. Mùa cưới năm ấy bao chú rể mặc nguyên quân phục đón người yêu về căn buồng hạnh phúc sau những đợi chờ, lo lắng. Họ đã đi qua cuộc chiến, vượt qua cái chết để về bên nhau.

Sau tháng 4 năm ấy, có những người trở về mới vụng dại yêu, khi đám bạn cùng trang lứa yên ấm cả rồi. Đôi khi có người không dám, không thể vượt qua mặc cảm. Mới có mấy năm mà một người như hoa đến độ, còn mình giờ đã thành tàn phế. Đã định im lặng, tự an ủi “mối tình đầu thôi mà”. Nhưng khi người con gái đã chọn anh, người ta sẽ chung thủy. Trong suốt thời gian chiến tranh, có một tình yêu thủy chung đã sưởi ấm tâm hồn anh và luôn chờ đợi đoàn tụ, hạnh phúc cùng anh.

Mùa xuân trở lại khắp nẻo non sông, nhưng có những người phụ nữ tuổi xuân không trở về. Ngày thăm thẳm, mùa trải ra những nóng lạnh nối nhau. Bộ quân phục gấp nếp, một năm mặc vài lần khi gặp đồng đội. Hết chiến tranh nhưng mất mát còn đây, nóng hổi, ngay cả khi đôi mắt đã mấy lần thay kính. Chị ở vậy, lỡ thì, chiến tranh đi qua duyên phận.

Chùa bên sông, tiếng chuông tiếng mõ vang đều bất kể nắng mưa. Từ ngày thầy về chùa, thời gian đã đủ để cây thành cổ thụ. Đã lâu rồi thầy không còn khóc vì cô đơn, hay vì lý do gì đó nữa. Chốn này bình an, thế là đủ để đi nốt quãng đường đời. Nhưng khi tháng 4 vắt sang mùa, đồng đội cũ bảo nhau trở lại. “Không biết thì đành, chứ biết là phải về đây, trước là vãng cảnh, lễ Phật, sau là đồng đội nhìn thấy nhau”. Ngày còn bom đạn đã hẹn, hết chiến tranh nhất định về quê nhau, thăm thầy u, dự đám cưới. Thế mà giờ có người con đàn cháu đống, có người vẫn lẻ bóng thế này, không tìm nhau sao được.

Tháng 4, với nhiều nhà nỗi đau vẫn còn đây. Nếu không có chiến tranh, ông ấy không thương tật, nhà sẽ được xây mới, đồng ruộng, vườn tược có thêm bàn tay rắn rỏi chăm lo. Con cái sẽ lớn khôn, đến tuổi là dựng vợ, gả chồng, đằng này... Nhưng thôi, còn yêu thương nhau đến giờ là đủ, còn đồng đội, còn con cái bên nhà, còn họ mạc, xóm làng, đoàn thể, đừng nghĩ nữa mà buồn...

Tháng 4, đã mấy mươi năm, tóc mẹ không bạc hơn được nữa. Chuyện hôm nay, chuyện gần đây mẹ quên hết cả rồi. Nhưng mẹ nhớ tháng 4 năm ấy, rồi đến cả tháng 4 năm sau và đến tháng 4 bây giờ con mẹ vẫn không trở về. Người trong làng, người xã bên đã về cả, có đứa thương tật, có đứa lên cấp chỉ huy, cũng có đứa dăm năm trước mẹ cùng bà con đi đón về nghĩa trang liệt sĩ, cờ Tổ quốc bọc vuông vức, thương lắm! Thế mà con mẹ vẫn bằn bặt, chẳng tin tức gì, không biết nằm lại nơi nao. Nhiều lúc nhớ con quá, mẹ mong giời sớm gọi mẹ đi, chỉ có cách ấy mới gặp được con...

Nắng mới rồi, chói cả mắt, chẳng mấy mà vào vụ tháng 5. Mẹ nhớ 16 tuổi con đã thạo cày bừa, nhổ mạ khéo lại còn cấy nhanh, cấy thẳng, nhìn con làm ruộng ai cũng bảo, sau này cô nào có phúc mới lấy được con. Thế mà, hết chiến tranh, cách này cách kia con người ta đã về cả, nhưng con mẹ mãi không về. Tháng 4, tháng 7, Tết, hội làng, hay ngày nào cũng được, nhớ là mẹ vẫn chờ con về đấy nhé!

Tháng 4, tôi viết, kể về nỗi đau của những người mẹ mất con, và xin được cùng bao người nói lời biết ơn những bà mẹ.

Tháng 4, tôi viết cho chị, cho anh. Khi tóc đã vương sợi bạc, khi những buồn đau đã trải, chị có anh, một người lính già trung thực và yêu chị. Chị tặng anh tất cả tình yêu đang có, còn anh bảo: “Anh chẳng có gì cả, ngoài em”. Đó phải chăng là tình yêu, là hạnh phúc, là điều mà chúng ta vẫn đang kiếm tìm và chờ đợi.

Tháng 4, sau tất cả những mất mát, thương đau là thật nhiều hạnh phúc!

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Viết cho tháng tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO