1. Vai trò to lớn và quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong sự nghiệp sáng lập nền báo chí, văn học cách mạng Việt Nam được khẳng định trước sau như một, được minh định trong hàng loạt các từ điển, sách chuyên luận về báo chí và văn học đã xuất bản (một vài dẫn chứng tiêu biểu: “Từ điển tác giả, tác phẩm văn học dùng trong nhà trường”, Nxb Đại học Sư phạm, 2004; “Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2017; “Hồ Chí Minh: Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ”, Nxb Giáo dục, 2005). Nói hình tượng thì, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhạc trưởng vĩ đại của nền báo chí, văn học cách mạng Việt Nam có bề dày truyền thống: Tính từ năm 1925 ra đời Báo Thanh Niên - như là “Suối nguồn của Báo chí Cách mạng Việt Nam”; sáng tác của Nguyễn Ái Quốc những năm 20 thế kỷ trước viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp đã đặt nền móng cho nền văn học cách mạng, về sau được tập hợp trong tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc: Truyện và ký”, nhà văn Phạm Huy Thông dịch và giới thiệu, Nxb Văn học, 1974.
Thơ ca của các chiến sĩ cộng sản trong ngục tù đế quốc và tinh thần tự do - giải phóng là một bộ phận quan trọng của nền văn học cách mạng buổi chưa giành được chính quyền, tiêu biểu nhất phải kể đến trước tác “Nhật ký trong tù” (1942 - 1943) của Hồ Chí Minh và một phần quan trọng của tập thơ đầu tay của chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Tố Hữu: “Từ ấy” (1937 - 1946). Thơ ca của những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu toát lên tinh thần Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh, “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”). Đó là thơ ca của một thế hệ trẻ nhiều hoài bão, cao vọng lý tưởng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim” (Tố Hữu, “Từ ấy”, 1938). Thơ ca cách mạng tràn đầy năng lượng lạc quan, cảm hứng tương lai, ngùn ngụt khí thế xung thiên: “Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/ Ta còn bộ óc, ta không lo/ Giam người khóa cả chân tay lại/ Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do/ Lời thơ còn tuyên chiến với kẻ thù/ Này này, đế quốc biết hay chăng?/ Ngươi đã già nua, ta trẻ măng/ Trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi/ Trời kia, ta với cả cung trăng” (Xuân Thủy, “Không giam được trí óc”, viết trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, 1938).
2. “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943) và ánh sáng văn hóa dẫn dắt văn hóa/ văn học đất nước thời đại mới. Ngay từ khi mới thành lập Đảng (1930) đã có “Luận cương chính trị”, trong đó, văn hóa được quan tâm như là một trong các mặt trận của cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, khi cách mạng đã ở thế vận động chiến lược, Đảng càng đặc biệt quan tâm đến mặt trận văn hóa. Nội dung quan trọng của “Đề cương văn hóa Việt Nam” là tiến tới xây dựng một nền văn hóa mới với ba nội dung/ đường lối chính yếu “dân tộc - khoa học - đại chúng”. Gần 80 năm sau, ba nội dung chiến lược văn hóa nêu trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” vẫn thời sự, căn cốt trong chiến lược văn hóa mới thông qua tinh thần các hội nghị văn hóa toàn quốc vắt qua hai thế kỷ (1946, 1948, 2021). Ngay sau khi “Đề cương văn hóa Việt Nam” ra đời, đã hình thành một tổ chức có tên Văn hóa cứu quốc (do Đảng tổ chức, lãnh đạo), tập hợp các trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ tham gia hoạt động cách mạng (một số nhà văn hiện thực nổi tiếng trước 1945 đã nhiệt tình tham gia như Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Kim Lân...). Thực tiễn chứng minh: ánh sáng của “Đề cương văn hóa Việt Nam” đã phát tỏa rộng và sâu vào giới trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động văn hóa Việt Nam đúng vào thời kỳ có thể nhiều người trong số họ đang băn khoăn “chọn một dòng hay để nước trôi”. Sáng tác của các nhà văn kể trên vào thời kỳ tiền khởi nghĩa đã chứng tỏ sức lan tỏa, ảnh hưởng của tinh thần tiến bộ, tiến hóa trong “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Thực tế này phù hợp với nhận định cho rằng, các nhà văn hiện thực gần với nhân dân lao khổ nên cũng có điều kiện gần với cách mạng hơn các nhà văn lãng mạn.
“Tuyên ngôn Độc lập”, áng hùng văn thời đại được lãnh tụ Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, ngày 2/9/1945. “Tuyên ngôn Độc lập” vừa là một văn kiện lịch sử vô giá, vừa là một mẫu mực của văn chính luận của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một tác phẩm văn học thấm đẫm tư tưởng lớn về độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân hướng theo những tư tưởng nhân quyền, dân quyền tiến bộ từng được thể hiện sâu sắc trong những bản tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp được Người tiếp thu, chọn lọc, nâng cao phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hơn thế, “Tuyên ngôn Độc lập” còn là một áng văn mẫu mực về tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - thân thương, cao quý, trong sáng, giàu có biểu cảm. Khi Người đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, là khi: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu, “Sáng tháng Năm”).
3. “Cách mạng, kháng chiến và nhà văn” đã trở thành một mệnh đề văn hóa mới kể từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946). Nhưng trong thực tế thì cuộc kháng chiến chống Pháp đã nổ ra ở miền Nam trước đó một năm (23/9/1945), khi quân Pháp núp sau lưng quân Anh nổ súng gây chiến trước ở Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh, thành khác ở miền Nam: “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài lâu đã từng” (Tố Hữu, “Ba mươi năm đời ta có Đảng”). Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Chiến lược này khẳng định văn hóa không thể đứng ngoài chính trị (kháng chiến) và kháng chiến phải thực sự là cuộc đấu tranh giành thắng lợi của văn hóa Việt Nam trước sự xâm lăng văn hóa ngoại bang.
Tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (1948) của đồng chí Trường Chinh (lúc đó là Tổng Bí thư Đảng) như một tiền đề lý luận của nền văn hóa/ văn học cách mạng được trình bày trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948). Trong tác phẩm này, tác giả đã trình bày thấu suốt và thuyết phục mối quan hệ giữa văn hóa (trong đó có văn học nghệ thuật) với thực tiễn đời sống mới (như là thước đo các giá trị mới). Đồng thời tác giả cũng đề xuất tinh thần của nền văn học mới do Đảng lãnh đạo lấy phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa làm nền móng. Nếu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) khẩu hiệu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh) được coi như kim chỉ nam, ngọn đuốc phát tỏa ánh sáng rạng ngời thì đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Người nêu khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Từ lý luận đến thực tiễn, từ thực tiễn nâng lên thành lý luận là đặc sắc tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951”, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cuộc trường chinh vĩ đại theo những “dấu chân người lính” tạo tác nên “Dáng dứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Vóc dáng nhà văn bỗng lớn vụt lên vì: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu, “Những đêm hành quân”). Nền văn học cách mạng Việt Nam trải qua thời kỳ tiền khởi nghĩa, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã được đánh giá chính xác và công bằng: “Xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nền văn học tiên phong chống đế quốc của thời đại”. Hình tượng trung tâm của nền văn học cách mạng là nhân dân anh hùng, vì “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” (M. Gorki). Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ tráng lệ, ngút ngàn hào khí Đông A về thời đại và con người Việt Nam anh hùng những năm chiến tranh: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/ Buổi thủy triều vẫy gọi những vừng trăng/ Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm/ Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Các thi nhân thời đại cách mạng, bằng ngôn từ nghệ thuật, đã khắc họa những tượng đài bằng thơ về người chiến sĩ - anh Bộ đội Cụ Hồ trong sáng tác của mình. Có thể kể tới: Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Thôi Hữu, Tố Hữu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Vũ Cao, Nguyễn Bao, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lê Anh Xuân... với một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đây cũng là thời đại xuất hiện những tác phẩm văn xuôi mang âm hưởng sử thi - lãng mạn về cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc qua “Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc), “Trước giờ nổ súng” (Lê Khâm), “Cao điểm cuối cùng” (Hữu Mai), “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng), “Dấu chân người lính” (Nguyễn Minh Châu), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi), “Chiến sĩ” (Nguyễn Khải), “Vùng trời” (Hữu Mai), “Sống như Anh” (Trần Đình Vân), “Rừng U Minh” (Trần Hiếu Minh)... Câu nói đầu cửa miệng ở Việt Nam thời chiến tranh “Ra ngõ gặp anh hùng” đã ứng nghiệm vào văn học.
4. Đại thắng mùa xuân 1975 và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh vĩ đại đã lập lại nền hòa bình của nhân dân Việt Nam sau 10.000 ngày (1945 - 1975) khói lửa của cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Hòa bình được trả bằng một giá đắt: “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày” (Tố Hữu, “Việt Nam máu và hoa”). Lịch sử sang trang - Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976), thúc đẩy quá trình kiến thiết trang mới của nền văn học cách mạng, khi đất nước hòa bình, thống nhất, giang sơn thu về một mối. Lịch sử không phải là văn học. Nhưng văn học không thể đứng ngoài/ đứt lìa với lịch sử, luôn nương theo truyền thống “văn sử bất phân” của dân tộc từ hàng nghìn năm.
Công cuộc Đổi mới (1986) như một tất yếu lịch sử, văn hóa. Công cuộc Đổi mới giải phóng năng lượng sáng tạo văn hóa/ văn học. Các nghị quyết/ chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đều quan tâm đặc biệt đến đổi mới và phát triển văn học dưới ánh sáng của văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11/2021) đã xác quyết vị thế của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước từ tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Các thế hệ nhà văn tiếp nối theo quy luật “tre già măng mọc” đã cùng đồng lòng xây đắp ngôi đền văn học dân tộc ngày càng sáng đẹp theo tinh thần Chân - Thiện - Mỹ. Không chỉ trong chiến tranh mà cả trong thời bình, nhà văn vẫn giữ vững tinh thần đồng hành cùng đất nước, nhân dân. Đổi mới đã tạo điều kiện và cơ hội để các nhà văn Việt Nam bước lên đại lộ sáng tạo. Trải qua 10 đại hội (1957 - 2020), Hội Nhà văn Việt Nam (với hơn 1000 hội viên) luôn giữ nguyên tắc hoạt động, được thể hiện trong slogan báo Văn nghệ “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Nhiều nhà văn đã ngã xuống trên chiến trường, được phong danh hiệu liệt sĩ (như các nhà văn Trần Đăng, Thâm Tâm, Nam Cao, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân...), Anh hùng (như nhà văn Chu Cẩm Phong, Sơn Tùng...). Cùng với công cuộc Đổi mới, văn học Việt Nam đang tìm đường nhập vào “bản đồ văn học thế giới”, vì biết “ngoài trời còn có trời”, với quyết tâm làm cho “tiếng Việt không còn cô đơn”, vì cao vọng “chạm” vào được “mẫu số chung của nhân loại”. Đó là niềm hy vọng thiêng liêng cần được cổ vũ kịp thời. Chúng ta đã khiêm tốn “xuất khẩu” bước đầu văn học Việt Nam (chủ yếu là tiểu thuyết) vào những thị trường văn học khó tính như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản...
Văn hóa là chân tủy của văn học. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11/2021), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu, đã nhấn mạnh đến tiên đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn học cách mạng Việt Nam phát triển trong bối cảnh lịch sử Đảng cầm quyền, trong thời đại Hồ Chí Minh với lý tưởng cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Định đề “Văn học là nhân học” (M. Gorki) trường tồn ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn cao cả theo nguyên tắc Chân - Thiện - Mỹ. Trong khái niệm/ phạm trù văn học dân tộc Việt Nam thời hiện đại (thế kỷ XX), có thể khẳng định: nền văn học cách mạng là chủ lưu, chủ đạo, quan trọng song hành với nền văn học yêu nước, tiến bộ ở những không gian - thời gian sáng tác khác do hoàn cảnh lịch sử tạo nên (văn học miền Nam 1954 - 1975, trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, chẳng hạn). Đất nước hòa bình, thống nhất đã ngót nửa thế kỷ (1975 - 2022), vì thế thống nhất văn hóa là điều kiện tiên quyết để thống nhất nhân tâm. Bởi lẽ, gần 100 triệu người dân Việt Nam đều là con Rồng cháu Tiên, đều thấm đượm nghĩa tình đồng bào (cùng bọc). Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết cách đây gần 70 năm vẫn còn vang vọng: “Ta đi tới, không thể nào chia cắt/ Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” (“Ta đi tới”, 8/1954).