Văn hóa – Di sản

Tạo “đất sống” cho tuồng trong đời sống đương đại

Thụy Phương 25/11/2023 20:06

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo 2023, tọa đàm “Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội và Nhà hát tuồng Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/11 đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn. Những ý kiến, chia sẻ tại tọa đàm góp phần khẳng định giá trị của nghệ thuật tuồng đồng thời gợi mở những giải pháp tạo “đất sống” cho nghệ thuật tuồng trong đời sống đương đại.

“Gia phả” của văn hóa Việt Nam

Đề cập tới giá trị của nghệ thuật tuồng, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam đã nhắc lại nhận định của nhà văn hóa, nhà thơ Cù Huy Cận rằng “tuồng, chèo chính là gia phả của văn hóa Việt Nam”.

NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: Nghệ thuật tuồng mang tính bác học, ước lệ, trong đó đặt ra các vấn đề về quân quốc, xung đột xã hội, giá trị Chân Thiện Mỹ và cả những bài học ý nghĩa. Xưa, nghệ thuật tuồng được triều đại phong kiến coi trọng. Kho kịch bản của sân khấu tuồng có hàng trăm tác phẩm, đặc sắc nhất là vở tuồng Sơn Hậu. Trong đó nhiều hình tượng nghệ thuật góp phần đưa sân khấu tuồng ngang tầm quốc tế.

toa-dam-1.jpg
Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm.

Trải qua các giai đoạn với không ít những thăng trầm, có lúc tưởng như không thể ở cùng thời đại, cho đến nay nghệ thuật tuồng vẫn hiện diện, đó cũng là những tín hiệu vui với những “người trong cuộc”.

Tại tọa đàm, cùng với việc điểm lại lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật tuồng, bà Chu Thu Phương, thành viên Ban Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã đề cập tới các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, đặc sắc của nghệ thuật tuồng, từ kịch bản mang tính văn chương, múa tuồng, hát tuồng, nhạc tuồng, trang phục tuồng, mặt nạ tuồng, đạo cụ tuồng đến tính đạo lý của tuồng, địa điểm diễn tuồng...

Bà Chu Thu Phương cho hay, hiện nay “chất liệu” tuồng cũng đã được ứng dụng khá nhiều trong đời sống. Có thể kể tới ứng dụng nhạc tuồng vào múa hiện đại; ghép múa tuồng với kịch câm; ứng dụng chất liệu tuồng trong thời trang và ứng dụng trong tạo đồ lưu niệm...

Tạo “đất sống” cho tuồng trong đời sống đương đại

Dõi theo những chuyển động của sân khấu tuồng nhiều năm qua, TS. Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa các khoa học Liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, càng nghiên cứu, tiếp xúc chị càng thấy được vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng, từ phục trang, nhân vật, diễn xuất... Đặc biệt, khi giới thiệu tuồng với sinh viên chị đã cảm nhận được sự yêu thích của các em.

Tuy nhiên, thực trạng của sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, để đưa tuồng đến gần hơn với công chúng, giúp công chúng tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật tuồng thì cần tôn vinh nghệ thuật tuồng bằng cách thường xuyên giới thiệu các vở tuồng kinh điển cũng như những vở được dựng mới. Bên cạnh đó, cần có thêm những trích đoạn tuồng ngắn để giới thiệu với du khách, giúp họ hiểu thêm nét đặc sắc của tuồng; đem tuồng vào công nghiệp văn hóa, tạo ra sinh kế bền vững cho các nghệ sĩ...

toa-dam-3.jpg
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ về ứng dụng chất liệu tuồng trong thiết kế mỹ thuật.

Tại tọa đàm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, họa sĩ Trịnh Minh Hải, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng đưa ra những minh chứng cho việc thực hành nghệ thuật tuồng trong đời sống đương đại, và cả những giải pháp tạo "đất sống" cho nghệ thuật tuồng.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, tuồng là một trong những “chất liệu” đã được ứng dụng trong thực hành mỹ thuật công cộng. Điều này được thể hiện rõ qua các dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, phường Phúc Tân hay câu chuyện vẽ nhân vật tuồng ở ngõ Cấm Chỉ...

Họa sĩ Triệu Minh Hải nhấn mạnh: “Ngoài giá trị văn hóa, tuồng còn giá trị ứng dụng có khả năng bao chứa nội lực, thúc đẩy ngôn ngữ nghệ thuật, nâng tầm nghệ thuật đương đại. Chất liệu tuồng có vị trí tiếng nói nhất định, giúp các nghệ sĩ tạo sự khác biệt trong phong cách”...

Tuồng là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống cần nhân rộng, lan tỏa. Muốn phát huy giá trị của nghệ thuật tuồng trong đời sống đương đại, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng cần phải hiểu về tuồng, tìm thấy giá trị trong nghệ thuật tuồng. Ngoài đón nhận thì rất cần nghiên cứu, sử dụng, biến tính khuôn mẫu, hoành tráng của tuồng thành sáng tạo nghệ thuật...

Từ thực tế tuồng đang bị mai một và xa rời khán giả, bà Chu Thu Phương bày tỏ mong muốn tới đây tuồng sẽ sớm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Bởi nếu được ghi danh đây sẽ là cơ sở để di sản này được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • ‏Những ấn tượng khó quên từ chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Vì Tầm Vóc Việt
    Ngày 15/11, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập. Bên cạnh dấu ấn những thành tựu vì cộng đồng qua suốt một thập kỷ của Quỹ từ thiện xã hội này, người tham dự còn ấn tượng với chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc. Điểm đặc biệt của chương trình là 12 tiết mục nghệ thuật đều có sự tham dự không kém phần chuyên nghiệp của các nghệ sĩ “nhí” đến từ trường TH School.‏
Đừng bỏ lỡ
Tạo “đất sống” cho tuồng trong đời sống đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO