Tập thơ của một đời người

Phương Ngọc Quyên| 21/07/2020 11:31

Bước vào tuổi 77 - cũng là lúc nhìn lại 65 năm làm thơ của mình - nhà thơ Trần Đương đã tuyển và cho xuất bản một tập thơ khá dày dặn: gần 700 trang với ngót 300 bài, rút từ các tập đã ấn hành trước đây như: Trái đất trong vòng tay (1992); Đâu cũng quê hương (1999); Gió từ Ban Tích (2003); Lặng lẽ đời, lặng lẽ thơ (2009); Hoàng hôn xanh (2015); Hoa vàng xứ tuyết (2017)… Với “Thơ Trần Đương”, có thể thấy được tương đối đầy đủ chặng đường thơ của tác giả từ năm 12 tuổi (1955) cho đến những ngày này, khi nhà t

Tập thơ của một đời người

Mở đầu tập thơ, trong “Lời ngỏ” dưới dạng một bài thơ 16 câu, nhà thơ tâm sự rằng, từ thuở nhỏ, ông đã ước mơ trở thành một thi sĩ dâng tặng những lời ca trong sáng, bình dị cho đời, nhưng do công việc bề bộn của người làm báo, làm phóng viên thông tấn, của người dịch văn học, ông có ít thời gian để “chăm sóc cho thơ”.

Ông viết:

“Nhưng với thơ, tôi chưa hề vắng bóng
Mãi mãi cùng tôi, thơ là bạn đồng hành
Thơ chiếm lĩnh một phần trong cuộc sống
Thơ đến cùng tôi như ngọn gió lành
Dù sao nữa, với tôi, thơ là tiếng hát
Cất tự trái tim, tự cuộc đời này
Đi đi mãi… trên đồng thơ bát ngát
Vui với anh em, nghe chim hót gọi bầy…

“Viết sách, dịch văn… sức tràn trăm ngả”, là tác giả, dịch giả, soạn giả của trên 100 tác phẩm văn học, của hàng ngàn bài báo về các lĩnh vực khác nhau, Trần Đương thực sự cống hiến cho đời một khối lượng sách và bài báo đáng trân trọng về văn hóa Đức, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về các vấn đề báo chí, văn học - nghệ thuật, gồm đủ các loại hình: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh… Bận rộn là thế, “sức tràn trăm ngả” là thế, mà ông vẫn cho ra đời hàng trăm bài thơ, trong đó có nhiều bài rất công phu, như: Bài thơ Lý Tự Trọng, Phác thảo Tây Nguyên, Kênh đào Caracum, Kỷ niệm Mông Cổ, Một khúc tình ca Rô-xtốc, Tiếng trống những đêm vui Châu Phi, Đường về Bau-xen, Hồi chuông Búc-sen-van, Cảm xúc Ma-rô-xô Bốt-tô... 

Đúng như các nhà nghiên cứu và phê bình văn học nhận định (ở phần Phụ lục), dù bận rộn thế nào, Trần Đương vẫn dành cho thơ những cảm xúc dạt dào, đằm thắm trước những vùng đất ông đến, những con người ông gặp, những sự kiện ông nếm trải. Những chùm thơ nhật ký trong các dịp đi thăm nước ngoài thực sự đem đến cho bạn đọc những khoảng khắc thật đáng nhớ, đáng yêu. Nhờ thơ Trần Đương mà ta biết đến chiếc gậy ở Xô-si, làng nhỏ Vác-tha, con sông Tu-la, ngọn lửa Hồng Trường, thành phố cổ  Xu-xđan, Kát-man-đu hay vầng trăng Tát-sken… Cũng như vậy, tập thơ tràn ngập những cảm xúc về tiếng hát bên sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Seine, sông En-bơ, những câu quan họ ở Bắc Ninh, những câu hát xẩm của mẹ Cầu, tiếng chim hót ở Vĩnh Linh, khúc hát ở Luông Pha Bang, ở xứ sở hồi sinh Chư Momray, hay bản tình ca du mục của cô gái Thái… Tất cả tạo nên những âm thanh thật đầm ấm, khó quên.
Khi Trần Đương tự thấy mình không có đủ thời gian chăm sóc cho thơ, tức là ông biết rằng, ông chưa đạt tới những hình tượng nghệ thuật độc đáo, những diễn đạt lạ thường, mà mới dừng lại ở những cảm xúc hồn nhiên, tươi tắn, chân thành. Ông quan niệm: thơ là sự giãi bày cảm xúc, là tiếng hát hồn nhiên trước cuộc đời, thơ phải từ trái tim đến với những trái tim.

Với tập thơ của Trần Đương, người đọc có dịp đồng hành cùng một con người đã trải qua nhiều chặng đường đời: từ một chú bé nông thôn từng “cắt cỏ, chăn bò, từng đánh khăng, chơi vật…”, được Bác Hồ và Nhà nước cho đi học ở Đức từ năm 12 tuổi, đã đi qua nhiều nước trên thế giới, nhiều vùng quê của đất nước thân yêu, trở thành một sinh viên đại học thời chiến, một phóng viên thông tấn nơi tuyến lửa và ở châu Âu xa xôi… Có thể nói, cuộc đời nhà thơ đã trải qua cả một không gian rộng lớn, từ làng biển quê nhà đến thành cổ Berlin, từ Paris xinh đẹp đến Singapore sầm uất, từ Thái Lan tràn ngập sắc vàng của Phật đến sa mạc Gô-bi Mông Cổ, từ Sofia, Sinaia, thành Viên đến dòng sông Trường Giang hùng vĩ… Đó cũng là con người đã đi trong đêm trăng Sa Pa, đã ngây ngất ở Hồ Nga xứ cò, từng lắng nghe âm vang chiều A Lưới, rộn ràng nghe chuyện kể ở Gờ Loi, Mường Tè, Lóng Luông, Cù Lao Xanh, Tà Phìn, Nộc Cốc, Tràm Chim, Nhật Lệ, Củ Chi đất thép… Nhưng, có lẽ lòng ông say đắm nhất vẫn là khi về với quê mẹ Quảng Xương, với Lam Kinh, núi Nưa, Sầm Sơn, thành nhà Hồ, Cửa Đạt..., những mảnh đất thiêng liêng của xứ Thanh, từng in dấu chân của ông cha mình.

Ngoài những bài thơ về ông bà, cha mẹ, về các con, các cháu, Trần Đương viết nhiều bài mang nặng tấm lòng ơn nghĩa đối với các bậc tiền bối, trước hết là Bác Hồ (ông có trong tập này khoảng 10 bài về Người) và các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, như: Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Phạm Hồng Thái; những người mẹ kính yêu như: mẹ Suốt ở Quảng Bình, má Th. - một chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa; các bà má Củ Chi “30 năm đào hầm không nghỉ”, các chiến sĩ Bắc Sơn, những anh hùng trên đảo xa khơi. Cũng thắm thiết như vậy là những bài thơ ca ngợi các bậc tiền nhân: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Lê Quí Đôn, Phan Văn Trị…, các cán bộ cao cấp mà ông quen biết như Trần Huy Liệu, Tố Hữu… Tình cảm sâu đậm ấy cũng dành cho những người tâm huyết với đời như: anh Gà ở Sa Pa, anh Chá Chùng Chu ở Điện Biên, anh Đũa ở Gò Loi, anh Dương Đức Thắng ở Ninh Thuận, anh Trọng Nghĩa ở Quảng Bình…

“Không mấy thời gian chăm sóc cho thơ”, nhưng thơ Trần Đương viết khá chắc tay, nhiều bài tạo ấn tượng đẹp đẽ, khó quên về những vùng trời, những con người không chỉ trên đất nước mình mà cả ở các lục địa xa xôi. Những nhân vật như: E. Ten-lơ-man, Xu-pha-nu-vông, Chê Gheevara, Lý Quang Diệu, Đi-mi-trô-va… qua thơ Trần Đương trở nên gần gũi lạ thường. Gần gũi như nhãn lồng quê vợ, như tình ca Si-nai-a, như giọng hò xứ Huế… Với Trần Đương, xứ sở nào cũng đáng yêu, đáng trân trọng, cho nên ông mới cảm thấy “trái đất trong vòng tay”, “đâu cũng quê hương”…

Trong bước đầu giới thiệu sơ bộ tập “Thơ Trần Đương” tôi chưa thể đi sâu bình luận những câu thơ hay, những đoạn thơ đẹp trong đó. Làm công việc ấy phải có nhiều thời gian và suy nghĩ. Nhưng, tôi tin là ai đọc tập thơ ấy cũng sẽ cảm nhận điều chung nhất: được gặp một nhà thơ yêu đời, yêu con người, rất trân trọng và chắt chiu giá trị cuộc sống.

Do các phẩm chất như trên, trong những năm tháng của đời mình, từ tuổi ấu thơ đến lúc tuổi già, Trần Đương không ngừng cất lên tiếng hát - tiếng hát của lòng ơn nghĩa, của khát vọng lạc quan, của niềm tin và của tình yêu con người.

Trần Đương chia sẻ, sau tập thơ này ông dự định sẽ làm một tuyển tập thơ dịch, với số lượng khá lớn (ít nhất cũng nhiều gấp đôi tập “Thơ Trần Đương”). Chúng ta chờ đợi những trang thơ trữ tình của các thi hào lớn như: Goethe, Schiller, Heine, Becher, Brecht của Đức và các thi sĩ của nhiều nước anh em khác qua bản dịch của Trần Đương - một dịch giả đã từ lâu quen thuộc với bạn đọc.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tập thơ của một đời người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO