Thị xã Sơn Tây phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa
Bí thư Thị ủy Sơn Tây (Thành phố Hà Nội) Trần Anh Tuấn cho biết, Thị xã Sơn Tây phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
Sáng 7/6, Thị xã Sơn Tây tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây, ông Trần Anh Tuấn, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thị xã Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Thị ủy đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 31/3/2022, UBND Thị xã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 17/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU, ngày 4/9/2019 về tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của Ban Chỉ đạo Chương trình 04 Thành phố.
Chỉ đạo rà soát, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch số 277/KH-UBND, ngày 19/6/2018 của UBND Thị xã về “Triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thị xã Sơn Tây đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó tập trung vào các lĩnh vực Thị xã có tiềm năng như du lịch văn hóa, tham quan di tích lịch sử, nghệ thuật biểu diễn, làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thị xã.
Cụ thể, Thị xã đã xây dựng Đề án và tổ chức khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây từ ngày 30/4/2022 với tổng chiều dài 820m nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần. Trung bình mỗi tối thứ Bảy thu hút khoảng 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách do hiệu ứng của các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: Đêm hội trăng rằm - Trung thu Thành cổ, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây…
Để thu hút được lượng khách lớn tham quan, trải nghiệm tại tuyến phố đi bộ trong thời gian qua, Thị xã đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 8 điểm sân khấu chính và các khu vực xung quanh. Đặc biệt, tất cả các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi, như: Hội thi áo dài, khiêu vũ, nhảy hiện đại, thi đánh cờ, nông dân đua tài, nghệ thuật dân gian, trưng bày cổ vật. Tại đây, cũng diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian như: Nặn tò he, viết thư pháp, vẽ truyền thần, trò chơi dân gian… Tuyến phố đi bộ không chỉ góp phần phát huy tiềm năng, giá trị của di tích Thành cổ Sơn Tây mà còn góp phần xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, sống động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần; thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương ngày càng phát triển.
Hàng năm, Thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ giỗ Đức Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, lễ hội vùng đền Và...; chú trọng đến việc xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của Thị xã như: Thành cổ, đền Và, chùa Mía, đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, chùa Khai Nguyên - đền Măng Sơn - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Khu du lịch Đồng Mô... Chỉ đạo hàng năm tổ chức Chương trình Tết Làng Việt tại di tích Làng cổ ở Đường Lâm, giới thiệu không gian và những nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Thị xã cũng tổ chức các hoạt động trưng bày sinh vật cảnh, triển lãm báo, ảnh tại Thành cổ Sơn Tây, chợ hoa, cây cảnh; trưng bày một số tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh về đề tài sinh hoạt, sản xuất, phong tục tập quán, cuộc sống của người dân khu vực đình Mông Phụ; trưng bày trang phục truyền thống của địa phương tại khu vực nhà thờ họ Phan... thu hút hàng vạn lượt người dân và khách tham quan, mua sắm. Đồng thời, tổ chức các buổi chiếu phim miễn phí với nhiều thể loại phim phù hợp với từng lứa tuổi tại rạp chiếu trên địa bàn phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của người dân.
Trong những năm qua, nhiều mô hình dịch vụ trải nghiệm, làm du lịch mới được thực hiện tại Thị xã Sơn Tây như: Đoài Creative, Phát Studio, phiên chợ làng Mô, chợ đêm Làng cổ… Triển khai Đề án xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn Thị xã; trồng hoa, cho thuê trang phục phục vụ du khách đến chụp ảnh, thuê xe đạp, homestay, trải nghiệm làm các sản phẩm nông nghiệp, sơn mài, gốm sứ…
Hệ thống nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch bước đầu đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, trên địa bàn Thị xã có trên 50 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch và 1 làng nghề đã được công nhận là Làng nghề Bánh tẻ Phú Nhi. Riêng địa bàn xã Đường Lâm có trên 150 hộ dân tại khu vực di tích làm dịch vụ du lịch, tạo các sản phẩm phục vụ du khách. Địa bàn Thị xã đã có 89 sản phẩm OCOP được Thành phố công nhận 3 sao trở lên.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch được quan tâm. Thị xã phối hợp với VNPT Hà Nội triển khai lắp đặt và duy trì hệ thống Wifi miễn phí tại các vị trí thuộc điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Phố đi bộ phục vụ du lịch trên địa bàn. Hoàn thành dự án số hóa hệ thống cây xanh ở Thành cổ Sơn Tây.
Đoàn Thanh niên Thị xã hoàn thành số hóa các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại một số di tích trên địa bàn: Văn Miếu, Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, đình Mông Phụ, đền và lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng. Số hóa bản đồ du lịch Làng cổ Đường Lâm… Tại mỗi điểm di tích đều được gắn các mã QR tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện trong quá trình truy cập của du khách khi tới tham quan. Ứng dụng quét mã QR tại các di tích lịch sử là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách.
Xuất bản và ra mắt 3.000 cuốn “Cẩm nang du lịch Sơn Tây”; duy trì website du lịch Sơn Tây, kết nối với website làng cổ Đường Lâm với Cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Hà Nội để đăng tải bài viết, thông tin du lịch của thị xã Sơn Tây với người dân; phối hợp xây dựng, chia sẻ clip quảng bá, giới thiệu về Sơn Tây và phố đi bộ Sơn Tây trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như một loạt phóng sự có sự phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội thực hiện: Du lịch Sơn Tây - tiềm năng và những giải pháp vượt qua khó khăn; Về Sơn Tây về miền di sản; Nhất định phải đến Sơn Tây; Trung thu Thành cổ Sơn Tây…
Tại buổi Tổng kết, Thị ủy Sơn Tây đã khen thưởng 25 tập thể, cá nhân trên địa bàn có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.