Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản vẫn trên đà tăng trưởng ổn định.
Trong 5 tháng đầu năm, thị trường xuất hiện 1.859 doanh nghiệp, tăng 72,8% về số doanh nghiệp và 43,8% về số vốn. Riêng tại TP.HCM, doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 42,6% (tương ứng 6.599 doanh nghiệp mới) với vốn đăng ký 82.644 tỉ đồng.
Điều này cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có sức hút rất lớn trên thị trường và vẫn tiếp tục sự ổn định của năm 2016, thậm chí có phần mạnh mẽ hơn.
Song song đó, lượng vốn FDI đổ vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 600 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 5.2017, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016, trong đó nguồn tín dụng cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).
Mặt bằng lãi suất cũng được giữ ổn định, riêng lãi suất cho vay nhà ở xã hội tiếp tục được giữ ở mức 4,8%/năm. Tuy nhiên, do thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, nên doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn ước khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng ước đạt 1,6 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 10%. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Trong số này, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm không biến động nhiều, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ.
Chưa kể, lượng kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt 2,1 tỉ USD, tăng 50 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê các năm qua, có khoảng 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
TP.HCM đã thu hút được 2,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là 50,3 triệu USD, chiếm 12,82%. Thị trường bất động sản đang đứng thứ 4 về thu hút nguồn vốn FDI, nhưng có triển vọng sẽ bật tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nhiều hợp đồng đầu tư bất động sản đang được thương thảo.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến tình hình tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng nhanh và chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng dư nợ của thị trường bất động sản.
“Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm, dư nợ lĩnh vực này là 18.275 tỉ đồng, chiếm 15,9% tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó có dư nợ cho cá nhân vay để xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, mà nguồn trả nợ từ tiền lương. Nếu không được quản lý chặt chẽ, người vay có thể chuyển qua đầu tư bất động sản dễ phát sinh rủi ro”, ông Châu nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng nói rằng, so với đầu năm, tín dụng bất động sản đã tăng khoảng 4%. So với đầu năm, hiện nay tín dụng bất động sản có số dư nợ cao nhất. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2007-2008 khi tín dụng tăng trưởng nóng lên gần 30%, hiện tại ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
“Điều này cho thấy các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ hơn, thận trọng hơn trong việc rót vốn vào các dự án bất động sản. Qua đó nhằm quản lý được chất lượng tín dụng, góp phần hạn chế tình trạng bong bóng xảy ra như những năm trước đây”, ông Minh khẳng định.