Hội trường Trung tâm văn hóa TP (số 4 Phùng Hưng, Hà Đông) sáng 26/6 chật kín thí sinh và khán giả. Họ từ thôn Đống Chanh (xã Minh Cường, huyện Thường Tín); thôn An Vọng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ)... - toàn những thôn cách nơi này mấy chục cây số. Và không chỉ họ, mà còn có cả cán bộ, người dân thôn có đại diện tại vòng chung kết đến cổ vũ cho đội nhà.
Ngoài phần thi tiểu phẩm bắt buộc có sự tham gia của nhiều người, thì phần thi năng khiếu cũng được nhiều đơn vị đầu tư dàn dựng công phu với nhóm múa phụ họa. Các tiết mục thi năng khiếu cũng đa dạng, hát nhạc nhẹ, chèo... và có cả những sáng tác tự biên. Nhiều khán giả có mặt rất ấn tượng với giọng hát chèo ngọt ngào của trưởng thôn Nguyễn Tuấn Tú (thôn Phương Đình, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) trong bài chèo “Quê hương ơn Bác”. Ông Tú năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng có 14 năm giữ vai trò trưởng thôn và là người cao tuổi nhất tại vòng chung kết. “Đây không phải lần đầu tiên tôi đến với Hội thi trưởng thôn thân thiện, nhưng lần nào cũng thấy sự hào hứng của các thí sinh, các cổ động viên đến từ các địa phương. Với những vùng quê xa trung tâm TP, hoạt động phong trào luôn góp phần quan trọng cho sự gìn giữ thôn làng văn hóa” – ông Tú tâm sự.
Bản lĩnh người trưởng thôn
Bên lề hội thi, các trưởng thôn đại diện cho các địa phương đều cho rằng để làm tốt công việc này, ngoài hiểu biết về chính sách, pháp luật, sự gương mẫu, thì yếu tố quan trọng là sự mềm mỏng, kiên trì và có khả năng thuyết phục. Ông Vương Duy Quân (thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Đặc thù của thôn làng là nơi sinh sống của phần lớn anh em họ tộc, rồi thông gia, láng giềng… nếu không gương mẫu, không có khả năng thuyết phục thì mọi việc rất khó giải quyết”.
Rất nhiều vấn đề như nhà chỉ sinh con gái, vợ đánh chồng, mẹ chồng "nhiếc" con dâu, tư tưởng “chạy” hộ nghèo… được các “thí sinh” bày tỏ qua các tiểu phẩm. Dù cách diễn chưa chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng đây là các vấn đề đang tồn tại, cần vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm ở các thôn làng. “Chuyện không muốn gia đình mình thoát nghèo tưởng chỉ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn tồn tại trong tâm tư của nhiều người dân các huyện ngoại thành Hà Nội.
Những trưởng thôn muốn vận động bà con bỏ tư tưởng “chạy” hộ nghèo phải hết sức mềm dẻo và kiên trì, phải làm sao cho mọi người hiểu trưởng thôn vận động họ không chỉ vì thành tích đạt danh hiệu làng văn hóa, mà còn vì mong muốn làng mình tiến bộ, kinh tế phát triển” - ông Trần Quang Huy (thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) tâm sự.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho ông Nguyễn Quang Huy (huyện Chương Mỹ), 2 giải nhì cho ông Nguyễn Tuấn Tú (huyện Đan Phượng) và ông Bùi Quang Hà (huyện Đông Anh). Ngoài ra, Ban tồ chức còn trao 3 giải Ba, cùng nhiều giải Khuyến khích, giải Tài năng và giải Ứng xử cho các trưởng thôn của 17 huyện.
5 năm một lần, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội thi trưởng thôn thân thiện để thấy rõ tinh thần cán bộ nào phong trào đó ở mỗi địa phương. Hội thi năm nay không chỉ bất ngờ về tài năng của các trưởng thôn, mà còn ở sự trẻ hóa của đội ngũ cán bộ các thôn làng. Nhiều nội dung của 2 bộ Quy tắc ửng xử được mọi người lồng ghép trong các tiểu phẩm dự thi. Các tiết mục này sẽ không chỉ xuất hiện trong hội thi, mà còn là hoạt động sinh hoạt thường xuyên ở các thôn. Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng ban giám khảo Hội thi |