Văn hóa – Di sản

Thân Nhân Trung – danh sĩ, tao đàn phó súy

Đoàn Ánh Dương 14/11/2023 16:01

Thân Nhân Trung sinh năm Mậu Tuất (1418), mất năm Kỷ Mùi (1499), tự Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) song là một danh sĩ có nhiều cống hiến với mảnh đất Thăng Long, đặc biệt trên các lĩnh vực giáo dục và văn học.

Hoạn lộ của Thân Nhân Trung khá hanh thông, làm quan trải các chức Hàn lâm Thừa chỉ, Tế tửu Quốc Tử Giám, Đại học sĩ Đông các... đến khi hưu quan được thăng tới Thượng thư Bộ Lại. Có thể nói, sự nghiệp của ông sáng rỡ cùng với những năm thịnh đạt của chế độ quân chủ dưới triều Lê Thánh Tông. Tiếc thay đến nay văn nghiệp của ông đã tản mát nhiều, hiện chỉ còn một số bài thơ phụng họa, thù tụng được chép trong Thiên Nam dư hạ tập, Minh lương cẩm tú, Quỳnh uyển cửu ca... một số thơ điếu, viếng và ba bài bi ký. Nhưng nhìn vào cuộc đời bôn ba và những trước tác ấy, cũng thấy được một trí tuệ uyên súc, một tâm hồn khoáng đạt của một học quan, một thi nhân tài năng nhiều mặt.

than-nhan-trung.png
Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại quê hương ông - tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Thân Nhân Trung đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1469) niên hiệu Quang Thuận thứ 10, khi đã 51 tuổi. Năm Ất Mùi (1475) được bổ chức Hàn lâm viện thị độc, được cắt cử làm Độc quyển kì thi Hội và về sau còn được cử thêm nhiều lần như các năm: Hồng Đức thứ 21 (Canh Tuất, 1490), Hồng Đức thứ 24 (Quý Sửu, 1493), Hồng Đức thứ 27 (Bính Thìn, 1496). Năm Hồng Đức thứ 14 (Quý Ty, 1483), ông cùng với Đàm Văn Lễ và Đỗ Nhuận được Lê Thánh Tông giao cho soạn bộ Thiên Nam dư hạ, một cuốn sách đồ sộ tới 100 quyển, ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, cáo sắc, điển lệ, văn hàn... được biên soạn công phu đến 10 năm (1483 - 1493); ông cũng là người giữ nhiệm vụ chủ trì và đề tựa. Năm Hồng Đức thứ 15 (Giáp Ngọ, 1484), Thân Nhân Trung được giao viết Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Sau đó ông còn viết Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Hai bài bi ký này đã thể hiện sâu sắc tư tưởng của ông về các vấn đề chính trị, văn hóa và giáo dục.

Năm Giáp Dần (1494), nhân hai năm liền đất nước được mùa, nhà vua vui mừng ghi lại điềm lành ấy trong 9 bài thơ gọi là Quỳnh uyển cửu ca (Chín bài thơ trong vườn Quỳnh) rồi cho 28 văn thần họa lại; đời sau gọi sinh hoạt văn nghệ cung đình này là Tao đàn nhị thập bát tú (hay Hội Tao đàn), Lê Thánh Tông được tôn xưng là Tao đàn Nguyên súy, còn Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận là Tao đàn Phó Nguyên súy. Tuy chỉ tồn tại được vài năm, vì ngay năm sau (Ất Mùi, 1495), Phó Nguyên súy Đỗ Nhuận qua đời, tháng Giêng năm Đinh Ty (1497), Nguyên súy Lê Thánh Tông băng hà, và không lâu sau đó, năm Kỷ Mão (1499), Phó Nguyên suý Thân Nhân Trung cũng mất, nhưng những hoạt động của Hội đã gây được tiếng vang và tạo được một phong khí đẹp giữa cung đình. Sau Lê Thánh Tông, đóng góp của hai vị Phó Nguyên súy là rất đáng kể. Khi Lê Thánh Tông thăng hà, Thân Nhân Trung còn được giao trọng trách viết văn bia Chiêu Lăng (Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh) ghi lại công nghiệp của hoàng đế cho hậu thế.

Là một nhân sĩ có đường quan chức gắn bó với việc khoa cử, lại từng trải mấy chục năm dùi mài kinh sử, Thân Nhân Trung dành nhiều quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là việc phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ trí thức dân tộc. Tư tưởng này của ông được thể hiện sâu sắc trong hai bài bi ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất và khoa Đinh Mùi dựng ở Quốc Tử Giám.

Trong Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), Thân Nhân Trung có những lời khẳng định mạnh mẽ vai trò của nhân tài đối với sự hưng thịnh của đất nước. Ông viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi thế các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước vậy”. Đến Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), một lần nữa ông lại nhấn mạnh: “Thần trộm nghĩ, nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân. Bởi vì có khí hóa của trời đất, thì chân nguyển hội hợp, gây dựng chất chứa, thì mới sinh ra nhân tài đông đảo như thế”. Rõ ràng Thân Nhân Trung đã đánh giá rất cao vai trò của người trí thức và sự cần thiết của việc đào tạo đội ngũ trí thức. Theo ông, nhân tài thông với nguyên khí, khí hóa của trời đất và là tinh khí của cõi người chung đúc nên. Nguyên khí dấy lên rồi hội hợp chất chứa, lại được thánh nhân gây dựng thì nảy sinh nhân tài. Vì thế, nhân tài chính là tinh túy của trời đất vậy.

Cũng theo Thân Nhân Trung, dù nhân tài phần nào do thiên phú nhưng nếu không thường xuyên bồi dưỡng thì cũng sẽ mai một đi. Vì vậy, nhà nước phải chú ý tới việc “dục tài, thủ sĩ” (chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài) để không ngừng bồi đắp nguyên khí quốc gia. Ông khẳng định, có được nền thái bình thịnh trị chính là nhờ thực hiện tốt vấn đề này. Ông viết: “Đức Thái Tông Văn Hoàng Đế nối theo nghiệp lớn, mở rộng nếp xưa, xem xét văn hóa con người, thành công trong việc giáo hóa thiên hạ, lấy việc sùng Nho trọng đạo làm đầu, tìm tòi trân trọng hiền tài làm chước tốt. Ngài nghĩ rằng, mở khoa thi kén chọn kẻ sĩ là việc làm trước tiên trong phép trị nước. Tổ tiên cơ đồ mở mang giáo hóa thịnh trị, chính là ở việc này. Sửa sang và xây dựng chính trị, dạy dân những phong tục hay cũng là nhờ đó. Các bậc đế vương ngày xưa làm nên sự nghiệp thịnh trị, không ai không bắt đầu từ đấy”.

Nhưng làm thế nào để phát huy nguồn nhân lực ấy? Thân Nhân Trung đề xuất thực hiện đồng thời việc khuyến khích và răn dạy. Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất có đoạn: “Thánh Tổ Hoàng Đế đã định ra khuôn phép nhưng chưa kịp thi hành; làm rạng rỡ cho đời trước và khuyến khích răn dạy đời sau, ấy là công việc của hiện nay”. Ngoài việc xướng danh, ban tước trật, thiết yến, vinh quy như thường lệ, dựng bia đề tên Tiến sĩ cũng nhằm mục đích ấy: “Việc dựng đá đề tên được làm, thì ý tốt cầu hiền tài mưu thịnh trị của các đức thánh tổ thần tông mới được lưu truyền mãi mãi. Đó là phép lớn để khuyến khích người đời, là vinh hạnh cho nền văn hóa”. Nhưng hơn thế, việc dựng bia còn có ý nghĩa răn dạy nữa, cả hai bài văn bia đều phân tích thấu đáo điều đó. Trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), ông đã viết: “Kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, số phận thật nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ vì tự trọng bản thân mà phải lo báo đáp. Hãy đem tên họ những người đỗ trong khoa này mà kê lại. Những người đưa văn học, chính sự tô điểm cho cảnh thịnh trị thanh bình vài chục năm trở lại đây, được quốc gia tin dùng kể cũng nhiều vậy. Nhưng trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm đá trinh bạch này thôi. Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng”. Ba năm sau, trong bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), ông lại một lần nữa nhấn mạnh và khai triển sâu hơn vấn đề đó: “Kẻ sĩ được nêu tên ở tấm bia đá này thật vinh hạnh biết bao. Và cố nhiên họ cũng nên lấy trung nghĩa mà rèn luyện, cho danh thực hợp nhau thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công học tập thường nhật, thì việc khắc tên vào tấm bia này sẽ muôn thuở bất hủ vậy. Thảng hoặc chỉ tu sức văn vẻ bề ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giáo nhuốc nhơ, chỉ tổ bôi nhọ tấm bia này mà thôi. Không phải cái ý triều đình hi vọng ở kẻ sĩ quân tử, và cũng không phải là điều kẻ sĩ quân tử tự đối đãi với mình vậy”.

Bảng vàng bia đá, vì vậy, chính là tấm gương để cho nhân sĩ tự soi mình để thấy cái hay, cái đúng thì phát huy, biết cái sai, cái xấu mà sửa chữa, từ bỏ; đặng thực hành sở học cho danh thực hợp nhau. Một tư tưởng giáo dục như thế, giáo dục cả tài lẫn đức, đi từ giáo dục bằng hình thức nêu gương ; đến nhấn mạnh tự giáo dục, phải nói là rất đúng đắn và sâu sắc.

Bên cạnh một ông học quan, Thân Nhân Trung còn là một thi nhân tài năng. Gắn bó chặt chẽ với triều đình phong kiến, sau lại trở thành một “nhà văn quan chức”, những bài thơ còn lại của ông hầu hết là thơ phụng họa, thù tụng đậm chất thù ứng và âm hưởng quan phương. Song do nảy sinh từ một tâm hồn khoáng đạt, hồn hậu, nên ngoài tính chính thống, thơ ông nhiều khi cũng đem đến vẻ đẹp nồng đượm, dồi dào và tươi tắn.

Trong số 22 bài thơ hiện còn, trừ hai bài vãn Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và vua Lê Thánh Tông, một bài thơ thù tạc Thứ vận Chánh sứ Đàm Hiệu thư Văn Lễ, số còn lại đều là thơ phụng họa, khi cùng với văn thần khác trong Hội Tao đàn, khi thì ứng chế trong những dịp theo xa giá. Nét nổi bật của những sáng tác này là sự ca ngợi vương triều, chế độ, nhà vua; bộc lộ lòng trung nghĩa và niềm tự hào về cảnh đất nước thịnh trị thái bình.

Trong dịp về Lam Kinh thăm điện Thái Tổ, khoảng năm Hồng Đức thứ 22 (Tân Hợi, 1491), Lê Thánh Tông sáng tác chùm bài Văn minh cổ xúy, Thân Nhân Trung được theo xa giá có họa nguyên vận chùm sáng tác này. Âm hưởng chính của các bài thơ đó là tấm lòng tôn kính tiền nhân của lớp hậu thế.

Khởi hành từ buổi sáng sớm trên sông Thiên Vực, một khúc sông Mã thuộc huyện Vĩnh Lộc ngày nay, nhìn đoàn quân rầm rập tiến vào nơi sông núi oai linh để báo công, Thân Nhân Trung cảm khái cất lời ca ngợi tấm lòng hiếu đễ của nhà vua:

Tì hổ hoàn hoàn hùng khóa lãng,

Dư hàng phiếm phiếm ổn thừa phong.

Vu kim hạnh mộc thừa ân trạch,

Thánh hiếu truy ân sáng nghiệp công.

(Phụng họa Ngự chế “Thiên Vực giang hiểu phát”)

(Đội quân tì hổ vượt sóng hùng dũng,

Đoàn thuyền dập dềnh lướt gió vững vàng.

Ngày nay may mắn được đội ơn vua ban,

Thánh thượng có lòng hiếu nhớ ơn công lao tổ tiên sáng nghiệp)

(Kính họa bài “Buổi sớm khởi hành từ sông Thiên Vực” của Đức vua)

Và khi thuyền tới Lam Sơn, nhìn lại mảnh đất khởi nghiệp, vua tôi như được sống lại những ngày tháng lẫy lừng của Thái Tổ Lê Lợi:

Thiên khải Cao Hoàng kế Phóng Huân,

Trừ tàn khử bạo điện sinh dân.

Ứng tri Hàm Cốc tiêu phong hỏa,

Đoan tự Mang Đang yết thụy vân.

Vĩnh kiến nguy nguy thiên tải tộ,

Hoằng khai áng áng cửu châu xuân.

(Phụng họa Ngự chế Chu chí Lam Sơn truy hoài Thánh tổ huân nghiệp)

(Trời mở vận cho đức Cao Hoàng tiếp nối vua Thuấn,

Trừ tàn diệt bạo, bảo vệ sinh dân.

Nên biết ở Hàm Cốc đã tắt lửa chiến,

Chính ở Mang Đãng có mây lành phủ che.

Mãi xây vận nước, nghìn thuở sừng sững,

Rộng mở mùa xuân, dào dạt chín châu)

(Kính họa bài Thuyền đến Lam Sơn nhớ công lao Thánh tổ dựng nghiệp của Đức vua)

Ông ca ngợi nhiệt thành:

Phụng tiên đại hiếu quần phương ngưỡng,

Tích khánh phi cơ vạn thế an.

(Phụng họa Ngự chế Hạnh Kiến Thụy đường)

(Bậc đại hiếu thờ phụng tổ tiên, nơi nơi kính ngưỡng,

Cơ nghiệp lớn do tích phúc mà có, vạn đời bình yên)

(Kính họa bài Đến từ đường Kiến Thụy của Đức vua)

Và tin tưởng:

Nhân phong cơ biến quần phương tục,

Hiếu trị quang thùy vạn cổ danh.

Vũ bị văn tu hình phủ tảo,

Tín tri cơ nghiệp vĩnh thăng bình.

(Phụng họa Ngự chế Trú Thúy Ái châu)

(Ngọn gió nhân nghĩa thổi khắp nơi làm đẹp thêm phong tục,

Ánh sáng của nền hiếu trị tỏa đến muôn đời.

Văn võ sửa sang, tỏ rõ sự tốt lành,

Tin chắc rằng cơ nghiệp này mãi mãi thái bình)

(Kính họa bài Dừng lại ở bãi Thúy Ái của Đức vua)

Niềm tin đó càng vững chắc bởi liền mấy năm sau đó đều được mùa lớn, Quỳnh uyển cửu ca của Hội Tao đàn trở thành hợp xướng những tiếng reo hân hoan của minh quân lương tướng vui đời trị. Cũng như nhiều văn thần khác, Thân Nhân Trung đã họa đủ chín bài thơ của Lê Thánh Tông. Vẫn là tiếng nói chính thống: đạo quân vương (Phụng họa Ngự chế Quân đạo), nghĩa quân thần (Phụng họa Ngự chế Quân minh thần lương), tiết tháo của bậc tôi trung (Phụng họa Ngự chế Thần tiết); rồi là vịnh anh tài (Phụng họa Ngự chế Dao tưởng anh hiền), bậc khí tiết (Phụng họa Ngự chế Kỳ khí), kẻ văn nhân (Phụng họa Ngự chế Văn nhân)...

Đó là khung cảnh một triều đình có vua sáng tôi hiền ngự giữa đô thành “sâm sâm nhập cốc tổng anh kỳ” (xe đi rầm rập toàn là bậc anh tuấn); là sự nghiệp vương triều vững như Thái Sơn, bàn thạch:

Hoàng cực nguy nguy quang toại cổ,

Thái bàn quốc tộ vạn tư niên.

(Phụng họa Ngự chế Quân đạo)

(Ngôi hoàng cực sừng sững sáng soi muôn thuở,

Thế nước vững như bàn thạch hàng vạn năm)

(Kính họa bài Đạo làm vua của Đức vua)

Tuy nhiên, dù có thật vui mừng trước cảnh đất nước trị bình, tấm lòng “tiên trư” của bậc túc nho vẫn hướng Thân Nhân Trung cất lên những lời phúng gián, nhắc nhở quân vương không được sao nhãng việc triều chính:

Trị hiệu dũ long tâm dũ thận,

Ưu dân cần chính nhật căng căng.

(Phụng họa Ngự chế

Sửu Dần nhị tuế bách cốc phong đăng hiệp vu ca vịnh)

(Trị nước càng thịnh vượng, lòng càng phải thận trọng,

Càng phải lo cho dân, chăm chỉ chính sự, ngày ngày nơm nớp)

(Kính họa bài Hai năm Sửu Dần trăm thứ lúa được mùa của Đức vua)

Ngay trong bài thơ phụng họa việc liên tiếp hai năm được mùa mà cất lên những lời gián nghị như vậy, Thân Nhân Trung đã bộc lộ một tầm nhìn xa và cả tinh thần trách nhiệm rất cao.

Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả con người Thân Nhân Trung qua thơ văn, đó mới chỉ là khía cạnh con người chức năng, bổn phận, lễ nghi và trách nhiệm - một Thân Nhân Trung quan phương. Những khi được trở về với con người thường nhật, thơ văn ông mang đến vẻ đẹp hồn hậu, thuần khiết và thanh nhã. Trước hết là cảnh vật thiên nhiên, sau nữa là những tình cảm đời thường dung dị.

Đắm mình vào trong thiên nhiên, Thân Nhân Trung thường vẽ nên những bức tranh tươi tắn, đầy màu sắc. Khi là một thôn quê giàu có, yên vui:

Dã tự hiểu văn tùng ngoại khánh,

Hải chu văn lộng phố biên tiêu.

Vũ dư hòa đạo thiên huề mậu,

Vân trạch càn khôn vạn lý diệu.

Vật phụ dân khang xuân sắc hảo,

Họa thuyền cao ỷ lục âm kiều.

(Phụng họa Ngự chế “Trú Giao Thủy giang”)

(Buổi sớm ở ngôi chùa quê vang tiếng khánh ngoài hàng thông,

Buổi chiều thuyền đậu nơi cửa biển vọng tiếng tiêu đùa bên bến nước.

Lúa màu thừa mưa, ngàn khoảnh tươi tốt,

Đất trời quang mây, vạn dặm xa xăm.

Dân yên vật thịnh, sắc xuân tươi đẹp,

Thuyền rồng cao tựa bên bóng mát cây cầu)

(Kính họa bài “Dừng chân bên sông Giao Thủy” của Đức vua)

Ngòi bút tả cảnh của Thân Nhân Trung ở đây đã tỏ ra thật tinh nhạy khi nắm bắt lấy cái thần của tạo vật để vẽ nên một bức tranh quê trong trẻo, yên bình. Và ở một chỗ khác, ông cũng làm bật lên được cái hồn của cảnh sắc thiên nhiên vùng động Lục Vân, trong bài thơ Phụng họa Ngụ chế Lục Vân động (Kính họa bài Động Lục Vân của Đức vua):

Thanh u động cổ ỷ toàn ngoan,

Chiếm đắc hồ thiên thế giới khoan.

Vũ quá đại ngân phố thạch đắng,

Phong lai cầm vận hưởng tùng quan.

Tam sinh hương hỏa duyên phương khế,

Nhất chẩm yên hà mộng dĩ hàn.

Ngưỡng độc thần chương trần tự tức,

Nham hoa lộng ảnh điểu thanh nhàn.

(Chùa cổ thanh u dựa bên vách núi cao chót vót,

Riêng chiếm một bầu thế giới rộng mênh mông.

Mưa tạnh, dấu rêu phủ bậc đá,

Gió về, tiếng đàn vang trước của thông.

Hương lửa ba sinh, nhân duyên mới bén,

Khói mây một gối, giấc mộng lạnh lùng.

Kính đọc thơ vua, lòng trần tắt hết,

Hoa núi giỡn bóng, tiếng chim hót thảnh thơi)

Chỉ với tám câu thơ mà tác giả đã thâu thái được vẻ đẹp tĩnh lặng, thanh khiết của ngôi chùa cổ và những tác động huyền diệu của chốn u linh tới tâm hồn con người.

Với cảnh sắc thiên nhiên là vậy, với vua tôi bạn hữu, Thân Nhân Trung cũng cất lên trong thơ những tiếng nói hồn hậu, chí tình. Thật gần gũi là tình cảm đối với quan Hiệu thư Chánh sứ Đàm Văn Lễ trong bài họa vận thơ bạn của ông khi tiễn chân sứ đoàn: một chút vui mừng cho bạn vì đi sứ là cơ hội để mở rộng tầm mắt, trau giồi hứng thơ nhưng vẫn xen chút ngậm ngùi vì thương bạn khi bước qua cửa ải là “vô cố nhân” (không còn bạn cũ nữa), phải độc hành trên con đường thiên lý:

Vạn lý sơn hà khoan nhãn giới,

Nhất thiên phong nguyệt ký thi tình.

Dương Quan cổ điệu kim thùy kế,

Cực mục phiêu phiêu mã cước khinh?

(Thứ vận Chánh sứ Đàm Hiệu thư Văn Lễ)

(Núi sông muôn dặm, tầm mắt mở rộng,

Một trời trăng gió, gửi gắm hứng thơ.

Khúc Dương Quan xưa nay ai hát tiếp,

Thả hết tầm mắt phơi phới vó ngựa nhẹ phi?)

(Họa vần quan Hiệu thư Chánh sứ Đàm Văn Lễ)

Tình cảm của Thân Nhân Trung là vậy, sâu lắng và tha thiết. Vì vậy, được trở về với sâu thẳm trái tim mình, những tiếng khóc thương của ông trước sự ra đi của Lê Thánh Tông không còn bị quy chiếu bởi sự phân định quân thần để trở thành tiếng đứt ruột của một tâm hồn tri âm tri kỷ - “vận số ngẫu thành tư”:

Đãng đãng càn khôn khoát,

Du du tuế nguyệt trì.

Thương tâm hà xứ vọng,

Thu huyết ngụ ai thi.

(Văn Thánh Tông Thuần Hoàng đế)

(Đất trời rộng mênh mông,

Tháng năm dằng dặc trôi chầm chậm.

Đau lòng biết trông về đâu?

Xin lấy máu viết vần thơ thương xót!)

Có lẽ, đó là lý do để bên cạnh tài năng và đức độ, mà triều đình đã cắt cử ông viết Thánh Tông Chiêu Lăng bị minh ghi lại công đức Lê Thánh Tông. Bằng tất cả lòng tôn kính, tuy bị quy chiếu bởi hình thức có tính chất điển phạm, trong bài bi minh, Thân Nhân Trung cũng đã gửi gắm được phần nào tình cảm của mình qua việc ghi chép thấu đáo công nghiệp và đức độ của nhà vua.

Trong số các sáng tác của Thân Nhân Trung, có lẽ Phụng họa Ngự chế Mai hoa là bài thơ toàn bích hơn cả, hay từ hình ảnh đến cấu tứ:

Cô Xạ thiên tiên tiết tháo cô,

Phục phi tố luyện bội minh chu.

Phong tiền thiều đệ hương hồn mị,

Thủy điện hoành tà nguyệt ảnh cù.

Đông các tạo nhân thi hứng dật,

Tây hồ xử sĩ tục trần vô.

Dạ lai hốt giác điều canh sự,

Y cổ cao sơn ngọc vạn chu.

(Phụng họa Ngự chế Mai hoa)

(Tựa tiên trên trời Cô Xạ, tiết tháo cô đơn,

Y phục khoác lụa trắng, như đeo ngọc sáng.

Trước gió, hồn thơm kiều diễm tỏa xa,

Trên mặt nước, nghiêng soi cùng bóng trăng gầy.

Giúp cho khách tạo nhân ở gác Đông có hứng thơ dào dạt,

Làm cho kẻ ẩn sĩ ở chốn Tây hồ không gợn chút bụi trần.

Đêm nằm chợt tỉnh, nghĩ đến việc nêm canh,

Hoa mai bên non cao y như thời xưa, nở ra hàng vạn viên ngọc)

(Kính họa bài Hoa mai của Đức vua)

Hoa mai vốn tượng trưng cho tâm hồn cao khiết của người quân tử. Nhưng ở trong bài thơ từ sự hình dung đến cõi trời xa xôi, trở lại vẻ đẹp của một cành mai thực tỏa hương thơm diễm kiều và cốt cách thanh tạo bên bóng trăng gầy, rồi hư huyễn trong cảm nhận của các bậc tao nhân xử sĩ để đột ngột trở về với việc canh cánh một nỗi lòng trọng vọng người tài, hình ảnh đột mở “hoa mai bên non cao nở ra hàng vạn viên ngọc” ở câu cuối làm mờ nhòe lằn ranh giữa biểu tượng và hiện thực. Bài thơ, vì vậy, có được một cấu tứ độc đáo với ngôn từ hàm súc và hình ảnh giàu sức gợi. Có lẽ đó cũng là lý do để bài thơ có được dòng ngự phê: toàn mỹ!

Có thể nói, công nghiệp của Thân Nhân Trung hầu như được tạo lập ở đất Kinh kỳ và tô điểm cho đất Kinh kỳ. Ông đã có công trong việc mở rộng giáo hóa, bồi dưỡng phong tục, phát dương văn thể dưới thời Hồng Đức thịnh trị. Xét về đường công danh Thân Nhân Trung là một quan chức thành đạt; xét về tư tưởng và phẩm cách, Thân Nhân Trung là một kẻ sĩ mẫu mực, riêng tư tưởng về giáo dục của ông là rất tiến bộ, ngày nay đọc lại vẫn thấy ý nghĩa thời sự của nó. Và xét về mặt văn chương, tuy sáng tác không thật nhiều, nhưng chỉ với những gì để lại, Thân Nhân Trung cũng xứng đáng là một tác gia văn học có vị trí ở thế kỷ XV. Từ tính chất quan phương chính thống đến vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và những tình cảm dung dị đời thường, thơ văn ông đã tạo được một cốt cách, một tiếng nói. Cùng với các nhân sĩ đương thời, Thân Nhân Trung là danh sĩ góp phần vào sự phồn vinh của Thăng Long lúc bấy giờ./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Thân Nhân Trung – danh sĩ, tao đàn phó súy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO