Trái ngọt đầu mùa của nhóm viết Tản văn hay

Thanh Bình| 02/09/2020 08:03

Tròn một năm kể từ khi nhóm viết Tản văn hay ra đời, một cuốn sách mang tựa đề “Bay đi bồ công anh” đã được ra mắt độc giả. Gần 60 tản văn nhỏ xinh của 38 cây bút đến từ nhiều vùng miền trên cả nước đã đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc thú vị. Nói ví von thì tập tản văn chính là trái ngọt đầu mùa của nhóm viết Tản văn hay.

       Tác giả Hồ Huy – người khởi xướng nhóm viết Tản văn hay chia sẻ: “Mong muốn lan tỏa giá trị văn chương nói chung và tản văn nói riêng đến những người cầm bút – đó là ý tưởng ban đầu của những người “khai sinh” nhóm tản văn hay. Từ tâm huyết, nỗ lực của những người yêu văn chương, nhóm viết chuyên biệt về tản văn, hoạt động trên nền tảng của mạng xã hội ngày một phát triển, quy tụ nhiều cây bút trong đó có không ít tác giả là những nhà văn, nhà báo có nhiều thành công trong nghề viết. Tập sách “Bay đi bồ công anh” - cuốn sách đầu tay của nhóm Tản văn hay đã phần nào minh chứng cho điều đó”.
Trái ngọt đầu mùa của nhóm viết Tản văn hay
"Bay đi bồ công anh" - tập tản văn đầu tay của nhóm viết Tản văn hay.
       Bồ công anh là một loài hoa bình thường, giản dị và khiêm nhường. Dẫu nhỏ bé nhưng hoa luôn vươn cao và hướng về phía trước; dẫu nơi đồi xanh thung vàng hay chỉ là góc khuất nham nhở nơi vệ đường thì bồ công anh vẫn vui với sự tồn tại của mình, nhiệt thành sẻ chia, theo gió sinh sôi. Thông điệp giàu tính nhân văn của loài hoa mộc mạc ấy trong tản văn “Bay đi bồ công anh” của Lê Minh cũng là “lời muốn nói” của nhóm viết Tản văn hay trong tập sách này. Cũng bởi thế mà “Bay đi bồ công anh” đã được chọn là nhan đề tập sách.
       Nhưng “Bay đi bồ công anh” đâu chỉ là chuyện riêng của hoa lá cỏ cây, ở đó còn có cả những tiếng thầm thĩ được ngân vang từ cuộc sống. Nếu “Bãi giữa quê tôi” của Hà Ngọc, “Bài hát cho cánh đồng” của Đào An Duyên, “Mùa gieo hạt” của Mai Thị Hồng Quế mang cho bạn đọc hình ảnh thân thuộc của vùng đồng bằng Bắc Bộ thì “Bản tình ca Tây Bắc” của Lê Minh, “Bắt vợ trên núi mùa xuân” của Hoàng Anh Tuấn, “Sủng Lả man dại khèn Mông” của Hồ Huy lại đưa bạn đọc đến với những “sắc màu” riêng nơi miền sơn cước. Nếu “Hàng bần ven sông” của Trúc Thanh giúp bạn đọc hiểu thêm về đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ, thì “Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ” của Thùy Vinh lại là những lát cắt, những yêu thương đong đầy về miền quê xứ Nghệ…

       Thấp thoáng trong nhiều trang văn là bóng dáng của làng quê với những hình ảnh thân quen, gần gũi. Nào dòng sông Chảy hiền hòa, bến sông Thương thơ mộng; nào cổng làng, ngõ quê; nào cây chay nhà ngoại, cây gạo bến sông, giàn hoa thiên lý... Và người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được những ân tình sâu đậm của người viết qua những kỷ niệm về quê hương, về những vùng đất đã “hóa tâm hồn”, về những người thân yêu. Dẫu chỉ là thức quà quê dân dã, là cơm nắm muối vừng, xôi sắn đầu đông hay xôi vò chè hoa cau… nhưng đó là cả một miền ký ức không dễ nguôi quên.

        Đọc “Bay đi bồ công anh”, bạn đọc được trải dài theo cảm xúc của các tác giả, từ miền quê đến chốn thị thành, từ miền Nam ra miền Bắc... Cũng có lúc là hoài niệm về những ngày xưa cũ, cũng có khi là những xúc cảm ấm áp về những vùng miền mà tác giả đã đi qua hay những nỗi niềm khi con tim lên tiếng… Không ít tác phẩm, tác giả trôi dòng cảm xúc theo những chuyển động của thiên nhiên, đất trời, khi nắng sớm, lúc mưa chiều; khi xuân đến, hạ về hay trời trở rét sang đông… Có thể cảm nhận rõ trong: “Chiều nay trên phố mưa bay” của Tăng Mỹ Ngân, “Đêm Thiền” của Hoàng Như Phúc, “Em, biển và trăng” của Phạm Tuấn, “Khúc mùa xuân” của Trần Thảo Vy, “Ký ức đêm hè” của Dương Thi, “Mùa đong đầy yêu thương” của Đông Bắc, “Mùa đông ơi đừng rét” của Nguyễn Thị Phương Thảo, “Nắng từ quê ngoại” của Đinh Tiến Hải, “Những mùa đông đi qua đời tôi” của Nguyễn Minh Nguyệt…

        Điều thú vị của tập tản văn này còn ở sự đa dạng của những giọng điệu và phong cách văn chương. Bạn đọc gặp ở đây một 
Lê Hà Ngân da diết và ấm nồng; một Hoài Hương tinh tế và đằm thắm; một Thùy Vinh thâm trầm và sâu sắc; một Hồ Huy bay bổng và lãng mạn, một Đào An Duyên nhẹ nhàng mà sâu lắng; một Lê Minh mộc mạc mà da diết, một Đinh Tiến Hải dung dị mà ăm ắp yêu thương… Chính sự phong phú trong những cung bậc cảm xúc cùng những uyển chuyển sáng tạo trong lối viết của các tác giả đã đem đến cho “Bay đi bồ công anh” những dấu ấn riêng. 
       Đánh dấu mốc son tròn một tuổi bằng một ấn phẩm đẹp và ý nghĩa có thể nói đó là một nỗ lực và tâm huyết rất lớn của ban quản trị cũng như những thành viên của nhóm viết Tản văn hay. Hi vọng rằng sau tập sách đầu tay này nhóm viết Tản văn hay tiếp tục là nơi hội ngộ và tan tỏa tình yêu văn học nói chung, tình yêu tản văn nói riêng, từ đó có thêm những động lực mới để trình làng độc giả nhiều tuyển tập tản văn hơn nữa.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trái ngọt đầu mùa của nhóm viết Tản văn hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO