Tạo đà cho doanh nghiệp tiếp cận với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Các chuyên gia cho rằng, nhiều chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng đang gặp khó trong quản lý quy hoạch tiếp cận đất đai, do đó doanh nghiệp cần chính sách, cơ chế cởi mở hơn.
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, dự thảo Luật Đất đai(sửa đổi) đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ sáu tới đây. Tuy nhiên, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng dường như chưa có hành lang pháp lý thực sự khuyến khích trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như khung pháp lý hiện hành, đó là lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam(VnREA), hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.
Theo một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, yếu tố kinh tế - tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50% và yếu tố khác chiếm 20%.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng chỉ ra, hiện nay chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành.
Ông Lực cho rằng chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch cần được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan; khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập và các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse,….).
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số điểm quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch. Theo đó, hiện dự thảo luật không tiếp cận theo hướng đất du lịch mà có nhiều đất liên quan đến công trình, hạ tầng du lịch như khu vui chơi giải trí, bãi tắm, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, dự án lấn biển, nhà ở thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó còn có đất kết hợp đa mục đích như đất nông nghiệp kết hợp du lịch, đất ở kết hợp du lịch, đất tín ngưỡng kết hợp du lịch.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, các dự án phát triển nhà ở thương mại được thu hồi đất, trong khi đất phát triển du lịch thì không, mặc dù du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Cần ưu tiên cho những tổ hợp phức hợp phát triển hoạt động du lịch từ lữ hành đến lưu trú.