Tiếng sáo

Hanoimoicuoituan| 31/08/2022 16:54

Khi anh trở về, phố đã lên đèn. Xe lao nhanh vào hầm, loang loáng phía trước ô để xe quen thuộc đã nằm chình ình một chiếc xe lạ hoắc, cái biển số trâng trâng nhìn anh như thách thức. Thành phố đông người, đến chỗ đỗ xe cũng hiếm hoi, chỉ tim anh là trống trải mỗi khi màn đêm buông xuống.

Tiếng sáo
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Anh uể oải bấm thang máy. Những ký tự điện tử nhấp nháy vô hồn. Thang dừng lại ở tầng 15. Anh mở cửa, nhanh chóng tụt giầy, ngã mình trên chiếc sô pha. Những khối hình học loang loáng lướt qua trí nhớ. Khuôn mặt sếp, cằm bạnh ra, hai mắt nhỏ, lạnh, khuôn miệng hình chữ nhật kẻ vội, mỗi khi giao việc cho cấp dưới, môi trên khẽ nhếch. Cô thư ký tóc vàng, váy không đủ dài, hớ hênh chốn công sở. Hôm nào mũi anh cũng đầy khét mùi nước hoa Chanel. Ngủ vùi trên ghế chừng hai giờ đồng hồ, anh tỉnh dậy khi thấy một bên tay ê buốt, chắc là do trong vô thức anh đã gối đầu lên tay. Trên mặt bàn, bình nước cạn đáy bên mấy chai vodka. Rượu là thức uống để giải tỏa niềm cô độc.

Anh vào bếp, rán trứng, gọt hai quả dưa chuột đã héo. Màn hình điện thoại chợt sáng xanh: “Mai con đi mua sách với mẹ bố ạ”. Đã sang một tháng mới, anh mở điện thoại, chọn app bank, soạn lệnh chuyển tiền. Chỉ vài giây sau, màn hình smartphone nổi tin: “Thanks”. Ký tự ngắn gọn, tước bỏ mọi cảm xúc. Trong anh nhoi nhói ánh mắt của con gái vào cái ngày cách đây gần 5 năm ở sân tòa án. Khi cái bím tóc bé teo mất hút sau cánh cửa xe của vợ, anh cũng kéo mạnh cửa xe mình, ngồi thừ trên ghế, quên cả thắt dây an toàn. Chợt giật mình nghĩ, hai chiếc ô tô của hai vợ chồng, đủ các loại bảo hiểm, chỉ có hôn nhân của họ, lâu nay chênh vênh đi trên bờ vực.

***

Có buổi tối, hai bố con ôm nhau ngủ tít, đến đêm mới nghe tiếng kẹt cửa. Vợ về, mang theo cả mùi rượu. Đêm sau cũng thế, phần cơm của vợ phải đổ vào túi rác. Chừng nửa tháng như thế, anh đành đóng chặt cửa phòng cho con ngủ, làm bạn với cây sáo. Cánh cửa bỗng hé vừa đủ cho người vợ lách vào, lẹ như một con mèo. Rồi cô lên giọng; “Đêm rồi, anh không cho vợ con ngủ à?”. Anh im lặng. “Thì em vất vả để mua căn hộ mới ở cho rộng rãi. Bạn em chồng vừa lên chức đã chuyển sang ở biệt thự rồi”. Anh vẫn im lặng và nhớ hồi mới cưới, ở nhà thuê, hai vợ chồng vẫn ríu ra ríu rít. Cô nhìn anh âu yếm: “Em chỉ ước mơ mình có ngôi nhà nho nhỏ”. Anh thở dài, đàn bà là chúa tham lam.

Sáng hôm sau, anh dậy sớm, đặt nồi cháo xương, món ruột của vợ. Vợ vẫn ngủ mê mệt. Anh pha ấm trà, ngồi ngó mông lung qua ô kính. Có con nhện màu nâu vàng ở góc tường đang mải miết giăng tơ. Từ mấy hôm trước anh đã lấy chổi dọn sạch tổ nhện, nay nó lại bày biện, cần cù, miệt mài. Anh rời bàn uống nước, ra dọn tơ nhện. Người đàn bà đã dậy, xinh đẹp, nõn nà, trễ nải, khóe mắt còn vương lại sự mệt mỏi quá sức. Thấy chồng bên chén trà sớm, mắt cô nhíu lại. “Sao anh không mua vé tập gym? Chồng cái Hà tuần nào cũng đi Đại Lải chơi gôn. Anh lại nấu cháo? Tối em vừa ăn cháo, mà sáng nay sếp hẹn đi ăn với đối tác”. Tối đó, mâm cơm lại chỉ có hai bố con với xoong cháo hâm lại.

Việc vợ đi sớm về muộn rồi cũng thành chuyện hằng ngày. Một sớm, bên ấm trà ở phòng khách, anh mặc vest, tóc húi cao, vuốt chút keo, nhìn kiêu hãnh và cô đơn. Vợ ngạc nhiên: “Gớm nay anh đi đâu mà chỉnh tề thế?”. Anh lấy ra tờ giấy A4: “Em đọc đi rồi ký vào đây”. Cô cao giọng: “Anh điên à? Còn con?”. Cô vùng vằng bước khỏi nhà, để lại căn phòng một mùi hương. Anh hít sâu, lạ lẫm. Mùi Chanel. Chợt thoáng nghĩ tới cô thư ký ở công ty. Mà vợ thay nước hoa từ bao giờ, anh cũng chẳng còn bận tâm.

Tờ A4 đào thêm khoảng cách giữa hai vợ chồng, tăng sự ương bướng của đứa trẻ. Đêm nay, nó lại quấy khóc, đòi mẹ. Bực mình, anh phạt con úp mặt vào tường, tiện tay với chai rượu. Lúc vợ anh đẩy cửa bước vào nhà, nó chạy đến, vùi vào lòng mẹ thổn thức. Cô gào lên: “Anh ác vừa chứ! Say xỉn, đánh con, đòi bỏ vợ”. Anh im lặng nhưng khi cô bước qua, anh thoáng thấy một vết tròn đỏ trên bờ vai trắng nõn. Đêm đó anh ôm gối ra sô pha.

***

Sáng dậy sớm về quê, xuống hầm xe, anh thấy người phụ nữ thong thả đến cạnh ô đỗ xe của anh, nhẹ nhàng mở cửa xe. Anh nói với theo: “Sao cô lại đậu xe ở đây?”. “Em xin lỗi, em mới chuyển về đây, chưa kịp mua chỗ”. Anh không nói gì, lên xe ngay. Cô ghé vào cửa xe, dúi vào tay anh mẩu giấy màu vàng: “Em ở phòng 1518. Đây là số điện thoại của em”. Anh ậm ừ nhận tờ giấy rồi nhấn chân ga cho xe chạy đi.

Thấy con trai về, mẹ ra tận cổng đón. Buổi sớm ở quê nhà thật dễ chịu. Mẹ tất bật cơm nước đãi con trai. Chỉ bố là bình thản. Ông ngồi bên gốc sung già buông cần, bóng đổ dài xuống mặt ao. Gió hây hẩy, những cành tre lòa xòa reo vui. Trên bờ một ống bơ lúc nhúc giun đất, cái nồi nhôm cũ lưng lửng cám rang thơm phức. Bố ném từng vốc thính xuống mặt ao. Mươi phút sau, một con cá lớn nằm phơi lườn giữa đám cỏ xanh. Bữa trưa, mẹ quở: “Ăn đi con, ở một mình, bữa lưng bữa vực, già rồi vẫn để bố mẹ phải lo lắng”. Bố gạt đi: “Bà có để cho bố con tôi được bữa rượu ngon không?”. Anh cúi xuống và cơm, thấy nghèn nghẹn.

Anh trở lại thành phố khi chiều đã tắt hẳn trên ngọn tre cao vút, từng đàn trâu vác sừng kềnh càng. Khuôn mặt anh giãn ra khi nhớ về thuở mình còn là một thằng bé tóc cháy nắng nằm xoải trên lưng trâu... Khi xe vào hầm, mùi dầu, mùi khói bụi xộc vào mũi thật khó chịu. Trước mũi xe anh vẫn chiếc xe nọ án ngữ. Lúc mở cửa xe, mắt khựng lại trước mẩu giấy vàng dính trên mui xe, anh gỡ ra, dán vào lòng tay rồi bước quả quyết. Đi suốt hầm xe, thi thoảng gặp một chiếc xe trở về, ai cũng vội vã, chỉ có anh là thong thả, vì chẳng có ai mong.

Căn phòng đón anh bằng ánh đèn ngủ dìu dịu. Anh quăng mình lên ghế sô pha, tìm cây sáo quen thuộc, trái tim xây xước như được vuốt ve. Tiếng sáo ngừng khi chuông điện thoại reo: “Em là người đỗ xe nhờ. Anh ở phòng nào ạ?”. Cô gái đến, nhanh như khi gọi điện. Cô tò mò: “Anh chơi sáo à? Ngày xưa bố em thổi sáo rất hay, ông còn làm sáo để bán lấy tiền nuôi em ăn học”. Đang lơ đễnh, anh bỗng ngước lên nhìn cô trân trối. Tâm hồn anh bừng thức.

Cuối tháng công ty có chuyến đi Tây Bắc. Đang ở thành phố chật chội, được cơ hội đến núi thẳm, tâm hồn như được thanh tẩy. Tối ấy cả đoàn lục tục đi xem chợ phiên, một mình anh giữa căn phòng xa lạ, ngoài kia sương đã trĩu trên tàng cây. Tiếng nai tác bạn dội vào hoang vu những mỏi mong hội ngộ. Trăng chênh chếch treo trên thinh không vĩ đại mảng vàng rợn ngợp, những triền núi xa sẫm lại hóa thành hình thù kỳ dị, khiến buổi tối dấy lên niềm cô đơn bí ẩn. Anh rút cây sáo trong ba lô đưa lên môi, âm thanh như một đôi cánh đưa anh bay qua những mỏm đá mồ côi. Những ngày đã qua như thước phim chậm trôi.

Khi vào trong phòng, chui vào chiếc chăn thổ cẩm, anh bỗng thấy màn hình điện thoại sáng lên. Cả đêm đó anh chat với cô gái đậu nhờ xe và được nghe câu chuyện về đứa bé chứng kiến mẹ rơi xuống vực khi chặt trúc mưu sinh. Từ sau cái chết của người vợ xấu số, bố cô đã đốt hết đống trúc và những cây sáo còn lại. Cả cây sáo Mèo mà ông nâng niu như bảo vật cũng cùng chung số phận nếu cô không gào khản giọng: “Bố đừng đốt! Mẹ con rất thích nghe bố thổi bằng cây sáo này”. Người đàn ông tay bỗng buông sõng, cả bóng chiều gục xuống đôi vai.

Từ ấy, trừ những lúc cô đi học, đi đâu ông bố cũng cắp theo con gái bé bỏng. Đến ngọn núi xanh sừng sững, ông mở túi thổ cẩm, lấy ra bọc xôi ngũ sắc để bên. Ngồi xếp bằng, ông rút sáo ra thổi. Đứa bé gối đầu trên đùi bố, bàn tay bé xíu véo từng miếng xôi dẻo ngậy nhai chúm chím rồi chỉ lên đỉnh núi: “Tiếng sáo của bố cõng mặt trời lên cao kìa”. Lại có bữa vào rừng, từng vạt cây duối trổ vàng bên suối, thảm cỏ xanh mượt, con bé dựa vào lòng bố. Ông cất lên tiếng sáo da diết mà như thương nhớ vây quanh những tàng cây xanh xanh. Con bé nhoẻn cười: “Bố ơi! Tiếng sáo của bố rơi xuống suối chơi với con cá vàng kia”. Cứ thế tuổi thơ cô lớn lên cùng tiếng sáo của bố. Ngày cô về Hà Nội học, bố vui lắm, tiếng sáo của ông nhảy nhót khắp thung sâu...

***

Ba ngày Tây Bắc, câu chuyện về tiếng sáo của cô gái đã níu chân anh trong khách sạn, thế giới xung quanh như câm nín. Chỉ còn lại cô gái với người cha khắc khổ nuôi con cùng tiếng sáo bay ngang bầu trời, rơi xuống suối sâu, đậu lại trên bóng hình quen thuộc nhưng đã xa ngái vào sương chiều tím rịm của người mẹ đã khuất.

Chiếc xe bò chậm chạp trên đèo dốc đến tối nhọ mặt người mới về đến ngoại ô. Thành phố đã lên đèn. Anh mở cửa căn hộ. Vừa đặt ba lô vào góc nhà, anh đã thấy cô chạy vào, trên tay là một cây sáo cũ, hai đầu bịt bạc trắng óng ánh. Anh nhìn cô rồi nhìn cây sáo, câu chuyện của cô bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Trong giây lát, tiếng sáo đã len lỏi khắp căn phòng. Đêm tối bị đẩy bạt ra ngoài. Qua ô kính, từng vầng sáng lấp lánh, lấp lánh...

(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách tranh song ngữ “Kể chuyện Bác Hồ”
    Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 – 6/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tranh "Kể chuyện Bác Hồ", ấn bản song ngữ Việt – Trung.
  • Chuyện kể về Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam
    Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, các chúa Nguyễn hiện lên như những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, với các quyết sách chiến lược và nghệ thuật bang giao khôn khéo, đặc biệt trong quan hệ với triều đình Chân Lạp. Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là một công trình giàu tư liệu và cảm hứng góp phần tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.
  • Nhìn lại nửa thế kỷ văn học nghệ thuật Việt Nam
    Ngày 27/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Với 33 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, hội thảo là dịp tổng kết quá trình phát triển của VHNT Việt Nam trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm phát triển VHNT trở thành thành tố quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Huyện Thường Tín đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
    Sáng 28/6, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Sau 4 năm nỗ lực, huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật, kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống người dân được nâng cao.
  • Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh
    Tối 27-6, Chương trình thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng bền vững 2025 chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh”.
Đừng bỏ lỡ
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
  • [Podcast] Đình Mễ Trì Thượng – Nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa Hà Nội
    Trong hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thì đình Mễ Trì Thượng là ngôi đình cổ kính bậc nhất. Ngôi đình này nằm trên gò Quy Sơn (núi Rùa), thuộc làng Mễ Trì Thượng (tên Nôm là Kẻ Mẩy). Mễ Trì Thượng không chỉ mang dáng dấp kiến trúc cổ đặc trưng Bắc Bộ, mà ngôi đình này còn là nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa của một Hà Nội đang chuyển mình theo vòng quay thời gian.
Tiếng sáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO