Mỹ thuật

Triển lãm hội họa của vua Hàm Nghi “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama”

Hà Oai 25/03/2025 09:02

Lần đầu tiên 21 tác phẩm hội hoạ quý giá của vua Hàm Nghi “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama” được trưng bày tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế) và giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật.

z6438479841713_ec858ffc1688c3c5fbb5cd845a26c61b.jpg
Triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” tại điện Kiến Trung.

Ngày 24/3, tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế) Tạp chí Art Republik Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm hội hoạ của vua Hàm Nghi “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama”.

Lấy bút danh Tử Xuân - “Con trai của mùa xuân,” vua Hàm Nghi đã ký thác trong nghệ thuật nỗi hoài niệm về quê hương và khát vọng vượt thời gian. Suốt 15 năm qua, các tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi đã từng xuất hiện trên thị trường nghệ thuật Pháp và chủ yếu từ các bộ sưu tập tư nhân. Triển lãm “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama” không chỉ mở ra cánh cửa dẫn lối công chúng về với di sản hội họa của vị hoàng đế lưu vong mà còn là một cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, nơi những gam màu và đường nét hồi sinh một tâm hồn nghệ sĩ giữa dòng chảy lịch sử.

Theo đó, lần đầu tiên 21 tác phẩm hội hoạ quý giá của vua Hàm Nghi được quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân được trưng bày tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế) từ ngày 25/3 – 6/4 chào đón công chúng yêu nghệ thuật từ khắp cả nước. Các tác phẩm được giám tuyển Ace Lê và Lân Tinh Foundation phối hợp cùng Tiến sĩ Amandine Dabat (Hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) cùng nhiều đơn vị, đối tác mỹ thuật hàng đầu trong và ngoài nước miệt mài lần theo dấu vết thời gian, tìm kiếm, xác tín, thẩm định, phục chế nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế trong hành trình hơn một năm.

Mỗi bức tranh mở ra một mảnh ghép trong thế giới nội tâm của vua Hàm Nghi như Vue de la résidence d’El Biar (Quang cảnh dinh thự ở El Biar) khắc họa nơi ông từng sống tại Alger với một góc bình yên giữa kiếp lưu đày và Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard) là hình ảnh một vùng quê nước Pháp thể hiện sự giao thoa giữa thực tại và nỗi nhớ quê nhà. Trong khi đó, Bờ rừng (hồ Geneva) mang một sắc thái trầm lắng với những gam màu giàu chiều sâu gợi lên tâm trạng của người nghệ sĩ trước sự mênh mông của thiên nhiên.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ, “Chuyến hồi cố của các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác bởi vua Hàm Nghi tại Điện Kiến Trung (Đại nội Huế) không chỉ là một cuộc hội ngộ đầy xúc cảm giữa nghệ thuật và lịch sử mà còn là lời tri ân sâu lắng gửi đến vị vua bị lưu đày nhưng không lạc mất hồn quê. Để có được cuộc triển lãm này, chúng tôi gửi lời cảm ơn và đánh giá cao Tạp chí Art Republik, Tiến sĩ Amandine Dabat (Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) và Viện Pháp tại Việt Nam đã phối hợp có hiệu quả".

z6438543137898_1776e2b2ac5b7a11a514c58d0870eaab.jpg
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu chia sẻ tại buổi triển lãm.

Chia sẻ thêm về tài năng hội hoạ của vua Hàm Nghi, ông Ace Lê - Tổng biên tập Tạp chí Art Republik cho biết “Tranh Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng mỹ thuật và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày”. Cựu hoàng vẽ cảnh nhưng thật ra là vẽ tình, cả tình riêng và tình chung cũng là lý do tôi quyết định đặt tựa “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama” cho triển lãm và lấy cảm hứng từ tứ thơ của bà Huyện Thanh Quan. Hàm Nghi là ví dụ tiên phong và điển hình cho lối tiếp cận giao thoa mỹ thuật Á - Âu, tiếp thu mà không hòa tan, vẫn giương cao được ngọn cờ bản sắc theo cách riêng của mình".

Phát biểu tại triển lãm, ông Franck Bolgiani - Phó giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam bày tỏ sự nhiệt thành trong việc hợp tác phát triển văn hóa trong tương lai “Vua Hàm Nghi không chỉ là một vị hoàng đế mà còn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về hội họa phương Tây. Bằng cách kết hợp những kỹ thuật hàn lâm Pháp với tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên và văn hóa quê hương, ông đã sáng tạo ra những tác phẩm vô cùng độc đáo, ngập tràn cảm xúc và thấm đẫm hoài niệm”.

z6438362225683_8e95352b8421c6755369d613d19168be.jpg
Phó giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam phát biểu tại buổi triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”.

“Từng bức tranh phong cảnh là một lời tự sự đầy tinh tế về nỗi cô đơn, sự kháng cự và cả vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam vang vọng. Qua triển lãm này, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng ngôn ngữ nghệ thuật của một vị hoàng đế, người dù trong cảnh lưu vong vẫn biết cách làm sống dậy những ký ức và văn hóa của cố hương” - Phó giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cho biết thêm.

z6438362225702_3fd1de3a183f16967540f8e998974e73.jpg
Nghi thức khai mạc “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”.
z6438362225705_5e38a7588a43e1bf2959e38448affa6b.jpg
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đội mũ trắng) và Tiến sĩ Amandine Dabat (áo đỏ) tham quan tại triển lãm.
z6438660240119_7d30bed415997c146c8734b58f6b839b.jpg
Khách tham quan tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”.
z6438361902033_41a50eab7a203072b8aab4e7dd7f44d9.jpg
Tác phẩm "Đường làng" (19010).
z6438361902029_8005a14e469939b121202729f8af5a99.jpg
Tác phẩm "Đường làng và những bông hoa màu lam" (1906 - 1908).
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Vào sáng ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), đồng thời là dịp để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình tượng Người - vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
  • Khởi động cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ ba tại Việt Nam
    Cuộc thi UOB Painting of the Year – một trong những sự kiện mỹ thuật uy tín hàng đầu Đông Nam Á vừa chính thức bước vào mùa giải thứ ba tại Việt Nam. Đây là cuộc thi nghệ thuật thường niên lâu đời nhất tại Singapore, do Ngân hàng UOB khởi xướng từ năm 1982 nhằm phát hiện và tôn vinh các tài năng nghệ thuật trong khu vực.
  • Triển lãm tranh "Mùa xuân Hà Nội và Seoul" sắc màu hội họa giữa văn hóa Việt - Hàn
    Triển lãm tranh "Mùa xuân Hà Nội và Seoul" của họa sĩ Văn Dương Thành với màu sắc lộng lẫy nhưng êm dịu, thể hiện sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc.
  • Giới thiệu gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua triển lãm “Hành trình gốm Việt”
    Gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử đến thế kỷ thứ XX của 49 nhà sưu tầm được triển lãm tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế).
  • Triển lãm “Bài ca thống nhất” tái hiện ký ức hào hùng của dân tộc
    Sáng 25/4/2025, tại khuôn viên công viên Thống Nhất (phía mặt đường Trần Nhân Tông, Hà Nội), triển lãm mỹ thuật “Bài ca thống nhất” chính thức khai mạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và lịch sử. Sự kiện do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 70 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/195
  • Khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước
    Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 23/4 tại Hà Nội Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ban Dân vận Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Đây là hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa chính trị - văn hóa sâu sắc, góp phần khẳng định tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm hội họa của vua Hàm Nghi “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO