Trống đồng Hương Ngải - một nét đẹp của văn hóa Đông Sơn
Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm sáng tạo độc đáo, đặc sắc - một tài sản văn hóa quý giá mà cha ông để lại, là biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Việt cổ thời dựng nước. Đến nay, Hà Nội là một trong số ít địa phương phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng Đông Sơn độc đáo và đặc sắc nhất trong cả nước.
Mới đây, các nhà khảo cổ học có cơ hội được nghiên cứu chiếc trống đồng ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Về xuất xứ của chiếc trống, ông Nguyễn Thái Hiền, chủ sở hữu chiếc trống hiện nay cho hay đó là đồ gia bảo từ nhiều đời truyền lại. Bước đầu, trống được đặt tên là trống Hương Ngải.
Chiếc trống còn khá nguyên vẹn, có kích thước vào loại trung bình trong các trống Đông Sơn đã tìm được: đường kính mặt 52,3cm, chiều cao 39,8cm, đường kính chân trống 57cm, độ dày đo ở phần chân trống 2mm. Trống nặng 22.8kg.
Thân trống được chia làm 3 phần: tang phình ra nối liền với mặt. Lưng hình trụ thẳng đứng. Chân hơi loe hình nón cụt. Trên thân trống có 4 quai chia làm 2 cặp đối xứng hai bên thân trống, chiều cao quai 7,2cm, chiều rộng quai 3,5cm, mặt quai được trang trí bằng hoa văn bông lúa.
Hoa văn trên trống có hai loại: Hoa văn tả người, vật, động vật và hoa văn hình học. Mặt trống không trang trí tượng cóc. Giữa mặt trống là hoa văn ngôi sao nổi 10 cánh nhọn, giữa các cánh sao là hoa văn “lông công” và vạch ngắn song song. Từ trong ra ngoài có 9 vành hoa văn như sau: Vành 1, 3, 6 và 9: Hoa văn vạch ngắn song song. Vành 2, 7 và 8: Hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa tiếp tuyến. Vành 4 và 5 có kích thước rộng với nhiều hoa văn hiện thực được bố trí theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Quan trọng nhất là vành 4. Lấy ngôi sao giữa trống làm trung tâm, hoa văn được chia làm hai phần đối xứng và gần giống nhau. Mỗi phần có thể chia thành năm nhóm nối tiếp nhau (từ trái sang phải) được miêu tả như sau:
Có 5 người múa hóa trang trên đầu cắm lông chim, váy lông chim, mắt là hình vòng tròn chấm giữa. Ba người đi đầu tay trái cầm giáo nhọn chúc mũi xuống đất, tay phải xòe ngang trong động tác múa. Người thứ tư vừa đi vừa thổi khèn bè. Người đi sau cùng giang hai tay lên cầm sênh, phách hoặc chuông nhạc, có một con chim cất cánh bay trên đầu.
Tiếp theo là ngôi nhà sàn mái cong hình mu rùa, trên nóc có cảnh đôi chim đang đậu châu đầu vào nhau (ở phân nửa đối diện, không có hình hai chim đang đậu), hai nóc đầu hồi nhà có hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa. Hai bên vách nhà là các vòng tròn chấm giữa dày đặc. Đây là một loại nhà kho dự trữ lương thực, giữa nhà có người đang đứng, hai tay xoè ngang.
Cạnh nhà kho là cảnh hai người, một nam một nữ đang cầm chày dài giã gạo, có một con chim giang cánh bay trên đầu một người giã gạo.
Tiếp đến là ngôi nhà sàn mái cong lõm hình thuyền có chim đậu trên mái. Hai nóc đầu hồi là hình đầu chim với mỏ dài quặp xuống ngậm lấy cột nhà sàn, đôi mắt là hoa văn vòng tròn chấm giữa. Bên trong nhà có hình hai người ngồi thổi khèn quay vào nhau. Một bên dưới đầu hồi có hình người đang ngồi đánh trống da, một bên có vật giống chiếc trống đặt nằm ngang (ở phân nửa đối diện, là hình chiếc trống đặt đứng).
Cuối cùng là hình 4 người trang phục đơn giản, búi tóc, ngồi trên sàn tay cầm dùi dài chấm đến sàn, dưới sàn và ngay dưới 4 đầu gậy là hình 4 chiếc trống đồng đặt trực tiếp xuống đất (ở phân nửa đối diện, 4 chiếc trống được kê trên kệ cao).
Vành 5 là vành trang trí 12 hình chim bay ngược chiều kim đồng hồ, mỏ dài có mào, cánh xoè, đuôi và chân dài, mắt là hình vòng tròn chấm giữa, thân chim gầy thuộc loại cò sếu hoặc vạc.
Thân trống từ trên xuống gồm: Tang, lưng và chân trống. Phần trên của tang trống nơi tiếp giáp với mặt là 4 vành hoa văn hình học: Vành 1 và 4 hoa văn vạch ngắn song song. Vành 2 và 3 hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa tiếp tuyến.
Phần nửa dưới của tang là vành 5, trang trí hình 6 chiếc thuyền đang nối đuôi nhau theo hướng từ trái sang phải. Khoảng cách giữa các thuyền có hình từ 1 đến 2 con chim đang đứng, tư thế mỏ ngậm cá. Sáu chiếc thuyền khá giống nhau, đều có hình dáng hình vòng cung, đầu và đuôi thuyền uốn cong lên và trang trí hình đầu chim. Phần đuôi thuyền đều có hình bánh lái. Trên thuyền là 5 hình người, phần lớn đầu đội mũ lông chim. Có 2 người đứng đầu mũi thuyền tay cầm ngọn giáo dài, mũi chúc xuống. Tiếp đến là người đánh trống da đang được treo trên cột có cắm lông chim. Kế đến là hình ảnh người đứng trên lầu cao, đầu không đội mũ lông chim, để xoã tóc, đang giương cung tên về đầu hoặc cuối mũi thuyền. Cuối thuyền là một người đang ngồi cầm mái chèo dài.
Phần lưng trống được chia thành 6 ô chữ nhật, được ngăn cách bằng tổ hợp hoa văn gạch chéo song song và vòng tròn đồng tâm chấm giữa tiếp tuyến. Giữa các ô là hoa văn người múa hoá trang đầu cắm lông chim, mặc váy lông chim xẻ tà dài, mắt là hình vòng tròn chấm giữa, tay trái cầm mộc, tay phải cầm rìu xéo gót vuông hoặc rìu gót tròn. Ở ô nằm giữa đôi quai có 3 người múa, ở các ô khác có 2 người múa.
Phần dưới của lưng trống còn có một tổ hợp hoa văn hình học gồm hoa văn vạch ngắn song song và vòng tròn đồng tâm chấm giữa tiếp tuyến. Chân trống không được trang trí hoa văn.
Căn cứ vào dấu vết đường chỉ nổi chạy dọc đối xứng hai bên thân trống cho thấy, trống được đúc bằng kỹ thuật ghép khuôn 3 mang: Một khuôn mặt và hai khuôn thân. Còn tìm thấy một số dấu vết con kê hình vuông để cố định vị trí khuôn có hình vuông ở trên mặt và thân trống.
***
Qua nghiên cứu trực tiếp, căn cứ vào kiểu dáng trống, hoa văn trang trí và dấu vết kỹ thuật chế tạo, bước đầu các nhà khảo cổ cho rằng: Chiếc trống Hương Ngải thuộc loại Heger I nhóm A1. Theo phân loại của các nhà khảo cổ học Việt Nam thì trống Hương Ngải được xếp loại trống Đông Sơn sớm. Đây là sản phẩm của cư dân Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước.
Dưới góc nhìn nghệ thuật, những hoa văn trên trống Hương Ngải biểu hiện đỉnh cao của nghệ thuật trang trí bằng các mô típ hoa văn đẹp đẽ với bố cục hài hòa, thoáng đạt. Trống Hương Ngải có nhiều đặc điểm hoa văn gần gũi với trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ và có niên đại vào khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên.
Trống đồng Hương Ngải có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tạo hình của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đánh giá cao giá trị của trống Hương Ngải, cho rằng chiếc trống này có thể sánh ngang thang bảng giá trị với các trống được xếp hạng Bảo vật Quốc gia như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà và Kính Hoa.
Với sự góp mặt của trống đồng Hương Ngải, chúng ta có thêm một hình tượng đẹp, quý về văn hóa trống đồng Hà Nội trong sức sống trường tồn cùng mảnh đất kinh đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến./.