Tuổi 17 với Trung tâm nhân đạo Quê hương

Hoàng Kim Đáng| 30/03/2019 17:36

Làm nhân đạo bằng hành động, không chỉ bằng ngôn từ - đó là tuyên ngôn hoạt động của Huỳnh Tiểu Hương - người sáng lập và trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê hương! Ở Việt Nam từ xưa đã có câu: “Con gái 17 bẻ gẫy sừng trâu”. Trung tâm nhân đạo Quê hương cũng đang trong độ tuổi ấy!

Tuổi 17 với Trung tâm nhân đạo Quê hương
Huỳnh Tiểu Hương - Người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê hương
Đã 17 năm thành lập, hôm nay mới từ sáu giờ sáng, hàng ngàn người từ các ngả đường tỉnh Bình Dương đổ về. Họ đến với Trung tâm nhân đạo Quê hương ở số 1210, đường BT734A, khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để dự lễ kỷ niệm 17 năm thành lập. Họ đến bằng phương tiện xe ôm thường chở khách mưu sinh hàng ngày. Họ đến bằng xe lăn do chính Trung tâm nhân đạo Quê hương đã trao tặng. Có đoàn người khiếm thị, hai tay họ bám vào vai nhau, do một người sáng mắt chỉ dẫn. Đoàn người nối dài như đàn cà kếu, như trẻ em chơi “Rồng rắn lên mây” từ từ di chuyển vào Trung tâm nhân đạo Quê hương.

Hội trường Trung tâm khá rộng nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi. Họ vẫn vui vẻ ngồi dưới gốc cây có tán lá rợp, họ ngồi ngay trên những chiếc xe lăn và im phăng phắc để dự lễ kỷ niệm được cử hành trọng thể 17 năm thành lập: (10/12/2001 – 10/12/2018). Đến dự lễ kỷ niệm họ được xem triển lãm, họ được thấy những hình ảnh hoạt động của Trung tâm, được thấy hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lần lượt đến thăm Trung tâm, động viên khen ngợi và tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Đặc biệt, có hai yếu nhân đã cứu sống cô bé Thủy (nay là Huỳnh Tiểu Hương ) từ cõi chết trở về. Đó là bà Trần Thị Ái, cựu chiến binh bộ đội thông tin - khi ấy mới tròn 20 tuổi. Trên một chuyến tàu ga xép, cô bé tên Thủy mặt mũi nhọ nhem, hốt hoảng, quần áo rách rưới đang bị nhân viên trên tàu rượt đuổi. Sợ quá, bé chui vào gầm ghế và van xin cô Ái cứu giúp. Chị Ái thương cảm tràn nước mắt và vẫy tay: “Em ra đây, đã có chị bảo vệ”. Chị Ái điềm nhiên nói với nhân viên trên tàu rằng: “Đây là cháu của tôi” và liền cởi áo ấm của mình bọc lấy bé Thủy ôm vào lòng khi cháu còn đang “bụng đói, cật rét” run bần bật. Xuống tàu chị Ái cho Thủy ăn rồi đưa em về đơn vị thông tin của mình nuôi dưỡng. Đó là ông Chao Lai Wang (người Đài Loan) trước khi về nước đã giúp cháu 20 lượng vàng để lập nghiệp, từ khi cháu còn bưng bê cà phê cho khách. Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng lại là sự thật! Ông Wang ngồi uống cà phê mỗi ngày thấy bé Hương tội nghiệp nhưng lại thật dễ thương. Mỗi buổi sáng đến uống cà phê ông Wang cho bé Hương hai nghìn đồng (tương đương hai mươi nghìn hiện tại) để ăn quà sáng. Bé Hương không ăn sáng, tích lại cho các bạn cùng bưng bê cà phê như mình và nói “đây là tiền của ông Wang cho”. Các bạn cũng không tiêu và lấy tiền đó mua cà phê cho ông Wang uống. Ông Wang hỏi: “Tiền đâu ra mà mua cà phê tặng bác?” Tiền ở đâu ư? Tiền của chị Huỳnh Tiểu Hương đưa cho chúng cháu và nói là “tiền của bác Chao Lai Wang cho ăn sáng!”. Chúng cháu cũng không tiêu mà góp lại mua cà phê tặng bác. Bác là người tốt quá!. Ông Chao Lai Wang cảm động đến trào nước mắt trước việc làm cao đẹp của lũ trẻ và phát hiện ra Huỳnh Tiểu Hương là con người kỳ lạ, dứt khoát không phải là người bình thường và trước khi về Đài Loan ông Wang đã quyết định tặng cho Út Hương 20 lượng vàng để sinh cơ lập nghiệp. Và hôm nay, sau hơn 20 năm, trong lễ kỷ niệm lần thứ 17, ông Chao Lai Wang lại trao tặng cho Út Hương và Trung tâm nhân đạo Quê hương 17 nghìn Mỹ kim nữa, chưa kể đến hàng năm ông Chao Lai Wang vẫn gửi tiền hỗ trợ cho Trung tâm nhân đạo Quê hương.

Hiện nay ông đang là Nghị sĩ Quốc hội có uy tín ở Đài Loan. Ông Wang cho biết: Huỳnh Tiểu Hương được các cấp lãnh đạo và nhân dân Đài Loan rất quý trọng và đánh giá cao. Bốn lần sang Đài Loan, cả bốn lần đều được Tổng thống tiếp một cách trọng thị.

Báo chí bắt đầu phát hiện ra Huỳnh Tiểu Hương và Trung tâm nhân đạo Quê hương, lần lượt đưa tin và hàng trăm bài viết.

Năm 2007, TW Hội Phụ nữ Việt Nam bình chọn và Truyền hình Việt Nam VTV1 đưa tin: “10 người phụ nữ Việt làm rung động trái tim Việt Nam” và Huỳnh Tiểu Hương cũng được đứng song hành trong tốp 10 phụ nữ Việt Nam tiêu biểu được tôn vinh đặc biệt ấy!

Ngày kỷ niệm 17 năm  thành lập Trung tâm, Huỳnh Tiểu Hương với chiếc áo dài màu phớt hồng thướt tha, dáng vẻ thanh lịch, đọc báo cáo trong nụ cười và nước mắt ngấn lệ. Đôi lúc bà dừng lại vì khóc mà không thành tiếng. Qua giây phút xúc động, Út Hương đọc tiếp:

Từ buổi ban đầu đến nay đã có một cơ sở khang trang sạch đẹp, đủ nuôi dưỡng 345 con khỏe, con ngoan, có nhà ăn đàng hoàng, có hội trường to rộng và sân chơi thoải mái, có hàng chục phòng học cho mọi trình độ, từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, và trên 60 cán bộ nhân viên là thầy giáo, cô giáo, là y sĩ và bác sĩ, là cán bộ quản lý, là bảo mẫu, bảo vệ… Các con được nuôi dạy tử tế, được học văn hóa, học nghề, học ca múa nhạc, hoạt động thể dục thể thao, luyện võ dân tộc… Trung tâm còn bảo trợ cho trẻ em tại các tỉnh thành như: Nam Định, Đồng Nai, Bình Thuận, Hưng Yên, Hà Nội, trao tặng trên 14.145 chiếc xe lăn, 481 chiếc xe lắc cho người khuyết tật trên mọi miền đất nước, 1040 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại các tỉnh, 1860 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 200 cây gậy điện dành cho người mù, trên 4000 phần quà Tết cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tại các tỉnh, thành; 1.200 phần quà cho đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt, 4.000 phần quà cho trẻ em lang thang đường phố, 120 bộ máy vi tính cho các em hiếu học nhưng có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng và trao tặng 250 căn nhà tình thương và tình nghĩa tại các tỉnh trong cả nước, 72.000 phần quà cho các đối tượng khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Và năm 2018 Trung tâm cũng dành 2000 phần quà, 50 suất học bổng, 20 chiếc xe lăn trao tặng nhân ngày kỷ niệm 17 năm thành lập.

Với những con số cực kỳ to lớn, kỳ diệu và có ý nghĩa thiết thực, được làm ra từ một con người bé nhỏ, trọng lượng chỉ nặng chừng hơn 40 “ký” nhưng trong Huỳnh Tiểu Hương có một sức nghĩ và chỉ huy hành động thật siêu phàm mà ít ai có được.

Tuổi 17 với Trung tâm nhân đạo Quê hương
Đội thanh niên tình nguyện chuẩn bị bữa ăn và quà tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật

Nhưng buồn thay khi tôi viết đến đây, tôi lại thấy chạnh lòng khi nghĩ đến một số bà mẹ vẫn đang nhẫn tâm mà không chút động lòng trắc ẩn bỏ con mình nơi công cộng. Huỳnh Tiểu Hương thì khác, dù rằng đã có không ít người ngỏ lời cầu hôn nhưng Huỳnh Tiểu Hương từ chối tất cả, khước từ tất cả vì cuộc đời đã sinh ra Huỳnh Tiểu Hương là để mang lại cho trẻ thơ có cơm ăn, áo mặc, được học hành, có quyền được hưởng hạnh phúc! Đó là con đường duy nhất Huỳnh Tiểu Hương đã chọn. Chính vì lẽ đó, người đời gọi chị, tặng chị bằng những ngôn từ cao quý nhất, đẹp đẽ nhất: “Quan âm tái thế”, “Thiên thần mồ côi”, “Cô Tiên giáng thế giữa đời thường…”. 

Với tinh thần vượt khó, chiến thắng từ trong hiểm nguy, sáng tạo trong lập nghiệp, yêu thương trẻ thơ hết mình, sống trong sáng và vô tư, Huỳnh Tiểu Hương thật đáng được trân trọng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • Thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
    Đại diện lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nhấn mạnh niềm tự hào về những thành tựu của đất nước sau 50 năm non sông Việt Nam nối liền một dải.
  • Festival “Nón lá - Việt Nam 2025”: Khám phá di sản thông qua các hoạt động nghệ thuật và văn hóa
    Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của vùng cố đô và sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, Nón lá - Việt Nam Festival 2025 mở ra hành trình khám phá di sản thông qua các hoạt động nghệ thuật và văn hóa đặc sắc kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Quốc tế lao động (1/5).
  • [Podcast] Chùa Báo Ân - cổ tự gần nửa thiên niên kỷ của Thủ đô
    Cầu Giấy từng là vùng đất cổ, nơi tụ cư của những làng nghề trăm tuổi. Mảnh đất này từng chứng kiến trận Cầu Giấy lừng danh vào thế kỷ XIX – nơi nghĩa quân Việt Nam chiến thắng thực dân trong những ngày đầu chống xâm lược. Nơi đây còn là vùng đất của những ngôi đình làng, những mái chùa ẩn mình sau lũy tre, nơi đời sống tâm linh thấm sâu vào từng nhịp sống của cư dân. Ngày nay, giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đó một chứng nhân thầm lặng: Chùa Báo Ân – cổ tự có lịch sử gần nửa thiên niên kỷ.
Đừng bỏ lỡ
Tuổi 17 với Trung tâm nhân đạo Quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO