Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0 ngày nay và sau này có thể là 5.0 hay 6.0, 7.0... đã có những tác động vô cùng to lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, trong đó văn học cũng không đứng ngoài của cuộc cách mạng này.
Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0 ngày nay và sau này có thể là 5.0 hay 6.0, 7.0... đã có những tác động vô cùng to lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, trong đó văn học cũng không đứng ngoài của cuộc cách mạng này. Văn hóa đọc, nhất là trong lĩnh vực văn chương thông qua con đường báo in, tạp chí in, sách in bị lấn át bởi báo mạng và các trang mạng cá nhân. Văn học mạng cũng hình thành và phát triển nhanh chóng, mỗi ngày có hàng ngàn hàng vạn người ở nước ta đăng tải các sáng tác của mình, chủ yếu là thơ và các đoạn văn ngắn lên trang mạng cá nhân, làm cho đời sống văn học thêm sôi động và phong phú. Đa số các tác phẩm trên mạng của những người không chuyên, chất lượng còn chưa cao nhưng cũng không ít những tác phẩm hay và mới lạ được phát hiện.
Rất nhiều các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp cũng đã đăng tải các tác phẩm của mình trên báo mạng và trang mạng cá nhân của mình như Facebook, Twitter và được hàng ngàn, hàng vạn độc giả yêu thích. Vậy nên chúng ta không nên chê bai, phủ nhận văn học mạng mà coi văn học mạng là dòng văn học đương đại.
Văn học mạng chủ yếu đăng tải thơ, truyện ngắn và những bài viết mà ít khi đăng tải tiểu thuyết vì người đọc ngại đọc dài. Vậy thì phải chăng tiểu thuyết sẽ chết dần chết mòn và đi đến tuyệt chủng? Theo tôi là không, tiểu thuyết vẫn mãi mãi sống, vẫn mãi mãi là người thư ký vĩ đại của thời đại thông qua sách in, có thể chỉ in vài trăm cuốn nhưng có thể sẽ là vài vạn, vài triệu, vài chục triệu bản in cho những cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn, mang hơi thở của thời đại.
Sở dĩ tiểu thuyết luôn luôn được các nhà văn, nhất là những tài năng văn học đam mê theo đuổi, mặc dù lao động tiểu thuyết là thứ lao động đặc thù có thể vắt kiệt hết sức lực, trí tuệ, tiền bạc của nhà văn, khiến họ có thể chết ngay trên trang giấy hay trên bàn phím nhưng họ vẫn khát khao với tiểu thuyết. Bởi tiểu thuyết mới có thể giúp cho họ tung hoành ngòi bút, mới có thể chuyên chở được hết những gì nhà văn muốn viết, từ thân phận của một con người đến cả loài người; từ thường dân đến một ông vua, một ông tổng thống; từ một vùng quê đến cả một đất nước; từ chiến tranh đến hòa bình; từ độc ác đến nhân văn; từ ngu muội đến văn minh; từ hạnh phúc đến bất hạnh… Và có tài năng, có sự đam mê, có sự lao động miệt mài thì các nhà văn cũng sẽ bước đến đỉnh cao của văn chương thông qua tiểu thuyết. Thực tế đã minh chứng điều này: trên thế giới có nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy - một tiểu thuyết gia vĩ đại trong các nhà viết tiểu thuyết với kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina. Nhà văn Ernest Miller Hemingway với tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả. Nhà văn Gabriel Garcia Marquez với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Nhà văn Mạc Ngôn với tiểu thuyết Báu vật của đời, Cao Lương đỏ, Đàn hương hình…
Ngay như ở Việt Nam chúng ta, nhiều nhà văn nổi tiếng cũng đã để đời với tác phẩm tiểu thuyết của mình như: Nhà văn Vũ Trọng Phụng với Số đỏ; nhà văn Nam Cao với Sống mòn; nhà văn Nguyên Hồng với Bỉ vỏ; nhà văn Ma Văn Kháng với Đám cưới không có giấy giá thú; nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa; nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần; nhà văn Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh; nhà văn Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma; nhà văn Dương Hướng với Bến không chồng… Tiểu thuyết của thời đã qua ở nước ta đã ghi lại dấu ấn lớn trong dòng chảy văn chương nhưng hình như trong thời đại của hôm nay… thì lại ít thấy, chưa thấy những tiểu thuyết gây được tiếng vang trong lòng dân, phản ánh thực tế của cuộc sống đương đại. Phải chăng các nhà văn còn phải lo cơm áo gạo tiền hay họ đã chán văn chương hoặc chán chính mình vì muốn viết mà ngòi bút đã mòn…?
Nhưng chúng ta luôn luôn tin rằng, trong thời đại của hôm qua, hôm nay và mai sau, tiểu thuyết vẫn đã, đang và sẽ mãi mãi là trụ cột của nền văn học nhân loại, của nền văn học mỗi quốc gia. Và bằng tài năng, bằng mồ hôi nước mắt, bằng máu và cả bằng mạng sống của mình, các nhà văn sẽ ký thác trí tuệ, tâm hồn từ hiện thực cuộc sống, và đặc biệt từ nhân dân để làm nên những tác phẩm để đời cho chính mình, cho đất nước mình và xa hơn là cho nhân loại.