Kiến trúc - Quy hoạch

Bảo tồn kiến trúc Pháp: Giải pháp để hồi sinh di sản Thủ đô

Thụy Phương 13:52 17/04/2023

Lịch sử ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ghi nhận sự đóng góp của nhiều nền văn hóa trong đó có văn hóa Pháp. Những dấu ấn văn hóa, kiến trúc Pháp hiện diện ở mảnh đất Hà thành chứng tỏ một cuộc giao thoa văn hóa đầy thú vị. Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản kiến trúc Pháp cho tới nay vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ mà Thành phố đang nỗ lực.

Dấu xưa còn lại

Người Pháp đến Hà Nội từ những năm 1873 song phải gần 15 năm sau họ mới có những dự định và quy hoạch xây dựng mới cùng với kế hoạch khai thác thuộc địa. Với việc từng bước tạo cho Hà Nội nhiều khu chức năng, nhiều công trình mới theo cơ cấu hiện đại ở các khu vực trung tâm Ba Đình, xung quanh Hồ Gươm, phía đông hồ Trúc Bạch, phía nam khu phố cổ người Pháp đã góp phần tạo nên nét kiến trúc đặc trưng cho Hà Nội.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Không thể hiểu được bản sắc Hà Nội, nếu không nói đến những nét văn hóa - văn minh Pháp còn đọng lại ở đời sống đô thị vùng đất này. Đó là vấn đề đặt ra đối với việc xác định bản sắc Hà Nội”.

biet-thu-phap.jpg
Một số công trình, biệt thự tại Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Sự hiện hữu một khối lượng khá lớn các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc như: Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Tòa án tối cao, Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước, bưu điện, bệnh viện và hàng loạt các biệt thự ở các đường phố lớn của Hà Nội… là những bằng chứng về sự thành công của người Pháp trong việc thích ứng kiến trúc vốn đã định hình với điều kiện khí hậu nóng ẩm của xứ thuộc địa. Bên cạnh đó, những không gian xanh công cộng mà người Pháp đã quy hoạch cũng chứng tỏ họ đã tìm tòi một giải pháp kết hợp giữa phong cách Châu Âu với kiến trúc địa phương.

kts-dao-ngoc-nghiem.jpg
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, người Pháp đã mang tới cho Hà Nội những "nhịp điệu kiến trúc" tạo nên những nét đặc trưng riêng của kiến trúc Thủ đô.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, xét về tổng thể cấu trúc đô thị, các khu phố Pháp đã tạo nên nét đặc trưng mà không phải đô thị nào cũng có: “Khi người Pháp sang Việt Nam họ đã mang theo những định hướng quy hoạch hiện đại của thế giới tới Hà Nội. Điều này thể hiện rõ qua mạng lưới giao thông ô bàn cờ, hệ thống hạ tầng đô thị, các công trình kiến trúc... Điều đặc biệt là, người Pháp còn chú ý cả tới “nhịp điệu kiến trúc” đô thị qua việc tạo dựng nét đặc trưng cho từng tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...; đưa hệ thống không gian xanh vào đô thị với việc xây dựng các vườn hoa, quảng trường, tượng đài, cây xanh trên hè phố... Đấy là những dấu ấn đậm nét của kiến trúc Pháp tại Hà Nội”.

Nỗ lực gìn giữ, bảo tồn

Cơn lốc đô thị hóa đã cuốn đi nhiều giá trị di sản trong đó kiến trúc cũng không ngoại lệ. Không ít những công trình kiến trúc Pháp từng một thời hiện hữu ở Hà Nội nay đã không còn, nhiều biệt thự cũng đang bị biến dạng. Và đáng nói nữa là những công trình kiến trúc Pháp xưa đang phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi những nhà cao tầng.

Để gìn giữ, bảo tồn di sản kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị về quy hoạch, kiến trúc Pháp. Một số dự án, chương trình, kế hoạch cũng đã được Thành phố Hà Nội triển khai. Đáng chú ý, trước nguy cơ biệt thự Pháp dần bị xuống cấp, mai một, thời gian qua Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, lưu giữ những công trình tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội. Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do Thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Chỉ riêng tại quận Hoàn Kiếm – nơi tập trung khá nhiều các công trình, cảnh quan mang dấu ấn kiến trúc Pháp cũng đã có nhiều dự án trùng tu tôn tạo được thực hiện. Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, trên cơ sở kế hoạch được giao, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã triển khai thực hiện Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện (năm 2010); tiếp đó là Dự án cải tạo Hội quán Phúc Kiến, số 40 phố Lãn Ông với hai khối nhà Pháp (năm 2014). Ngoài ra, một số công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp như trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, trụ sở Công an phường Cửa Đông, Trường Mầm non 1/6, Trường THCS Trưng Vương... cũng đã được trùng tu, tôn tạo.

Hiện nay, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đang tiếp tục tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan phố Tràng Tiền và triển khai dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo và 46 phố Hàng Bài. Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp ngôi biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo và 46 phố Hàng Bài (được khởi công cuối tháng 4/2022) là công trình biệt thự Pháp đầu tiên được Thành phố Hà Nội trùng tu, tôn tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France. Ngay từ khi triển khai Thành phố đã xác định đây là dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án tương tự trên địa bàn.

chuyen-gia-phap.jpg
Ông Emmanuel Cerise khẳng định Dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo là một dự án có tính chất điển hình về cách tiếp cận tôn trọng đặc điểm gốc của công trình.

Ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile-de-France, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam, chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo cho biết mặc dù không tìm lại được tư liệu, bản vẽ gốc của công trình này nhưng các chuyên gia đã nghiên cứu hiện trạng, thực hiện thám sát công trình... nhằm đảm bảo các vấn đề về mặt kỹ thuật, kết cấu, nguyên vật liệu, lựa chọn làm sao cho phù hợp, hài hòa đúng nguyên tắc bảo tồn. “Tôi nghĩ rằng dự án này sẽ trở thành dự án có tính chất điển hình về cách tiếp cận tôn trọng đặc điểm gốc của công trình”, ông Emmanuel Cerise khẳng định.

Sau khi hoàn thành công việc trùng tu, ngôi biệt thự sẽ được quận Hoàn Kiếm khai thác như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng. Đây là minh chứng cho một chiến lược đồng bộ, bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tố di sản đô thị...

biet-thu-co-tren-pho-tran-hung-dao.jpg
Sau khi hoàn thiện việc trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sẽ được khai thác như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng.

Gần đây nhất, ngày 4/4/2023, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn Thành phố theo Chương trình số 03 – CTr/TU của Thành ủy. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.216 biệt thự (theo danh mục công bố tại Quyết định 1845 ngày 2/6/2022 của UBND Thành phố Hà Nội) và một số công trình kiến trúc khác. Mục đích của kế hoạch là xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành.

Hi vọng rằng, với những nỗ lực và quyết tâm của chính quyền Thành phố, các di sản kiến trúc Pháp sẽ dần được hồi sinh, góp phần gìn giữ bản sắc riêng có của Thành phố Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến./. 

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn kiến trúc Pháp: Giải pháp để hồi sinh di sản Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO