“Tiếp lửa” nghệ nhân gìn giữ trao truyền di sản
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể. Trong quá trình gìn giữ, bảo tồn di sản này, không thể không nhắc tới nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ tri thức thực hành di sản. Với vai trò là chủ thể của di sản, nghệ nhân Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển những giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
“Bảo tàng sống” góp phần gìn giữ văn hóa dân gian
Đề cập tới vai trò của nghệ nhân dân gian đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định nghệ nhân là “sợi dây” níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống mang nét đặc trưng, đặc sắc riêng của người Việt Nam; là người kế tục các di sản do người đời trước để lại; là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa phi vật thể nhằm phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Trải qua quá trình thực hành, sáng tạo, tái tạo văn hóa, nghệ nhân dân gian là người tích lũy nhiều vốn di sản. Thông qua việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, nghệ nhân dân gian đã chuyển tải hình thức, nội dung, ý nghĩa, giá trị… của di sản văn hóa của mình đang nắm giữ để người học hiểu biết và nhận thức đúng đắn hơn về di sản văn hóa phi vật thể đó.
Theo PGS.TS. Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, nghệ nhân vừa là một bộ phận quan trọng của di sản, vừa là nhân tố năng động, sáng tạo và mang một trọng trách xã hội lớn lao không chỉ đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà còn hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng ở một phạm vi rộng lớn hơn. Họ vừa có vai trò quan trọng trong kiến tạo, trao truyền và thực hành di sản, vừa là những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng di sản nói riêng, đối với xã hội nói chung.
Trong mối quan hệ giữa di sản văn hóa phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hóa người Hà Nội, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, nhân vật năng động và sáng tạo trong thực hành di sản góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh túy của văn hóa hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hóa cho con người Hà Nội hôm nay.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhờ các nghệ nhân mà nhiều di sản đã được “cứu” thành công trước nguy cơ mai một. Có thể kể tới NNƯT Nguyễn Thị Vẫy, cố NNƯT Nguyễn Thị Lơ (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín); NNƯT Kiều Thị Chải (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên), NNƯT Nguyễn Văn Bôn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ)... đã có những đóng góp giúp ngành văn hóa Thủ đô cùng chính quyền địa phương có các chính sách bảo vệ khẩn cấp trước nguy cơ di sản biến mất hoàn toàn.
Tiếp lửa nghệ nhân bảo tồn di sản
Với 1793 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình, từ nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đến nghệ thuật trình diễn dân gian... Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa cũng như số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu.
Nhận thức rõ vai trò của nghệ nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tiếp sức nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản. Tháng 12/2022, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Thành phố Hà Nội. Đến nay, đã có 14/18 nghệ nhân nhân dân và 101/113 nghệ nhân ưu tú nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế là, các nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng ít dần do tuổi cao, sức yếu, mà thế hệ trẻ lại không “mặn mà” với điều đó nên các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống có nguy cơ cao bị mai một. Nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên, trong khi họ đã cao tuổi, không có điều kiện về kinh tế...
Từ góc nhìn của chuyên gia thủ công mỹ nghệ, họa sĩ Vũ Hy Thiều nhận định, nghệ nhân ở các làng nghề đều là những người thợ thủ công tài hoa, có óc sáng tạo, kỹ thuật tinh xảo và hết sức yêu nghề. “Tuy nhiên, có một thực tế khá phổ biến là họ đều thiếu kiến thức về thẩm mỹ, về thiết kế sản phẩm. Bởi thế, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thẩm mỹ và kỹ năng thiết kế sản phẩm cho các nghệ nhân để các sáng tác của họ có giá trị nghệ thuật cao hơn, hoàn chỉnh hơn là vô cùng cần thiết”, họa sĩ Vũ Hy Thiều cho hay.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nghệ nhân là những bảo tàng sống, họ đang từng ngày lưu giữ, thực hành và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể. Những hoạt động của nghệ nhân không chỉ bảo vệ di sản, mà còn giúp cho di sản sống trong đời sống đương đại. Vậy nên tôn vinh nghệ nhân, giúp cho nghệ nhân có điều kiện thực hành di sản là cách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thiết thực và hiệu quả nhất.
Để nâng cao vai trò của nghệ nhân trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng cần hoàn thiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua, Khen thưởng, các luật liên quan và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ; tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa.
“Nguồn lực trí tuệ và tài năng của nghệ nhân là tài sản vô giá và có giá trị cao cả về tinh thần và kinh tế. Đó là nguồn tài nguyên nhân văn nhằm phát triển con người, xã hội, góp phần phát triển các doanh nghiệp văn hóa, du lịch theo hướng tiếp cận trực tiếp, hưởng thụ giá trị và là tài nguyên đầu vào để tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch. Cần làm cho nghệ nhân, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch hiểu sâu hơn về nguồn tài nguyên này, biến di sản văn hóa phi vật thể do nghệ nhân nắm giữ, thực hành trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch có chất lượng”, GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định./.