Tọa đàm về vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội thời bao cấp
Chiều ngày 11/10, tại không gian Caphé Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc".
Tọa đàm do Tạp chí Tia Sáng tổ chức với sự tham gia của 3 khách mời là: PGS.TS Nguyễn Văn Huy, KTS. TS Trần Thanh Bình, KTS Vũ Hiệp. Bàn tròn cũng mở ra với sự tham gia của KTS. TS Trương Ngọc Lân, KTS. Nguyễn Mạnh Trí…
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, KTS Vũ Hiệp đã đề cập tới những phân kỳ kiến trúc qua các giai đoạn kể từ sau ngày giải phóng Thủ đô (1954). Đi qua từng giai đoạn, KTS Vũ Hiệp đã nêu bật lên đặc trưng của từng thời kỳ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến kiến trúc thời kỳ bao cấp.
Thời kỳ này, theo KTS Vũ Hiệp nổi bật nhất với những với công trình có mặt bằng, hình khối đa dạng sinh động; bố cục điểm - tuyến – diện - khối; vật liệu bê tông là chủ yếu; những bức tường hoa gió và làm chắn nắng trên mặt đứng; mối liên hệ giữa kiến trúc hai miền Bắc – Nam khi đều hướng tới tính bản địa…
Xoay quanh chủ đề "Những công trình đầu tiên – Những dấu ấn đầu tiên – Một thời kỳ gian khó và đáng nhớ", KTS Trần Thanh Bình đã chia sẻ ký ức từ những ngày mới chập chững ra trường, đi du học ở Liên Xô trở về nước, thiết kế công trình đầu tiên cho đến giai đoạn hiện tại.
Ông phân tích lại bối cảnh khi đất nước hoàn toàn giải phóng, những khó khăn về kinh tế, bao vây cấm vận; những ảnh hưởng chính về kiến trúc Liên Xô, Đông Âu và kiến trúc miền Nam trước năm 1975; rồi những năm tháng mở cửa, hội nhập… Tất cả các yếu tố này đặt ra yêu cầu cụ thể cho kiến trúc, quy hoạch Thủ đô.
Ở phần chia sẻ của mình, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cũng bộc bạch những cảm xúc khi nhớ về thời bao cấp, đặc biệt là những câu chuyện về cuộc sống ở khu tập thể cũ. Ví dụ như có những căn hộ có đến 8-9 người ở 3-4 thế hệ cùng sinh sống nên gây ra những nghịch cảnh mà sau này cũng lại tạo thành nguồn cảm hứng, hiệu ứng liên quan đến cuộc sống con người thời bao cấp…
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đặc biệt nhấn mạnh về khát vọng của những kiến trúc sư nói riêng, giới kiến trúc sư Việt Nam nói chung trong việc vượt lên khó khăn, rào cản để tạo ra những công trình tốt nhất cho xã hội.
Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng được mở rộng với phần trao đổi, thảo luận về việc bảo tồn di sản công nghiệp hay những ngôi nhà tư nhân; tiêu chí về cải tạo, thay đối, làm mới các công trình kiến trúc cũ…
Được biết, sau tọa đàm này, những vấn đề xoay quanh bảo tồn di sản kiến trúc thời bao cấp sẽ tiếp tục được được làm rõ tại tọa đàm vào ngày 15/11/2024 tại Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội./.