Văn hóa tận dụng khoảng lặng để tái khởi động mạnh mẽ

KTĐT| 06/03/2022 19:44

Dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần như đóng băng.

Trong bối cảnh khó khăn đó, thay vì án binh bất động, các cơ sở văn hóa, đơn vị nghệ thuật vẫn duy trì nhịp độ làm việc, tận dụng khoảng lặng để nghiên cứu, sáng tạo với hy vọng khi dịch lắng xuống sẽ có ngay sản phẩm tốt nhất phục vụ công chúng. Trong trạng thái bình thường mới, các hoạt động văn hóa đang dần tái khởi động một cách mạnh mẽ nhưng thận trọng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bài 1: Chuyển mình linh hoạt, thích ứng để phục hồi

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Để phòng chống dịch hiệu quả, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều dừng hoặc giảm các hoạt động lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình giải trí tập trung đông người. Bởi vậy, rất nhiều triển lãm, ca nhạc, hội sách… thực hiện theo hình thức trực tuyến trong những ngày dịch bệnh.

Du khách tham quan, trải nghiệm phố đi bộ Pont de Long Bien. Ảnh: Minh An
Du khách tham quan, trải nghiệm phố đi bộ Pont de Long Bien. Ảnh: Minh An

Mạch nguồn văn hóa luôn chảy

Với những nhà hát lập kỷ lục “sáng đèn trong 365 ngày”, phố đi bộ Hồ Gươm, hàng loạt sự kiện không gian văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… dòng chảy văn hóa Thủ đô dường như không lúc nào nghỉ. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, nhiều hoạt động trực tiếp bị hủy khiến không chỉ những người làm văn hóa, nghệ thuật mà công chúng cũng cảm thấy hụt hẫng.

Nhưng với quan điểm “không thụ động ngồi chờ”, nhiều cơ sở văn hóa, nghệ thuật đã chủ động chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tranh thủ quãng thời gian tạm thời đóng cửa để tập trung ứng dụng công nghệ vào hoạt động số hóa tư liệu, hiện vật; trưng bày, triển lãm góp phần tăng sức hấp dẫn của di sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức tổ chức sự kiện theo hình thức online với nhiều triển lãm, trưng bày ấn tượng, phù hợp với điều kiện thực tế như: “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Môn”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”, “Trung Thu sum vầy”.

Trưởng Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết: Sau khi Trung tâm thực hiện theo phương thức này, khá nhiều du khách đã truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long. Điều đó cũng khích lệ đơn vị trong việc tích cực quảng bá, phát huy giá khu di sản.

Tháng 7/2021, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đã chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị. Kênh phát thanh gồm nhiều podcast (chuỗi các tập tin âm thanh hoặc video số) được Ban Quản lý di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm.

Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ VHTT&DL mới đây đã ban hành hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Trên cơ sở Nghị quyết của Chính Phủ và Bộ VHTT&DL, TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đơn cử, trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các hoạt động văn hóa vui Xuân trên địa bàn Hà Nội diễn ra theo đúng quy định. Hoạt động phần hội được tạm dừng, các nghi lễ thực hiện nhỏ gọn, đảm bảo thành kính, trang nghiêm.

Tại chùa Hương, trong ngày khai hội hàng năm (mùng 6 tháng Giêng), di tích đón khoảng 80.000 du khách. Nhưng năm nay, theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển: “Chùa Hương không tổ chức lễ hội. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn tạo điều kiện cho 1 - 2 đoàn đại diện cho Nhân dân địa phương, thực hiện các nghi lễ tại các di tích trong khu vực chùa Hương”.

Đến 8/2 (mùng 8 tháng Giêng), căn cứ vào đề xuất mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn trong điều kiện “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” theo Tờ trình số 568-TTr/HU của Huyện ủy Mỹ Đức, UBND TP Hà Nội đã cho phép chùa Hương được phép đón khách tham quan.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thu hút công chúng, đảm bảo phòng chống dịch như: Phố Sách Xuân Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Cánh én chào Xuân - Nâng tầm tri thức”; Đường hoa Home Hanoi Xuan và phố đi bộ Pont de Long Biên đón hơn 70.000 lượt du khách từ 22/1 đến 6/2.

Không chủ quan đón khách sớm

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép mở cửa rạp chiếu phim, cơ sở nghệ thuật (ngày 8/2) và di tích – danh thắng (15/2). Tuy nhiên, tất cả các di tích, cơ sở văn hóa trên địa bàn Thủ đô không ồ ạt mở cửa đón người dân, du khách mà tập trung vào công tác vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương cho biết: “Sau khi đón nhận thông tin được mở cửa các rạp chiếu phim, cán bộ nhân viên của Trung tâm đều rất vui mừng. Để chuẩn bị đón khán giả, sáng 9/2, nhân viên Trung tâm chiếu phim Quốc gia tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn; đến chiều sẽ mở cửa bán vé để đón khán giả trong ngày 10/2”.

Bên cạnh đó, tại các di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, toàn bộ du khách đều được yêu cầu quét mã QR ngay từ bên ngoài cổng. Đồng thời, cán bộ của di tích thường xuyên hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc.

Giống như hệ thống rạp chiếu phim, di tích các nhà hát, cơ sở nghệ thuật trên địa bàn TP Hà Nội không vội vàng mở cửa đón khán giả ngay sau khi có thông báo mới. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ: “Kế hoạch trước mắt, chúng tôi sẽ chỉnh trang, vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ nhà hát. Nhà hát Kịch Hà Nội năm 2021 đã dựng một loạt chương trình, vở diễn đặc sắc. Lần này được đón khán giả, chúng tôi sẽ triển khai công diễn. Hiện tại, diễn viên, nghệ sĩ tại rạp đang tích cực tập luyện nhiều vở như: “Thuý Kiều - Một kiếp đoạn trường”, “Hà thành chính khí”, “Làng song sinh”.

Có thể thấy, trong thời gian Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở văn hóa trên địa bàn TP cũng như các điểm đến vẫn hoạt động tích cực trong công tác nghiên cứu, sáng tạo, phát huy giá trị qua công nghệ số. Thông qua đó, các cơ sở văn hóa có nhiều sản phẩm chất lượng, thúc đẩy người dân, du khách đến trải nghiệm, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật sau khi di tích mở cửa đón khách trở lại.

"Thời gian đóng cửa do dịch Covid-19, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tăng cường việc quảng bá di sản trên website, fanpgage. Cùng với đó, đơn vị đang thực hiện đề án phát triển du lịch thông minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dựa trên nền tảng công nghệ 4.0; đẩy nhanh kế hoạch tái hiện Trường Quốc Tử Giám tại khu vực vườn ươm để du khách có những hình dung rõ nét hơn về đời sống học tập của sĩ tử và các hoạt động khoa cử thời xưa; phục dựng các sinh hoạt tại trường; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi hơn." - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu

"Hai năm qua, nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nghệ sĩ không thể lên sân khấu, khán giả không có cơ hội thưởng thức những chương trình mới, chất lượng. Vì vậy, xây dựng chương trình nghệ thuật online trên mạng xã hội và truyền hình với hình thức livestream là một giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Ở các chương trình online này, nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn chia sẻ, trao đổi những tâm tư, những quan điểm về phòng, chống dịch cũng như khát vọng làm nghề." - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT Xuân Bắc


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa tận dụng khoảng lặng để tái khởi động mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO