Tiếng sáo

Hanoimoi| 06/09/2022 14:01

Khi anh trở về, phố đã lên đèn. Xe lao nhanh vào hầm, loang loáng phía trước ô để xe quen thuộc đã nằm chình ình một chiếc xe lạ hoắc, cái biển số trâng trâng nhìn anh như thách thức. Thành phố đông người, đến chỗ đỗ xe cũng hiếm hoi, chỉ tim anh là trống trải mỗi khi màn đêm buông xuống.

Tiếng sáo
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Anh uể oải bấm thang máy. Những ký tự điện tử nhấp nháy vô hồn. Thang dừng lại ở tầng 15. Anh mở cửa, nhanh chóng tụt giầy, ngã mình trên chiếc sô pha. Những khối hình học loang loáng lướt qua trí nhớ. Khuôn mặt sếp, cằm bạnh ra, hai mắt nhỏ, lạnh, khuôn miệng hình chữ nhật kẻ vội, mỗi khi giao việc cho cấp dưới, môi trên khẽ nhếch. Cô thư ký tóc vàng, váy không đủ dài, hớ hênh chốn công sở. Hôm nào mũi anh cũng đầy khét mùi nước hoa Chanel. Ngủ vùi trên ghế chừng hai giờ đồng hồ, anh tỉnh dậy khi thấy một bên tay ê buốt, chắc là do trong vô thức anh đã gối đầu lên tay. Trên mặt bàn, bình nước cạn đáy bên mấy chai vodka. Rượu là thức uống để giải tỏa niềm cô độc.

Anh vào bếp, rán trứng, gọt hai quả dưa chuột đã héo. Màn hình điện thoại chợt sáng xanh: “Mai con đi mua sách với mẹ bố ạ”. Đã sang một tháng mới, anh mở điện thoại, chọn app bank, soạn lệnh chuyển tiền. Chỉ vài giây sau, màn hình smartphone nổi tin: “Thanks”. Ký tự ngắn gọn, tước bỏ mọi cảm xúc. Trong anh nhoi nhói ánh mắt của con gái vào cái ngày cách đây gần 5 năm ở sân tòa án. Khi cái bím tóc bé teo mất hút sau cánh cửa xe của vợ, anh cũng kéo mạnh cửa xe mình, ngồi thừ trên ghế, quên cả thắt dây an toàn. Chợt giật mình nghĩ, hai chiếc ô tô của hai vợ chồng, đủ các loại bảo hiểm, chỉ có hôn nhân của họ, lâu nay chênh vênh đi trên bờ vực.

***

Có buổi tối, hai bố con ôm nhau ngủ tít, đến đêm mới nghe tiếng kẹt cửa. Vợ về, mang theo cả mùi rượu. Đêm sau cũng thế, phần cơm của vợ phải đổ vào túi rác. Chừng nửa tháng như thế, anh đành đóng chặt cửa phòng cho con ngủ, làm bạn với cây sáo. Cánh cửa bỗng hé vừa đủ cho người vợ lách vào, lẹ như một con mèo. Rồi cô lên giọng; “Đêm rồi, anh không cho vợ con ngủ à?”. Anh im lặng. “Thì em vất vả để mua căn hộ mới ở cho rộng rãi. Bạn em chồng vừa lên chức đã chuyển sang ở biệt thự rồi”. Anh vẫn im lặng và nhớ hồi mới cưới, ở nhà thuê, hai vợ chồng vẫn ríu ra ríu rít. Cô nhìn anh âu yếm: “Em chỉ ước mơ mình có ngôi nhà nho nhỏ”. Anh thở dài, đàn bà là chúa tham lam.

Sáng hôm sau, anh dậy sớm, đặt nồi cháo xương, món ruột của vợ. Vợ vẫn ngủ mê mệt. Anh pha ấm trà, ngồi ngó mông lung qua ô kính. Có con nhện màu nâu vàng ở góc tường đang mải miết giăng tơ. Từ mấy hôm trước anh đã lấy chổi dọn sạch tổ nhện, nay nó lại bày biện, cần cù, miệt mài. Anh rời bàn uống nước, ra dọn tơ nhện. Người đàn bà đã dậy, xinh đẹp, nõn nà, trễ nải, khóe mắt còn vương lại sự mệt mỏi quá sức. Thấy chồng bên chén trà sớm, mắt cô nhíu lại. “Sao anh không mua vé tập gym? Chồng cái Hà tuần nào cũng đi Đại Lải chơi gôn. Anh lại nấu cháo? Tối em vừa ăn cháo, mà sáng nay sếp hẹn đi ăn với đối tác”. Tối đó, mâm cơm lại chỉ có hai bố con với xoong cháo hâm lại.

Việc vợ đi sớm về muộn rồi cũng thành chuyện hằng ngày. Một sớm, bên ấm trà ở phòng khách, anh mặc vest, tóc húi cao, vuốt chút keo, nhìn kiêu hãnh và cô đơn. Vợ ngạc nhiên: “Gớm nay anh đi đâu mà chỉnh tề thế?”. Anh lấy ra tờ giấy A4: “Em đọc đi rồi ký vào đây”. Cô cao giọng: “Anh điên à? Còn con?”. Cô vùng vằng bước khỏi nhà, để lại căn phòng một mùi hương. Anh hít sâu, lạ lẫm. Mùi Chanel. Chợt thoáng nghĩ tới cô thư ký ở công ty. Mà vợ thay nước hoa từ bao giờ, anh cũng chẳng còn bận tâm.

Tờ A4 đào thêm khoảng cách giữa hai vợ chồng, tăng sự ương bướng của đứa trẻ. Đêm nay, nó lại quấy khóc, đòi mẹ. Bực mình, anh phạt con úp mặt vào tường, tiện tay với chai rượu. Lúc vợ anh đẩy cửa bước vào nhà, nó chạy đến, vùi vào lòng mẹ thổn thức. Cô gào lên: “Anh ác vừa chứ! Say xỉn, đánh con, đòi bỏ vợ”. Anh im lặng nhưng khi cô bước qua, anh thoáng thấy một vết tròn đỏ trên bờ vai trắng nõn. Đêm đó anh ôm gối ra sô pha.

***

Sáng dậy sớm về quê, xuống hầm xe, anh thấy người phụ nữ thong thả đến cạnh ô đỗ xe của anh, nhẹ nhàng mở cửa xe. Anh nói với theo: “Sao cô lại đậu xe ở đây?”. “Em xin lỗi, em mới chuyển về đây, chưa kịp mua chỗ”. Anh không nói gì, lên xe ngay. Cô ghé vào cửa xe, dúi vào tay anh mẩu giấy màu vàng: “Em ở phòng 1518. Đây là số điện thoại của em”. Anh ậm ừ nhận tờ giấy rồi nhấn chân ga cho xe chạy đi.

Thấy con trai về, mẹ ra tận cổng đón. Buổi sớm ở quê nhà thật dễ chịu. Mẹ tất bật cơm nước đãi con trai. Chỉ bố là bình thản. Ông ngồi bên gốc sung già buông cần, bóng đổ dài xuống mặt ao. Gió hây hẩy, những cành tre lòa xòa reo vui. Trên bờ một ống bơ lúc nhúc giun đất, cái nồi nhôm cũ lưng lửng cám rang thơm phức. Bố ném từng vốc thính xuống mặt ao. Mươi phút sau, một con cá lớn nằm phơi lườn giữa đám cỏ xanh. Bữa trưa, mẹ quở: “Ăn đi con, ở một mình, bữa lưng bữa vực, già rồi vẫn để bố mẹ phải lo lắng”. Bố gạt đi: “Bà có để cho bố con tôi được bữa rượu ngon không?”. Anh cúi xuống và cơm, thấy nghèn nghẹn.

Anh trở lại thành phố khi chiều đã tắt hẳn trên ngọn tre cao vút, từng đàn trâu vác sừng kềnh càng. Khuôn mặt anh giãn ra khi nhớ về thuở mình còn là một thằng bé tóc cháy nắng nằm xoải trên lưng trâu... Khi xe vào hầm, mùi dầu, mùi khói bụi xộc vào mũi thật khó chịu. Trước mũi xe anh vẫn chiếc xe nọ án ngữ. Lúc mở cửa xe, mắt khựng lại trước mẩu giấy vàng dính trên mui xe, anh gỡ ra, dán vào lòng tay rồi bước quả quyết. Đi suốt hầm xe, thi thoảng gặp một chiếc xe trở về, ai cũng vội vã, chỉ có anh là thong thả, vì chẳng có ai mong.

Căn phòng đón anh bằng ánh đèn ngủ dìu dịu. Anh quăng mình lên ghế sô pha, tìm cây sáo quen thuộc, trái tim xây xước như được vuốt ve. Tiếng sáo ngừng khi chuông điện thoại reo: “Em là người đỗ xe nhờ. Anh ở phòng nào ạ?”. Cô gái đến, nhanh như khi gọi điện. Cô tò mò: “Anh chơi sáo à? Ngày xưa bố em thổi sáo rất hay, ông còn làm sáo để bán lấy tiền nuôi em ăn học”. Đang lơ đễnh, anh bỗng ngước lên nhìn cô trân trối. Tâm hồn anh bừng thức.

Cuối tháng công ty có chuyến đi Tây Bắc. Đang ở thành phố chật chội, được cơ hội đến núi thẳm, tâm hồn như được thanh tẩy. Tối ấy cả đoàn lục tục đi xem chợ phiên, một mình anh giữa căn phòng xa lạ, ngoài kia sương đã trĩu trên tàng cây. Tiếng nai tác bạn dội vào hoang vu những mỏi mong hội ngộ. Trăng chênh chếch treo trên thinh không vĩ đại mảng vàng rợn ngợp, những triền núi xa sẫm lại hóa thành hình thù kỳ dị, khiến buổi tối dấy lên niềm cô đơn bí ẩn. Anh rút cây sáo trong ba lô đưa lên môi, âm thanh như một đôi cánh đưa anh bay qua những mỏm đá mồ côi. Những ngày đã qua như thước phim chậm trôi.

Khi vào trong phòng, chui vào chiếc chăn thổ cẩm, anh bỗng thấy màn hình điện thoại sáng lên. Cả đêm đó anh chat với cô gái đậu nhờ xe và được nghe câu chuyện về đứa bé chứng kiến mẹ rơi xuống vực khi chặt trúc mưu sinh. Từ sau cái chết của người vợ xấu số, bố cô đã đốt hết đống trúc và những cây sáo còn lại. Cả cây sáo Mèo mà ông nâng niu như bảo vật cũng cùng chung số phận nếu cô không gào khản giọng: “Bố đừng đốt! Mẹ con rất thích nghe bố thổi bằng cây sáo này”. Người đàn ông tay bỗng buông sõng, cả bóng chiều gục xuống đôi vai.

Từ ấy, trừ những lúc cô đi học, đi đâu ông bố cũng cắp theo con gái bé bỏng. Đến ngọn núi xanh sừng sững, ông mở túi thổ cẩm, lấy ra bọc xôi ngũ sắc để bên. Ngồi xếp bằng, ông rút sáo ra thổi. Đứa bé gối đầu trên đùi bố, bàn tay bé xíu véo từng miếng xôi dẻo ngậy nhai chúm chím rồi chỉ lên đỉnh núi: “Tiếng sáo của bố cõng mặt trời lên cao kìa”. Lại có bữa vào rừng, từng vạt cây duối trổ vàng bên suối, thảm cỏ xanh mượt, con bé dựa vào lòng bố. Ông cất lên tiếng sáo da diết mà như thương nhớ vây quanh những tàng cây xanh xanh. Con bé nhoẻn cười: “Bố ơi! Tiếng sáo của bố rơi xuống suối chơi với con cá vàng kia”. Cứ thế tuổi thơ cô lớn lên cùng tiếng sáo của bố. Ngày cô về Hà Nội học, bố vui lắm, tiếng sáo của ông nhảy nhót khắp thung sâu...

***

Ba ngày Tây Bắc, câu chuyện về tiếng sáo của cô gái đã níu chân anh trong khách sạn, thế giới xung quanh như câm nín. Chỉ còn lại cô gái với người cha khắc khổ nuôi con cùng tiếng sáo bay ngang bầu trời, rơi xuống suối sâu, đậu lại trên bóng hình quen thuộc nhưng đã xa ngái vào sương chiều tím rịm của người mẹ đã khuất.

Chiếc xe bò chậm chạp trên đèo dốc đến tối nhọ mặt người mới về đến ngoại ô. Thành phố đã lên đèn. Anh mở cửa căn hộ. Vừa đặt ba lô vào góc nhà, anh đã thấy cô chạy vào, trên tay là một cây sáo cũ, hai đầu bịt bạc trắng óng ánh. Anh nhìn cô rồi nhìn cây sáo, câu chuyện của cô bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Trong giây lát, tiếng sáo đã len lỏi khắp căn phòng. Đêm tối bị đẩy bạt ra ngoài. Qua ô kính, từng vầng sáng lấp lánh, lấp lánh...

(0) Bình luận
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
  • Bầu Trời và Mặt Đất
    Ngày xửa ngày xưa, đã từ rất lâu, Bầu Trời và Mặt Đất là hai người bạn. Họ thân với nhau lắm. Ngày ngày họ cùng chơi đùa, nói chuyện, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn cho nhau.
  • Mùa hoa biên giới
    Sau những ngày vất vả ngược xuôi với các vụ việc, hôm nay Ban mới có một ngày rảnh rỗi. Nhớ tới lời hứa với Hoa, nhớ tới lũ trẻ trên điểm trường ở Nậm Mo Phí, Sín Thầu, nơi Hoa dạy. Ban mua một ba lô quà bánh, ít mì tôm, thịt hộp cho lũ trẻ và đặc biệt mua cho Hoa một tấm áo mới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tiếng sáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO