Từ chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu văn học…
Hè năm 1989, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội chiêu sinh lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I do nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phụ trách. Lớp hướng dẫn sáng tác này đã nuôi dưỡng những hạt mầm văn chương, chắp cánh cho những ước mơ văn chương ngày một bay cao, bay xa. Cũng từ đây, CLB Văn học trẻ Hà Nội trực thuộc hội Văn học Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) đã được ra đời.
Lớp Hướng dẫn sáng tác văn học khóa I ngày ấy có khoảng gần 40 chục học viên đủ lửa tuổi và thành phần, từ học sinh, sinh viên, bộ đội, công nhân đến kỹ sư, giáo viên, lương y, thương gia... Ban tổ chức lớp đã mời nhiều nhà văn lớn đến thỉnh giảng như: Nhà văn Phạm Tiến Duật, nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ Trần Lê Văn, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Hồ Phương, nhà văn Vũ Bão, nhà văn Triệu Bôn, nhà văn Chu Lai, nhà văn Tô Hoài, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc…
Mục đích lớp học là để các học viên làm quen va chạm với môi trường sáng tạo văn chương, thông qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi, của những nhà văn đi trước, từ đó giúp học viên ý thức được việc tạo lập, làm sâu sắc hơn, hoàn thiện tác phẩm của mình. Đồng thời chính sinh hoạt trong lớp sẽ tạo nên sự cọ xát, khơi gợi cảm hứng như que diêm làm cháy bùng lên ngọn lửa sáng tạo tiềm ẩn trong chính mỗi học viên.
Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không quên những chia sẻ của nhà thơ Vũ Quần Phương về kinh nghiệm quan sát tích lũy tri thức vốn sống trong nghề viết; không quên lời khuyên của nhà văn Triệu Bôn rằng cứ viết hết sức cho bằng thích. Ông còn hóm hỉnh: “Đi bơi mà cứ đứng trên bờ lý thuyết biết đến đời nào mới bơi được. Nhà văn phải đi khắp thiên hạ để viết về một chỗ của mình”.
Nhà văn Chu Lai lại dặn dò học viên phải: “Âm thầm đi. Âm thầm đọc. Âm thầm viết”. Nhà văn Vũ Bão tuy đã cao niên nhưng luôn có một tâm hồn ý nhị trẻ trung. Cùng với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ông đã tận tình dìu dắt chúng tôi, tạo lập những tiền đề quan trọng giúp chúng tôi trưởng thành từ những bước chập chững ban đầu.
Tham gia lớp học, từ cảm giác bỡ ngỡ, chúng tôi đã được truyền cảm hứng, thúc đẩy tiềm thức vượt qua rào cản ý thức để tinh hoa bộc lộ ra ngoài. Cũng bởi thế mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thường dí dỏm nói vui rằng lớp hướng dẫn sáng tác khóa I này là “đứa con đầu lòng giỏi giang, tuyệt vời” của cô.
Việc hoạt động trong một nhóm những người chung sở thích, đam mê cũng tựa như một hình thức giao lưu sáng tạo, dấy lên bầu không khí cạnh tranh khiến học viên có thêm động lực để tự viết nên một tác phẩm riêng. “Văn chương là tiếng chim gọi bầy”, lớp học đã tạo nên được một mối giao hảo thân tình giữa các học viên thuộc nhiều thế hệ, giai tầng xã hội. Vậy nên mặc dù lớp học chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (gần 3 tháng) nhưng đã đủ để những học viên như tôi gắn bó cả đời với nghiệp văn. Sáng tác đầu tay của tôi ra đời là nhờ… sức ép “truy bài” của cô chủ nhiệm Phan Thị Thanh Nhàn. Đó là truyện ngắn “Sân bóng” đã được chọn đăng trên báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội).
Từ lớp học này, CLB Văn học trẻ Hà Nội cũng được ra đời (năm 1991), tập hợp hơn 30 cây bút trẻ của Thủ đô. Dưới cái nôi nuôi dưỡng tình yêu văn chương, nhiều thành viên của CLB Văn học trẻ thời đó đã khẳng định được tên tuổi của mình, đóng góp nhiều giải thưởng văn học của Thủ đô và cả nước. Nhiều gương mặt hội viên CLB ngày ấy giờ đã trưởng thành và vẫn gắn bó với nghiệp cầm bút.
Người đầu tiên phải kể đến là lớp trưởng Nguyễn Đăng Luận, một kỹ sư đường sắt. Anh là anh cả, là thuyền trưởng dẫn dắt con thuyền Cánh buồm bắt đầu từ những trang in chung tác phẩm đầu tay đến những tập thơ in chung, in riêng. Anh sáng lập nên CLB Bông Hồng Vàng, tập hợp được nhiều cây bút danh tiếng và treo giải thưởng bằng chính tài sản ít ỏi của mình. Anh tổ chức những tủ sách Tân Văn, Văn Mới và đã giới thiệu được tác phẩm của nhiều người trong lớp.
Một thành viên trong lớp sáng tác khi ấy nay cũng đã thành danh là nhà thơ Đoàn Mạnh Phương. Anh là nhà thơ đã gặt hái rất nhiều thành công trên văn đàn, có nhiều bài thơ được lựa chọn in trong các tuyển tập, nhiều bài được phổ nhạc (Cổng làng, Hà Nội đêm) và dịch in trên các báo, tạp chí nước ngoài. Anh đã xuất bản 4 tập thơ và giành nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Sau lớp hướng dẫn sáng tác, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương đã đứng ra làm chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội.
Người đáng yêu trong lớp phải kể đến anh Đinh Ngọc Quang - chàng hiệp sĩ sống hết mình vì bè bạn. Anh là người tiếp sau Đoàn Mạnh Phương làm chủ nhiệm dẫn dắt CLB Văn học trẻ Hà Nội bao gồm một dàn những cây bút trẻ trong đó không ít cây bút thành danh như: Nhà văn Minh Nga, nhà văn Phong Điệp, nhà văn Trang Hạ, nhà văn Lê Xuân Hoa… Đinh Ngọc Quang công tác qua nhiều cơ quan từ Viện Năng lượng nguyên tử tới Văn phòng Chính phủ và nay là chuyên viên của Bộ Khoa học và Công nghệ với chuyên môn về pháp luật hạt nhân. Anh đã có một số bài thơ, truyện ngắn, tản văn in sách, báo và tập thơ riêng “Người và bóng” (2001). Anh cũng là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2000.
Nhà văn Nguyễn Trọng Văn, nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội từng là thành viên của lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I. Nguyễn Trọng Văn tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh, anh từng đi bộ đội ở biên giới phía Bắc. Sau lớp hướng dẫn sáng tác, anh theo học báo chí, viết văn, sân khấu điện ảnh và từng làm báo Thiếu niên, Tiền phong, tạp chí Nhân đạo, Đài truyền hình Hà Nội. Là một cây bút viết được cả hai mảng văn xuôi và thơ, ngoài viết, Nguyễn Trọng Văn còn làm phóng sự truyền hình, phim tài liệu… Anh viết nhanh, viết khỏe, sung sức ở nhiều thể loại. Tới nay, anh đã ấn hành một khối lượng đồ sộ với 10 tập thơ, trường ca và gần 20 tập văn xuôi gồm, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Trong số các thành viên của lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I, có hai họa sĩ rất tài hoa là Lê Tiến Vượng và Lê Tâm. Lê Tiến Vượng là người hào hiệp, rộng lượng, cẩn thận, chu đáo. Anh cũng như ngọn cờ tập hợp và gắn kết các anh chị em trong lớp, nhất là trong các chương trình hoạt động giao lưu, đi thực tế hay hoạt động thiện nguyện. Còn Lê Tâm cũng là một nghệ sĩ đa tài với đủ các thể loại cầm, kỳ, thi, họa. Anh là trưởng ban nhạc “Đồng hồ báo thức” đầu thế kỷ XXI với những bài ca đi vào trong lòng khán giả: “Nhắn tuổi 20”, “Con ốc”, “Tiếng Việt”. Anh hiện đang là thành viên ban nhạc M6. Anh cũng là người đã phổ nhạc cho rất nhiều bài thơ, vẽ tranh bìa cho nhiều cuốn sách của anh chị em trong lớp.
Và còn nhiều những gương mặt như thế mà tôi không thể nào kể hết trong khuôn khổ bài viết này, nhất là những cây bút nữ giàu sức sáng tạo như nhà thơ Nguyễn Minh Nga, nhà thơ Bùi Phương Thảo, nhà thơ Nguyễn Thị Phượng… Dù làm gì, đi đâu, về đâu, chúng tôi luôn nhớ về 19 Hàng Buồm - cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn văn chương cho chúng tôi. Đã 35 năm trôi qua kể từ khi lớp hướng dẫn sáng tác khóa I được tổ chức, mỗi khi về 19 Hàng Buồm, chúng tôi lại như được trở về mái nhà xưa, tìm lại thời gian đã mất, tìm lại những kỷ niệm nối dài thêm tuổi trẻ./.
“Vô cùng cảm ơn ngôi nhà 19 Hàng Buồm, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiền bối và các anh chị em bạn hữu lớp Hướng dẫn sáng tác khóa I đã giúp cho tôi có một cuộc sống cân bằng phong phú, đỡ đơn điệu, khô cằn, đặc biệt là có thêm những người bạn tâm giao đã gắn bó keo sơn hơn 1/3 thế kỷ”.
Nhà thơ Đinh Ngọc Quang - nguyên Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội
“35 năm lớp Hướng dẫn sáng tác khóa I với những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi trẻ vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Tôi biết ơn những người thầy (những nhà văn, nhà thơ) và cảm ơn các bạn văn đã khơi dậy, nuôi dưỡng tình yêu văn học trong tôi. Tôi may mắn có thơ đồng hành trong mỗi khoảnh khắc với thật nhiều cảm xúc để thấy trân quý và thêm yêu cuộc sống hơn”.
Nhà thơ Bùi Phương Thảo