Kiến trúc

Góc nhìn di sản về những công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội

Thụy Phương 20:18 22/07/2023

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, sáng ngày 22/7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) phối hợp với Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus) và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức tọa đàm "Kiến trúc Pháp - Đông Dương - từ góc nhìn di sản". Tọa đàm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội.

Với lịch sử thăng trầm của Hà Nội trong một thế kỷ XX đầy biến động thì những dinh thự, biệt thự Pháp cổ cũng có một lịch sử li kì, hấp dẫn tương tự. Và phía sau nhưng dâu bể lịch sử ấy chính là những câu chuyện, những con người. Có thể nói, những công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Thủ đô chính là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử văn hóa, đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng của thành phố ngàn năm.

toa-dam-2.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại buổi tọa đàm.

ThS. Bùi Thị Hệ, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho hay hiện nay, Trung tâm lưu trữ quốc gia I quản lý, lưu giữ tài liệu của hơn 150 công trình kiến trúc Pháp. Trước nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của rất nhiều độc giả đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, Trung tâm đã rà soát, số hóa các tư liệu về các công trình nghiên cứu này để độc giả có thể tiếp cận tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa đã chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của các di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương đối với lịch sử Hà Nội; những đặc trưng của kiến trúc Pháp tại Thủ đô, đặc biệt là sự cần thiết trong công tác bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp. 

Theo TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, những công trình kiến trúc Pháp chính là những di sản quý báu đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Việc nhận diện kiến trúc Pháp giúp cho việc trùng tu, tôn tạo tốt hơn nhất là trong bối cảnh nhiều công trình kiến trúc Pháp ở Thủ đô đang bị xuống cấp, mai một.

Đáng chú ý, tọa đàm còn tập trung giới thiệu về cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” của nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Mỹ thuật, Omega Plus xuất bản từ năm 2022 và năm nay lại được tiếp tục in nối bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp.

toa-dam.jpg
Nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ tại tọa đàm.

Nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến cho hay, được tham gia biên soạn cuốn sách này là một vinh dự lớn của ông. Bởi trước nhất, ông là người Sài Gòn và chỉ bắt đầu làm quen Hà Nội từ năm 1984. Thêm nữa, ông là người ngoại đạo về kiến trúc, chỉ là người lữ hành say mê lịch sử.

“Nếu như Đông Dương từng được coi là chuỗi hạt ngọc trai lấp lánh của nước Pháp hải ngoại thì các kiến trúc do người Pháp và Việt Nam cùng tạo dựng ở Hà Nội chính là hiện thân của vẻ đẹp của những viên ngọc trai quý hiếm ấy – vẫn còn lấp lánh đến hiện tại. Thật may mắn, khá nhiều bản vẽ thiết kế của các kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội vẫn đang được bảo quản tốt tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Cuốn sách này tập hợp các bản vẽ ấy cùng các bức ảnh xưa và các lời chú dẫn lịch sử công trình, giúp công chúng có thêm cơ hội thưởng ngoạn các công trình kiến trúc ấy”, nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ.

bia-sach.jpg
Bìa sách "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội".

Với những tư liệu quý, hình ảnh bản thiết kế các công trình cùng lời thuyết minh bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh – Pháp, cuốn sách hé mở cho độc giả những câu chuyện mà chắc hẳn nhiều người chưa biết tới, đưa người đọc khám phá 37 công trình kiến trúc Pháp Đông Dương quanh Hà Nội - nơi có rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… và các tầng bậc khác của cư dân bản địa kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương từ trước đến nay./.

Bài liên quan
  • Số hoá để bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá
    Từ xa xưa, con người đã nỗ lực trong việc lưu lại những di sản văn hóa nhằm truyền lại cho thế hệ sau. Ngày nay, sự phát triển của phương tiện lưu trữ đã giảm bớt gánh nặng lưu trữ di sản, mở rộng khả năng lưu trữ, đặc biệt là số hóa di sản đã đóng vai trò quan trọng giúp hồi sinh những di sản văn hóa cổ, góp phần đưa các di sản văn hóa, di tích đến gần hơn với công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn di sản về những công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO