Có một thực tế là các tài năng văn học, nghệ thuật thường phát lộ rất sớm trong các lĩnh vực như văn học, âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật sân khấu và điện ảnh truyền hình…
Vì thiếu hụt kịch bản nên nhiều nhà hát phục dựng những kịch bản quá cũ
mà không mượn được chuyện xưa để nói chuyện nay
Có một thực tế là các tài năng văn học, nghệ thuật thường phát lộ rất sớm trong các lĩnh vực như văn học, âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật sân khấu và điện ảnh truyền hình… Nhất là sang thời kỳ đất nước đổi mới như hôm nay lại càng nở rộ nhiều hơn, khi mà được Đảng và Nhà nước coi trọng tạo điều kiện thì các tài năng trẻ đã và đang kế thừa, phát triển làm nổi bật nền văn nghệ dân tộc rất tốt. (ví dụ như gần đây đã có nhiều cuộc thi tài năng trẻ trong các thể loại nghệ thuật đã gặt hái nhiều thành công).
Vậy, việc phát huy tài năng nghệ sĩ trẻ trong khâu sáng tác kịch bản sân khấu hiện nay thế nào? Để so sánh với các bộ môn nghệ thuật khác đang phát triển rực rỡ thì với các tác giả sân khấu thực tế tình hình có khác. Sự thiếu hụt lực lượng sáng tạo trẻ bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên trầm trọng đáng báo động, để lại những trống vắng, những hậu quả lâu dài trong sáng tạo của các tác giả sân khấu. Sở dĩ nói như vậy, vì trong khi văn hóa nghe xem tại các nhà hát giảm sút (nếu như không muốn nói là khán giả đang quay lưng với bộ môn nghệ thuật sân khấu). Mặc dù các nhà hát, các rạp đã được xây dựng đẹp, hiện đại, tiện nghi sang trọng thoải mái nhưng vẫn không bán được vé. Và đã có rất nhiều các lý giải về hiện tượng này, với các lý do trong đó có lý do nổi lên là tại truyền hình đã có rất nhiều các chương trình hay hấp dẫn níu kéo khán giả ở nhà không đến rạp.
Tình trạng các nhà hát hôm nay nếu không tìm được những kịch bản đương đại như ý để dàn dựng thì sẽ tính đến việc tìm những kịch bản của các tác giả nổi danh trước đó, hoặc các kịch bản tiêu biểu của nước ngoài đã dịch sang tiếng Việt. Nhìn vào diện mạo sân khấu gần đây thì những người có tâm huyết và có trách nhiệm ắt phải giật mình! Sân khấu đương đại thì vẫn cho ra một loạt những "món ăn" tầm tầm theo hình thái kịch sinh hoạt hoặc kịch mô phỏng cuộc sống mà không phát hiện ra những vấn đề về bản chất của hiện thực. Nó không có cuộc sống thực nếu như không muốn nói giáo điều - tuyên truyền thái quá. Kịch đương đại là phải tự nó phát triển với cuộc sống đang có, và chỉ có một cách duy nhất là hướng nó tới sự nhân văn.
Còn nhìn sang sân khấu truyền thống, đa phần các vở mới chỉ mang tích chất minh họa câu chuyện lịch sử hay huyền thoại cổ tích. Thế nên, một vở diễn mới hoàn toàn là rất hiếm, đa số đều phải phục dựng lại tiết mục truyền thống và những vở hay một thời của đơn vị mình. Những câu chuyện mang tính dã sử, dân gian xem thấy buồn vì chẳng thấy mượn được cái xưa để nói cái của hôm nay, những triết lý mòn cũ, cốt truyện quá giản đơn, chưa lay động được cảm xúc khán giả…
Theo tôi, đây là biện pháp tình thế, cực chẳng đã, chứ không nên khuyến khích, tự hào khi sân khấu suốt ngày phải đi dùng lại hay phải vay mượn. Trong khi đó, thật đáng trách khi các ban tổ chức các hội diễn – cuộc thi hay liên hoan lại có vẻ khuyến khích cách làm này, khi trao giải cao cho các đơn vị nghệ thuật đã mang các vở diễn đã cũ (và đã được giải thưởng trước đó) và đáng tiếc hơn lại còn tuyên truyền, đề cao những kịch bản “làm lại” này.
Tôi cho cách ứng xử đứng đắn nhất về hiện tượng này là các cuộc hội diễn liên hoan hay thi cử phải đưa vào quy định, tức là phải loại ngay các đơn vị khi mang những vở diễn có kịch bản quá cũ. Điều này là cấp thiết vì đó chính là một yếu tố khuyến khích cho các tác giả trẻ và mới xuất hiện nhiều hơn.
Điều nữa là trong nghệ thuật sân khấu, khán giả ít có điều kiện lựa chọn, họ phải phụ thuộc vào kịch mục đã chọn của các đơn vị nghệ thuật mang công diễn. Và các đơn vị nghệ thuật ấy lại phụ thuộc vào giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật và cả là đạo diễn nữa, có thích hay không thích… Có khi nào chúng ta nên trở về ngày xưa, khi ông trưởng đoàn chỉ làm quản lý - ông chỉ đạo nghệ thuật chỉ đào tạo tìm phong cách, còn đạo diễn thì mời bên ngoài khi tìm được kịch bản hay đúng yêu cầu thị hiếu. Ngày ấy các nghệ sĩ diễn viên được giao thoa học hỏi nhiều phong cách với các đạo diễn, tác giả khác nhau. Nên chăng đã đến lúc các cơ quan chủ quản các đơn vị nghệ thuật có quy chế quy định cho các đơn vị nghệ thuật của mình quản lý để chấm dứt cảm quan - chủ quan - trình độ của ông 3 trong 1, đó là giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật, kiêm đạo diễn lẫn tác giả? Và các cơ quan chủ quản phải giao chủ đề kế hoạch dựng vở cho các đơn vị nghệ thuật của mình, tránh tình trạng “gặp chăng hay chớ vơ bèo vạt tép” kịch bản khi chỉ cần ra vở nhanh để giải ngân ngân sách được giao.
Và quan trọng hơn là lực lượng tác giả và đạo diễn trẻ sân khấu mà ai cũng thấy thiếu và yếu trầm trọng… Chỉ nhìn qua chương trình nghệ thuật của các nhà hát đã thấy sự thiếu hụt này nghiêm trọng đến mức nào. Hầu như rất ít tác giả biên kịch dưới 60 tuổi. Ở lĩnh vực đạo diễn tình hình có khả quan hơn là mức tuổi trên dưới 50 tuổi. Trong khi đó, các bộ môn nghệ thuật khác đã có rất nhiều công trình nghệ thuật, điện ảnh có những tác giả trẻ là biên kịch, đạo diễn đều dưới 40 tuổi - thậm chí có đạo diễn mới ngoài 20. Nhưng thực tại có một điều tôi cho là vừa được vừa chưa được, ấy là hầu hết các nghệ sĩ biểu diễn tài năng khi lớn tuổi đều đi đào tạo và trở thành đạo diễn hay tác giả. Điều được là các nghệ sĩ này đều có nhiều năm làm nghề, khi chuyển sang tác giả hay đạo diễn hầu như không bỡ ngỡ, bắt nhịp được ngay với đội ngũ diễn viên vốn là bạn diễn lâu nay của mình. Điều chưa được là ngay đạo diễn - tác giả đòi hỏi có những phẩm chất khác nhau. Tác giả là sáng tạo ý tưởng thành kịch bản còn đạo diễn là người biến kịch bản thành hiện thực. Và có một thực tế không phải cứ là diễn viên giỏi thì sẽ là tác giả - đạo diễn giỏi (đã từng có người đi học đạo diễn, nhưng cả đời chỉ làm diễn viên - mà là diễn viên giỏi). Cho nên bên cạnh việc đào tạo những nghệ sĩ trẻ biểu diễn giỏi thì cần đào tạo những người có năng khiếu tác giả - đạo diễn ngay từ đầu, như thế mới giúp cho việc trẻ hóa tác giả - đạo diễn và tạo sân chơi sáng tạo cho những người trẻ có tài năng.
Nên chăng Nhà nước và các cơ quan lãnh đạo nghệ thuật có kế hoạch và ngân sách để tổ chức các hội diễn, liên hoan cho các tác giả, đạo diễn trẻ, có quy định về tuổi hay phải là vở mới chưa được đâu dàn dựng công diễn.
Sân khấu nước nhà đang thiếu những tác giả, đạo diễn giỏi nói chung và tác giả trẻ nói riêng hay là khâu đào tạo, sử dụng đang có vấn đề? Đã đến lúc chúng ta phải coi trọng tính tư tưởng của vở diễn, cần trung thành với ý tưởng của kịch bản và đạo diễn. Không thể đánh giá những vở diễn được coi là ăn khách thường lại là những vở hài về những chuyện lặt vặt trong cuộc sống, vô bổ về mặt tư tưởng. Nhiều chương trình hài vẫn chỉ là những tiểu phẩm tầm tầm, răn dạy về giao tiếp, quan hệ sinh hoạt thường ngày… Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá đúng mực và trao các giải cao cho các vở viết về đề tài đương đại. Những vở kịch lịch sử, dã sử, dân gian đều phải nhằm mục đích lấy cái cũ để nói về cái mới, lấy xưa để nói nay, các tác giả phải tìm một hình thức mới chứ không thể theo một lối mòn. Giải thưởng cao là quý nhưng vấn đề không phải cứ có nhiều tiền thì mới có được kịch bản chất lượng, người viết không những chỉ có trái tim mà còn cần bản lĩnh để tạo được những đột phá vượt lên ngay chính bản thân mình.
Vấn đề cốt tử là phải đánh giá đúng nhất thực trạng đội ngũ tác giả trẻ hiện nay, phải có giải pháp cơ bản nhất để khắc phục, đừng coi những giải pháp tình thế là căn cơ, bởi như thế sẽ không bao giờ giải quyết được sự thiếu hụt trầm trọng tài năng trẻ trong sáng tạo kịch bản.