Văn hóa – Di sản

Văn hóa dân tộc - nguồn lực vốn cho khởi nghiệp sáng tạo

Bảo Nguyên 16:02 25/11/2023

Trong bối cảnh hiện nay, các ngành công nghiệp sáng tạo đang được khuyến khích phát triển ở Thủ đô. Để hiện thực hóa những ý tưởng, các doanh nghiệp cần rất nhiều nguồn lực, một trong những yếu tố quan trọng là vốn văn hóa dân tộc.

Vốn văn hóa dân tộc là gì?

Từ những năm 1990, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng cho tới nay, đó vẫn là một hành trình gian nan.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, có thể sử dụng văn hóa dân tộc như một “nguồn vốn” để phát triển kinh tế. Và dù gián tiếp hay trực tiếp, rất cần đưa nguồn vốn đó vào vòng luân chuyển của quá trình kinh tế để tạo ra lợi nhuận. Vậy vốn văn hóa dân tộc là gì?

bmh.jpg
TS. Bùi Minh Hào.

Tại buổi tọa đàm “Vốn dân tộc - đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo” tại Hà Nội, ngày 21/11, TS. Bùi Minh Hào (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, vốn văn hóa là một khái niệm rất trừu tượng với hàng trăm định nghĩa khác nhau.

Người đầu tiên đưa ra khái niệm vốn văn hóa là nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu. Bourdieu đã gọi tên 4 nguồn lực thúc đẩy phát triển là: vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn kinh tế, vốn biểu tượng. Theo đó, vốn văn hóa có 3 trạng thái: trạng thái thể hiện/ chủ quan (những biểu hiện qua con người như tri thức, suy nghĩ, năng lực vận hành…); trạng thái khách quan (những sản phẩm về văn hóa mà ta có thể nhìn thấy được như chai nước, đôi dép, trang phục…); và trạng thái thể chế.

Quan điểm của Bourdieu đã gây ra những tranh cãi và phản biện trong giới nghiên cứu. Và theo hai nhà chính trị học người Mỹ Robert Putnam cùng Francis Fukuyama, nguồn lực cộng đồng cũng được xem là một nguồn vốn, tương đồng với vốn xã hội.

ceo.jpg
CEO Nguyễn Tiến Cường.

Theo TS. Bùi Minh Hào, vốn văn hóa cần được hiểu rộng hơn, đó là các nguồn lực vật thể và phi vật thể, biểu hiện cá nhân hoặc cộng đồng, có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình kinh tế để tạo ra lợi ích cho con người. Theo đó, vốn văn hóa có 4 trạng thái/ dạng thức khác nhau: văn hóa cộng đồng (cảnh quan, tri thức dân gian, phong tục tập quán… có thể tham gia vào phát triển kinh tế); vốn văn hóa cá nhân (năng lực/ tri thức cá nhân); vốn văn hóa thể chế (các giá trị đã được định chế như thương hiệu, biểu tượng…); mạng lưới xã hội (chuỗi hàng hóa, dòng chảy thương mại).

Có thể nói, vốn văn hóa của một dân tộc có nhiều giá trị, được hình thành và tích lũy theo chiều dài lịch sử của dân tộc đó. Trong nhiều giá trị đó, vốn văn hóa dân tộc nhất định phải mang theo lợi ích, tính hiệu quả kinh tế; tính kế thừa; tính bền vững và tính lan tỏa.

Vận dụng vốn văn hóa dân tộc để hiện thực hóa những ý tưởng

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, với những nhà máy, xưởng sản xuất từ thời Pháp thuộc, cho đến những nhà máy, phân xưởng được xây dựng ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là nguồn lực quan trọng, chứa đầy vốn văn hóa dân tộc hứa hẹn nhiều sức mạnh trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế từ di sản văn hóa. Nhưng các nhà khởi nghiệp sáng tạo có thể vận dụng nguồn vốn văn hóa dân tộc như thế nào để hiện thực hóa những ý tưởng?

Tại buổi tọa đàm “Vốn dân tộc - đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo”, nhiều câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ đã được chia sẻ cởi mở. Đây cũng là minh chứng cho thấy khi vốn văn hóa dân tộc được khai thác đúng hướng, sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm về mặt chiều sâu.

Hành trình của “Vua dép lốp” Phạm Quang Xuân là một trong những câu chuyện như thế. “Vua dép lốp” là thương hiệu dép cao su nổi tiếng ở Việt Nam. Thế hệ đầu tiên của thương hiệu này là nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người từng là công nhân xí nghiệp dép lốp Trường Sơn (45 Hàng Bồ, Hà Nội). Khi đất nước thống nhất và xí nghiệp giải thể, nghệ nhân Phạm Quang Xuân vẫn tiếp tục làm dép lốp tại nhà, bên cạnh những công việc khác để mưu sinh. Cho đến nay, khi thương hiệu “Vua dép lốp” đã vươn ra thế giới, chinh phục những thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Trung Quốc… và người tiếp nối, phát triển thương hiệu "Vua dép lốp" phải kể đến CEO Nguyễn Tiến Cường - con rể của nghệ nhân Phạm Quang Xuân.

dp.jpg
Sản phẩm của "Vua dép lốp" được trưng bày tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

“Tôi đã phải đi rất nhiều nước để tham khảo, học tập và tôi nhận ra đây là thứ mà thế giới không có. Bởi nó gắn với dân tộc Việt, với hình ảnh, hình tượng Hồ Chí Minh. Đối với tôi, quá trình làm nên đôi dép lốp và hình ảnh đôi dép Bác Hồ là một di sản hiếm có và quý giá. Nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát triển là điều khó khăn vô cùng… Câu chuyện văn hóa, lịch sử của đôi dép lốp, khách hàng đều thích thú và tôi đã dùng để chia sẻ miễn phí nhưng tôi không phụ thuộc vào vốn đó để phát triển thị trường cho “Vua dép lốp”. Bởi tôi đặt mục tiêu, dép của chúng tôi sẽ chinh phục được mọi thị trường, kể cả những khách hàng không biết đến câu chuyện văn hóa của “Vua dép lốp”. Bù lại, tôi muốn phát huy vốn văn hóa dân tộc ấy ở các show diễn, trưng bày ở các bảo tàng, trường học, workshop làm các sản phẩm dép lốp mini… như một cách giữ gìn và lan tỏa”, CEO Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.

hinh-anh-ruong-bac-thang-duoc-vu-thao-trang-the-hien-tren-ta-ao-dai-cua-bo-suu-tap-viet-nam-gam-hoa.jpg
Hình ảnh ruộng bậc thang được Vũ Thảo Trang thể hiện trên tà áo dài của bộ sưu tập Việt Nam gấm hoa

Câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo của nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang cũng là một cách vận dụng khéo léo vốn văn hóa dân tộc. NTK Vũ Thảo Giang là một cô gái người Tày. Từ những bước đi đầu tiên, Vũ Thảo Giang đã vận dụng các đường nét hoa văn trong trang phục thổ cẩm của người Tày để đưa lên áo dài. Những hình ảnh, biểu tượng văn hóa ấy đã làm nên sự đặc sắc trên từng bộ sưu tập do chị thiết kế. Và từ đó, hành trình khởi nghiệp sáng tạo của Vũ Thảo Giang trong lĩnh vực thiết kế áo dài gắn liền với sắc màu văn hóa dân tộc.

Chị đã giới thiệu các bộ sưu tập như: “Bát Nhã” với hoa văn gốm khảm, bộ sưu tập “Dáng ngọc Phương Đông” với các họa tiết cung đình, bộ sưu tập “Qua miền Di sản” - 26 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận, bộ sưu tập thổ cẩm “Phố Làng”, bộ sưu tập di sản công viên địa chất toàn cầu và thổ cẩm người Tày “vẻ đẹp Á Đông”...

“Tôi đã theo đuổi nghề thiết kế thời trang và đưa vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế. Sau hành trình vừa qua, tôi nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều”, NTK Vũ Thảo Giang chia sẻ.

Sự thành công của những doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo như Nguyễn Tiến Cường và Vũ Thảo Giang là minh chứng cho thấy việc vận dụng vốn văn hóa dân tộc để thực hiện hóa những ý tưởng đã mang đến những thành quả nhất định. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà khởi nghiệp sáng tạo hiện nay./.

Bài liên quan
  • Lan tỏa giá trị của nghệ thuật Trúc Chỉ trong đời sống hiện nay
    Chiều ngày 19/11, tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Trúc Chỉ trong đời sống hiện nay”. Đây là sự kiện bên lề của Triển lãm “THẮM - Hành trình xây dựng một Giá trị Việt mới” nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa dân tộc - nguồn lực vốn cho khởi nghiệp sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO