Từ làng nghề đến ''phố Hàng''

HNMCT| 05/03/2021 21:43

Tên phố không chỉ để gọi, để phân chia ranh giới địa lý trong quản lý hành chính, mà đôi khi còn là câu chuyện về kinh tế, văn hóa. Tại sao Hà Nội lại có nhiều phố bắt đầu bằng chữ Hàng?

Từ làng nghề đến ''phố Hàng''
Người thợ rèn cuối cùng “giữ lửa” trên phố Lò Rèn. Ảnh: Phương Ngân

Thăng Long thời Lý, Trần có 61 phường chia làm 3 khu vực khá rõ ràng. Phía Tây có các làng nghề chuyên dệt lụa, sản xuất công cụ nông nghiệp, làm giấy... Đó là những nghề có trước khi vùng đất này trở thành kinh đô. Phía nam chủ yếu làm nông nghiệp, phía đông ven sông Hồng và cửa sông Tô Lịch là khu vực buôn bán. Tuy nhiên, thời Lý, Trần, dân số Thăng Long còn ít, giao thương cũng hạn chế nên các làng nghề ở Thăng Long có quy mô nhỏ. Mặt khác, hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của dân chúng được triều đình đưa vào nơi sản xuất tập trung gọi là xưởng bách tác (như mô hình hợp tác xã sau này).

Thăng Long thực sự cuốn hút dân có nghề rời quê ra kinh thành lập nghiệp, nhất là vào thời Lê, khi triều đình ban hành nhiều chính sách cởi mở. Lê Thái Tổ đã xóa bỏ trang trại của quý tộc triều Trần, giải phóng nông nô, cấp đất cho dân. Kết quả là công điền bị thu hẹp, tư điền phình ra. Cùng với tư nhân hóa đất ruộng, đất ở, triều Lê hiểu rõ sản xuất luôn gắn liền với thương mại nên giảm thuế chợ, nới rộng buôn bán và cho tự do sản xuất. Những chính sách đó đã khiến nhiều gia đình ở một số làng nghề cho người thân ra Thăng Long mở các cơ sở sản xuất nhỏ thăm dò.

Nhưng tại sao họ ra Thăng Long mà không phải nơi khác? Đơn giản vì Thăng Long là kinh đô, nơi dân cư tập trung đông đúc là điều kiện tốt để tiêu thụ hàng hóa, Thăng Long là nơi giao thương với các vùng miền, nơi dừng chân của các thương nhân nước ngoài nên thuận tiện cho việc mua nguyên liệu và bán hàng. Dù ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo coi trọng nghề “sĩ, nông” hơn nghề “công, thương”, song những chính sách mới mẻ của nhà Lê đã trở thành động lực cho kinh tế Thăng Long nói riêng và Đại Việt nói chung thay đổi. Thăng Long thời Lê trở thành nơi buôn bán đông đúc nên tên Kẻ Chợ xuất hiện. Nhà truyền giáo phương Tây Filippo de Marini đến Thăng Long năm 1663, ông nhận thấy ở đầu các con phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên chỉ dẫn bán mặt hàng gì. Việc đó chắc chắn đã có trước khi nhà truyền giáo này đến kinh thành.

Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, nhà sử học người Pháp Philippe Papin giải thích từ “phố” theo chữ Nôm có nghĩa là “nơi mua bán, là khu dân cư tập trung quanh khu vực bến thuyền”. Còn theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, từ “phố” nguyên nghĩa là chỗ bán hàng và phố có thể là một nhà bày bán hàng, dần dần phố có nghĩa là nơi có nhiều cửa hàng. Trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Văn Uẩn giải thích: “Phường được sử dụng trong giấy tờ của nhà chức trách còn phố do dân gọi và lâu mà thành, phố vẫn nằm trong phường”. Từ nhận định của các nhà nghiên cứu có thể hiểu, mặt đường là nơi bán hàng, bên trong là nơi sản xuất, cũng là chỗ ở và sinh hoạt của gia đình.

Có một điều đặc biệt là khi Trịnh - Nguyễn giao tranh, kinh tế Thăng Long tưởng sẽ lụi tàn nhưng ngược lại, Thăng Long vẫn sầm uất vì chính quyền Đàng ngoài cần có nguồn lực phục vụ cho chiến tranh nên đã đưa ra nhiều chính sách cởi mở hơn. Tuy nhiên, kinh tế Thăng Long phát triển mạnh nhất là sau khi nhà Nguyễn lên cai trị và chuyển kinh đô vào Huế năm 1802. Vì “ngại” sĩ phu và dân chúng Bắc Hà còn vọng Lê nên nhà Nguyễn lấy lòng họ bằng cách cho đắp đê chống lũ lụt, cứu trợ dân khi đói kém, giảm thuế chợ và thực hiện tư hữu đất đai mạnh hơn, điều đó đã tạo điều kiện cho nhiều làng nghề ào ra Thăng Long mua đất, lập xưởng. Cùng với các làng nghề có từ thời Lê, Thăng Long trở nên nhộn nhịp như thời còn là kinh đô.

Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính lớn, phân chia và đặt tên mới theo địa giới hành chính cấp tỉnh, Thăng Long bị sáp nhập với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội có diện tích rộng hơn, gồm 4 phủ, 15 huyện. Trong số 15 huyện của tỉnh Hà Nội, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn thuộc phủ Hoài Đức và “36 phố phường” đều nằm trong địa phận hai huyện này. Cũng theo nhà sử học Philippe Papin, chức trưởng phố ra đời vào cuối đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), chức này không nằm trong cơ cấu hành chính cấp phường mà do dân bầu ra để giúp chính quyền thu thuế, giữ trật tự an ninh. Tên phố Hàng ngày càng rõ nét và cụ thể hơn dưới triều Lê. Ghi chép một chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876 của học giả Trương Vĩnh Ký cho thấy có nhiều phố bắt đầu bằng chữ Hàng gắn với tên mặt hàng đó.   

Hiện Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng nhưng hầu như không còn phố, ngõ vừa sản xuất vừa bán hàng. Đó là theo quy luật kinh tế, những gì không phù hợp sẽ dần mất đi. Những con phố tên Hàng tuy không còn thể hiện vai trò về kinh tế nhưng vẫn có ý nghĩa đối với lối sống, văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ làng nghề đến ''phố Hàng''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO