Văn hóa Thăng Long: Tiếp mạch nguồn kiên trung, hào hoa

24/02/2019 15:55

Với sự chọn lựa của lịch sử, Thăng Long đã trở thành nơi hội tụ hồn thiêng sông núi cho muôn đời con cháu nước Đại Việt. Trải qua những biến động của thời cuộc, sự bồi đắp và cả những thách thức của thời gian, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là biểu tượng cho tinh thần dân tộc, là hiện thân cho văn hóa Việt Nam, tiếp nối mãi mạch nguồn kiên trung, hào hoa.

Bài đầu: Tự hào truyền thống văn hiến nghìn năm

Thăng Long - Hà Nội hào hoa, cái nôi văn hóa, dù trải qua bao thăng trầm vẫn là mạch nguồn tuôn chảy. Tiếp tục kế thừa, phát huy qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nung nấu nhiệt huyết, nâng cao trách nhiệm, chung sức, chung lòng kiến tạo, khắc họa diện mạo văn hóa Thủ đô thời hội nhập.

“Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?”.


Những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ viết vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai thường được nhắc đến với nỗi lòng của bậc chí sĩ, chiến sĩ yêu nước dù sinh ra trên đất Bắc hay Nam, có thể chưa từng đến hoặc chưa từng được sinh sống ở đất Thăng Long - Hà Nội, nhưng rất tự hào về cái nôi văn hóa Thăng Long; là hồn cốt của nền văn minh sông Hồng, văn minh Đại Việt, không ngừng tiếp nối mạch nguồn kiên trung và hào hoa:

“Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật, sáng đôi bờ suy tưởng”

(Huy Cận)

Đáng tiếc thay, khi thời cuộc đi qua với nhiều sóng gió lịch sử, từ hệ lụy Trịnh - Nguyễn phân tranh vắt qua hai thế kỷ, rồi những cuộc đánh chiếm, đốt phá của bè lũ xâm lăng, Thăng Long - Hà Nội từng bị rơi vào cảnh hoang tàn, phế tích… khiến cho những người quý yêu văn hóa đất Kinh kỳ không khỏi chạnh lòng nuối tiếc quá khứ vàng son. Những con thuyền ngược xuôi trên dòng Tô Lịch từng đi vào ca dao nay không còn nữa, tiếng vó ngựa reo vang tiếng nhạc thời gian dưới tán lá vàng thu nay chỉ còn trong thơ ca cổ tích, có lẽ tiêu biểu vẫn là tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan, nữ thi sĩ lừng danh được chứng kiến khung cảnh thời phong kiến có nhiều gió chướng lịch sử, từng có những tháng ngày sống và thụ hưởng cảnh đẹp ven Hồ Tây:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!”. 

Văn hóa Thăng Long: Tiếp mạch nguồn kiên trung, hào hoa
Hoàng thành Thăng Long, một Di sản đại diện cho văn hóa nhân loại. Ảnh: Sơn Hà

Và còn biết bao sự tích, kỳ tích thấm đẫm chất bi tráng lịch sử còn thấp thoáng đây đó trong trang sử xanh, gắn với từng lễ hội, địa danh trên nhiều miền đất Thăng Long - Hà Nội. Cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, thì Thăng Long - Hà Nội chiếm gần 1/4 trong số ấy, đa phần các lễ hội đều gắn với di tích, sự tích, công trạng của các nhân vật tiêu biểu cho lòng yêu quê hương đất nước, cho trí sáng tạo làm nên các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ với Thăng Long - Hà Nội, mà còn cho cả nước... Mùa Xuân này, Thăng Long - Hà Nội vừa tròn 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh, non sông, đất nước lại có dịp ôn lại những áng hùng ca bất hủ: 

Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”.

Những ai đã từng được đến chiêm ngưỡng di tích mang tầm vóc di sản đại diện cho văn hóa nhân loại (Hoàng thành Thăng Long), chiêm nghiệm qua những báu vật từng ẩn mình sâu dưới lòng đất, làm nền tảng lịch sử cho những biến động ồn ào, náo động giữa cuộc sống đương thời, chắc sẽ rất tự hào và đầy trí tưởng tượng về kho báu lịch sử nhiều thời đại phong kiến tập quyền thịnh trị, giá trị văn hóa khổng lồ mà tổ tiên ta tích góp, sáng tạo, bảo tồn và định hình, định danh ở chốn này. 

Tuy nhiên, theo quy luật khắc nghiệt của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội khó tránh khỏi sự mai một nhiều giá trị văn hóa đẹp, trong xanh, mát lành như giấc mộng chốn thiên đường. 

Cụ thể, trong dòng chảy của thời đổi mới và hội nhập, từng có những nghi ngại, lo âu về sự đánh mất nhiều giá trị văn hóa, thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội, có không ít dư luận băn khoăn rằng, Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới, thay đổi nhanh về tầm vóc kinh tế, công trình kiến trúc và dân số, nhưng liệu rồi văn hóa có theo kịp, có mở đường để trở thành một trung tâm tiêu biểu, hội tụ các giá trị văn hóa dân tộc thời hội nhập, làm minh chứng cho hiện thực hóa quan điểm của Đảng “hội nhập, nhưng không hòa tan”? 

Thực tế, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đã và đang vươn mình lên tầm cao mới, tạo diện mạo tươi mới về cơ đồ, mở ra vận hội đi tới tương lai ngày càng xán lạn, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng Bác Hồ hằng mong muốn.

Góp phần vào những đổi thay đó là nhờ ở chính sự trăn trở, tìm tòi trong các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của Thủ đô nhiều năm trước, tiếp tục được kế thừa, phát huy qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tư duy mới của thế hệ cán bộ chủ chốt được Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tín nhiệm giao cho trọng trách hiện nay đã như một mạch nguồn văn hóa chính trị tác động tích cực tới sự vận hành của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, tạo nội lực, nung nấu nhiệt huyết, nâng cao trách nhiệm, đốc thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chung sức, chung lòng kiến tạo, khắc họa diện mạo văn hóa Thủ đô thời hội nhập, là niềm kiêu hãnh cho văn hóa Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Đến nay, nhìn lại chặng đường 1/3 thế kỷ đổi mới, sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đặc biệt là 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thủ đô Hà Nội đã khẳng định được vị thế, tầm vóc và những đóng góp đặc biệt quan trọng vào đầu tàu kinh tế phía Bắc, tạo sức nặng cho thành tựu có tính lịch sử của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, kỳ vọng, hãnh diện, được bạn bè quốc tế mến mộ. Việc Thủ đô Hà Nội hoàn thành và vượt mức toàn bộ 20/20 chỉ tiêu trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ với Trung ương, với đất nước, là minh chứng cho tinh thần, trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô. 

Trong thành công chung về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cần nhận diện đúng và tôn vinh, khích lệ những xu hướng tích cực về bảo tồn, phát triển một số giá trị văn hóa truyền thống, mà tưởng chừng như khó có thể phục dựng và làm tươi mới giữa thời kinh tế thị trường. Mạch nguồn văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội tuôn chảy không ngừng nghỉ qua những tháng năm, chính là động lực to lớn, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(Còn nữa)
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa Thăng Long: Tiếp mạch nguồn kiên trung, hào hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO