Ông đánh giá như thế nào về Đồ án “siêu đô thị” 60 vạn dân được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng phê duyệt mới đây?
- Đây là kế hoạch phù hợp với lộ trình phát triển của Thủ đô trong tương lai gần, sẽ giúp cho Thủ đô giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc hiện nay về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực trung tâm. Lượng lớn cư dân trung tâm sẽ được giãn ra một khu vực mới, mà ở đó cư dân được tận hưởng những tiện ích xã hội hiện đại không thua kém, thậm chí có phần nhỉnh hơn cả ở khu vực trung tâm cũ.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, “siêu đô thị” hạt nhân này đang giúp cho Thủ đô hình thành “đa cực” (hay đa trung tâm - lấy khu vực nội đô lịch sử làm nòng cốt) để có thể nâng cao vị thế trong quá trình hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Việc làm này đã thể hiện sự đúng đắn ngay từ khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008, vì chỉ có một con đường là phát triển theo hướng “đa cực” thì Hà Nội mới đáp ứng được sứ mệnh là trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước.
Không phải ngẫu nhiên mà khu vực Hòa Lạc lại được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền vào hệ thống hạ tầng như thế, vì khu vực này có một vị trí chiến lược đối với Thủ đô.
Ông có nhấn mạnh đến vấn đề “đa cực”. Vậy “đa cực” ở đây được hiểu như thế nào?
- Rất nhiều đô thị lớn trên thế giới khi muốn phát triển, phải mở rộng không gian ra các vùng ngoại vi. Từ khu vực ngoại vi đó, họ xây dựng lên các TP chức năng, giữ vai trò riêng, phù hợp với định hướng phát triển chung của TP trung tâm và phù hợp với thế mạnh thực tế của từng khu vực.
Ở các nước phát triển, các cực mới có thể hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cực trung tâm, mà chỉ chịu chung sự quản lý, điều hành. Xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa bây giờ là những TP đa cực. Các TP này giúp cho khu vực trung tâm thoát khỏi sự hỗn độn, do phải tập trung tất cả các ngành nghề, dịch vụ... các cực vệ tinh sẽ tạo ra một sức mạnh mới, mang tính tổng thể cho TP trung tâm.
Theo ông, những lợi thế và khó khăn khi triển khai “siêu dự án” 60 vạn dân này là gì?
- Khu vực Láng – Hòa Lạc đã trở thành khu tập trung công nghệ của Hà Nội, hạ tầng được kiện toàn hiện đại, quá trình thực hiện quy hoạch có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài... Những yếu tố đó đã mang đến sự ổn định lâu dài của toàn khu. Không những vậy, khu vực này đã tiếp nhận các dự án đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, rõ ràng đã mang đến sự yên tâm cho các nhà đầu tư khác khi đang còn do dự với quyết định của mình. Bên cạnh đó, đây là một dự án lớn nên không chỉ riêng Hà Nội mà cả Chính phủ cũng dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt, những yếu tố kể trên chính là thuận lợi.
Và nếu như có thể cải tạo Sân bay Hòa Lạc để phục vụ cho các hoạt động dân sự nữa, thì khu vực này có đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.
Khó khăn nhất hiện nay đó chính là nguồn vốn thực hiện như thế nào, Nhà nước không thể bỏ một số tiền khổng lồ ra để làm, vì hiện nay nguồn ngân sách đầu tư công đang được thắt chặt.
- Vậy theo ông, tài chính để thực hiện dự án nên huy động từ các nguồn nào?
- Nhà nước đã bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn để đầu tư hiện đại các hạ tầng thiết yếu cho khu vực này, trên thực tế đến nay đã hình thành được một khu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia. Nên việc thu hút đầu tư tư nhân vào đây không khó khăn và không gặp trở ngại gì nữa, đặc biệt với những cơ chế đầu tư đặc thù của khu đô thị vệ tinh mới sẽ càng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư; còn vấn đề lựa chọn theo hình thức BOT, BT hay PPP thì tùy thuộc vào khả năng và nguồn lực của chính quyền, nhưng tôi nghĩ lựa chọn đầu tư theo hình thức nào cũng hợp lý.
Cần phải làm gì để khi dự án được hình thành có thể vận hành, khai thác hiệu quả nhất, thưa ông?
- Đã có quy hoạch rồi thì cần phải có phương án tổ chức thực hiện tốt nhất. Đầu tiên đó là làm sao để có thể lôi kéo được cư dân đến đây sinh sống, có cư dân thì sẽ có các dịch vụ khác đi kèm. Hiện nay, khu vực này đã có DN vào đầu tư, sắp tới sẽ hình thành các khu đô thị có nhà ở, nhưng phải bám sát đúng chức năng, mục đích hình thành của “siêu đô thị” này, đó là trung tâm của khoa học, công nghệ cao, bao gồm: Nghiên cứu, đào tạo và sản xuất; kèm theo đó là các loại hình dịch vụ khác như y tế, nghỉ ngơi – giải trí... Trong đó phải đặc biệt chú tâm đến vấn đề đưa nơi đây trở thành một trung tâm đào tạo mới, với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi hình thành các “siêu đô thị” lại nhanh chóng thất bại do không có người ở. Vì vậy, trước khi biến nơi đây thành một đô thị chức năng như kỳ vọng thì hãy làm cho nó trở thành một “trung tâm đào tạo”.
Xin cảm ơn ông!