Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước

Miên Thảo| 17/10/2021 16:58

“Dưới mái nhà chung của Hội Liên hiệp, văn học nghệ thuật Thủ đô đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Lớp lớp thế hệ văn nghệ sĩ luôn bền bỉ sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật nhấn mạnh khi trò chuyện cùng phóng viên tạp chí Người Hà Nội về chặng đường 55 năm (1966 - 2021) của Hội Liên hiệp.

Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
NSND Trần Quốc Chiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

Bắt nhịp cùng hội nhập

PV: Được thành lập từ giữa những ngày cả nước sục sôi chống Mỹ - ngày 10/10/1966 - với tiền thân là Chi hội Văn nghệ Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã có hơn nửa thế kỷ trưởng thành và phát triển. Vậy những thành tựu nổi bật mà các thế hệ văn nghệ sĩ Thủ đô đã bền bỉ sáng tạo, cống hiến trong suốt chặng đường phát triển này là gì, thưa ông? 

NSND Trần Quốc Chiêm: Suốt 55 năm qua, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã có những thành tựu đáng tự hào trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác. Hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình có chiều sâu và tầm vóc nhân văn sâu sắc, phục vụ nhân dân Thủ đô. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô tập trung vào hai đề tài chính: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng đất nước ở miền Nam và xây dựng hình tượng con người mới ở Thủ đô vừa xây dựng vừa đánh giặc. Đó là hình tượng người Hà Nội tinh tế, hào hoa và là những người đi đầu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Khi đất nước hòa bình, ngay từ giai đoạn khởi động trước Đổi mới hàng chục năm, nhiều cây bút mới xuất hiện, đã hình thành tư tưởng cách tân mạnh mẽ, mang tinh thần xã hội - công dân sâu sắc, được ghi nhận như những hiện tượng “vượt rào”. Trong thời kỳ Đổi mới, các văn nghệ sĩ Hà Nội tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình, dành mọi tâm huyết và mọi suy nghĩ sâu sắc, với hoài bão lớn và ý thức trách nhiệm công dân cao, để biến các ý đồ và dự thảo của bản thân dần hóa thành hiện thực. 

Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
Các thế hệ văn nghệ sĩ Thủ đô bền bỉ sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Hà Nội và đất nước.Ảnh: Viết Thành
Từ đó đến nay, dòng mạch chủ yếu của văn học nghệ thuật Thủ đô là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn.

Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vinh dự nhận Cờ thi đua xuất sắc năm 2020 của UBND Thành phố Hà Nội.
Có thể thấy, văn nghệ sĩ Thủ đô đã bền bỉ sáng tạo trong suốt 55 năm qua bằng một tình yêu Hà Nội cháy bỏng mà trách nhiệm. Đồng thời, mỗi người luôn bắt nhịp với những thay đổi, hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước; đã tìm được đến hơi thở của sử thi - vốn là một ưu thế rất mạnh của văn học nghệ thuật khi dám dấn thân hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động và tích cực. 

Vì vậy, thật vinh dự khi tới nay Hội Liên hiệp đã có hơn 50 hội viên được  tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, hơn 100 hội viên được  tặng Giải thưởng Nhà nước, hàng trăm hội viên được  tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú, hơn 100 hội viên được  tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 16 hội viên được  tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô và hàng trăm hội viên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam…

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1996); Cờ Thi đua xuất sắc của UBND Thành phố Hà Nội (2018 và 2020); Cờ thi đua xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng nhiều Bằng khen của Thành ủy, UBND Thành phố cho các thành tích trong hoạt động.

Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm

PV: Để có thể cổ vũ phong trào sáng tác một cách hiệu quả và sâu rộng, BCH Hội Liên hiệp đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động của mình trong từng giai đoạn như thế nào, thưa nghệ sĩ?  

NSND Trần Quốc Chiêm: Từ khi thành lập cho đến nay, Hội Liên hiệp đã qua 12 kỳ đại hội, mỗi đại hội đều có cải tiến về tổ chức. Tại đại hội lần 6 sau năm 1975, để thích ứng với tình hình mới, các ban chuyên ngành của Hội được nâng lên thành các phân hội chuyên ngành. Qua một nhiệm kỳ hoạt động củng cố và rút kinh nghiệm mọi mặt, bước phát triển đã đưa tới sự độc lập và tự lực về tổ chức, các phân hội được nâng lên thành Hội chuyên ngành. Có tổ chức thích ứng, lực lượng văn nghệ ở Hà Nội đã phát triển. Hiện nay, 9 Hội chuyên ngành (Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Múa, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc, Hội Điện ảnh) thuộc Hội Liên hiệp đã tập hợp được gần 4000 hội viên với khoảng 1/3 hội viên đồng thời là hội viên các hội chuyên ngành ở Trung ương, trong đó có không ít tài năng được rèn luyện ở Hà Nội đã vững vàng tiếp nối cho lực lượng văn nghệ cả nước.

Hội Liên hiệp cùng với 9 hội chuyên ngành đã thực hiện nghiêm túc, phổ biến tới từng hội viên nội dung các nghị quyết của Trung ương về văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược phát triển xây dựng văn hóa và con người Việt Nam theo yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành còn rất quan tâm đến việc phát động và trao giải cho chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kết hợp với việc sáng tác, nêu gương “Người tốt, việc tốt” biểu dương những nỗ lực hy sinh bình lặng của mỗi công dân Thủ đô trong cuộc sống đời thường. 

Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
Chương trình nghệ thuật Hào khí Thăng Long tái hiện truyền thống văn hiến và sức vươn lên của Hà Nội ngàn năm tuổi.
Với nhiệm vụ khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng, đồng thời bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính, Hội Liên hiệp đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, mở rộng thông tin văn học nghệ thuật nước ngoài, tạo điều kiện để anh chị em sáng tác. Qua đây, tác giả trẻ có điều kiện tìm hiểu, trao đổi và thể nghiệm nhiều tìm tòi mới, được phép áp dụng nhiều phong cách sáng tác, vượt ra khỏi phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa duy nhất được khuyến khích trước kia, miễn làm sao đạt được mục đích tối cao là tạo ra được món ăn tinh thần hữu ích, có tác động xã hội và hiệu quả thẩm mỹ lớn nhất cho công chúng. 

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt, hội thảo, trình bày sáng tác, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các Hội kết nghĩa truyền thống (Hà Nội, Huế, Sài Gòn, có mở rộng thêm ra một số địa bàn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái…) và 5 Hội kết nghĩa của các vùng kinh đô xưa và nay (Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế); tổ chức nhiều đoàn văn nghệ sĩ đi giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác và triển lãm tranh, ảnh về Hà Nội đổi mới ở Quảng Tây (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và ở một số địa phương của Lào, Campuchia.... 

Hai năm qua, khi phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng để phòng chống đại dịch Covid-19, Thường trực Hội đã có chỉ đạo thay đổi phương thức làm việc để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành công việc theo yêu cầu. Nhất là, dù không thể gặp gỡ sinh hoạt trực tiếp song Thường trực Hội đã phát động hội viên vừa thực hiện tốt 5K vừa tích cực sáng tác cổ vũ phong trào chống dịch Covid-19 của thành phố. Hàng trăm tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học… về đề tài này đã được công bố và đã truyền lửa tới nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh.  

Cùng với đó, thông qua cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp là tạp chí Người Hà Nội đã tạo ra diễn đàn văn học nghệ thuật uy tín của văn nghệ sĩ Thủ đô. Từ tờ tuần báo, sau khi chuyển đổi tạp chí Người Hà Nội đã có sự bứt phá quan trọng để vững vàng vươn lên. Có thể nói đó là việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm để khôi phục và đa dạng hóa nội dung, cải tiến các chuyên mục, dành nhiều dung lượng cho sáng tác theo chiều sâu, tạo hướng tiếp cận đa chiều, hướng bạn đọc sang cách cảm thụ mới. Dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, tạp chí Người Hà Nội phối hợp với Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ múa tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt Hào khí Thăng Long. Chương trình được dàn dựng công phu, với những màn trình diễn nghệ thuật tái hiện hào khí Thăng Long, truyền thống văn hiến và sức vươn lên của Hà Nội ngàn năm tuổi - Thủ đô Anh hùng - Thành phố Vì hòa bình, từ đó khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa tới công chúng tình yêu Hà Nội. 

Đề cao các tác phẩm về lý tưởng sống của lớp trẻ Hà Nội

PV: Bước sang chặng đường mới, Hội Liên hiệp đã sẵn sàng với những dự định mới gì, thưa ông?

NSND Trần Quốc Chiêm: Văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới càng khẳng định thêm một chân lý mà Đảng luôn nhấn mạnh đối với văn nghệ sĩ, đó là sự hữu cơ và cân đối giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa với chiến lược lấy con người làm trung tâm, con người Việt Nam trong thời đại mới với yêu cầu phát triển toàn diện, hài hòa các mặt: Trí - Đức - Thể - Mỹ, biết tôn trọng, gìn giữ mọi giá trị tinh thần cao đẹp của cha ông và đồng thời biết tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Với tinh thần đó, ở chặng đường mới, Hội Liên hiệp luôn định hướng tới văn nghệ sĩ việc chú trọng đến các giá trị đạo đức của người Hà Nội,nỗ lực xây dựng được những nhân vật chủ đạo trong tác phẩm là người Hà Nội hôm nay, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ và mối liên hệ hữu cơ của họ đối với các phẩm chất của người Hà Nội văn minh, thanh lịch đã có từ xưa. Từ đó, đặc biệt đề cao các tác phẩm về lý tưởng sống và những dự định tương lai của lớp trẻ Hà Nội, thái độ của họ đối với quá khứ. Đồng thời, mỗi tác giả cũng cần tích cực phát hiện những khía cạnh mới của người Hà Nội hôm nay trong lối sống, phong thái và cách ứng xử, người Hà Nội trong cơn lốc bùng nổ thông tin toàn cầu, người Hà Nội với tốc độ sống của đô thị hiện đại. Cùng với đó, bên cạnh đề tài lịch sử và cách mạng, kháng chiến, những đề tài nóng hổi hơi thở của cuộc sống mới, với con người Hà Nội đương đại cũng cần được quan tâm. Văn nghệ sĩ từng bước mở rộng tầm nhìn trước các vấn đề phức tạp, đa diện của Hà Nội và cả nước với tâm lý tự tin, dám chịu trách nhiệm trước công chúng cùng những đề xuất và lý giải của tác giả trước hiện thực. 

Mặt khác, Hội sẽ tiếp tục tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm sáng tác, trao đổi về tác phẩm mới của hội viên; đặc biệt chú trọng và đề cao trước nhất là chất lượng tư tưởng, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm với các xu hướng cách tân, khát vọng đổi mới. Việc tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn đều và mang tính bình quân chủ nghĩa cũng như tích cực vận dụng cơ chế ký hợp đồng “làm tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” trong thời gian tới để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy hết năng lực và tâm huyết.

Không chỉ thế, Hội còn hướng đến việc xây dựng một thế đứng vững chắc để có thể tự chủ phần nào kinh phí hoạt động. Đây là yêu cầu mang tính chiến lược trong quá trình xã hội hóa hoạt động và đưa văn học nghệ thuật đứng vững bằng hoạt động của mình, triển khai các ý tưởng đóng góp, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
  • Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”
    Nhà văn Đức Anh Kostroma (sinh năm 1993, tại Nga) từng “chào sân” với các tác phẩm ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh”. Hành trình sáng tạo đầy bản lĩnh của anh đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi tên anh cùng với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, bởi đã dám dấn thân thể hiện thế giới quan của “người đi khai phá nét kiêu sa” trong cuộc sống.
  • Người lính và mùa xuân đất nước muôn đời
    Nguyễn Khoa Điềm là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông góp vào gia tài thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có bài “Đồng dao mùa xuân”. “Đồng dao mùa xuân” được sáng tác vào tháng 12/1994, in trong sách “Thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2011). Tác phẩm gồm 9 khổ với 33 dòng thơ, theo thể 4 chữ với phong cách đồng dao. Bài thơ được xem là một trong những tác phẩm thành công trong việc khắc họa hình tượng người lính.
  • Văn học Việt Nam đương đại - những tác động và chuyển đổi tích cực
    Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn học và các loại hình nghệ thuật khác đang đối mặt với những thách thức của quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Làm sao để công chúng Việt Nam không lãng quên văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức và cảm thụ các bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, múa, ca nhạc, hội họa… trước sự “bành trướng” của loại hình nghe nhìn, sự “cám dỗ” của điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử và internet? Đối mặt với những thách thức ấy, các chủ thể sáng tạo đã nỗ lực như thế nào để
  • Chuyện phố - Tiếp nối hành trình trăn trở về thế sự
    Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.
  • Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa
    Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) bề ngoài có vẻ xù xì, gai góc đối với những ai lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bên trong chị lại là người “khát sống, khát yêu” và say mê sáng tạo trong cõi riêng của mình. Không những là họa sĩ vẽ lụa đầy ngẫu hứng, phiêu lưu, chị còn thỏa lòng mình trên những tác phẩm hội họa hoành tráng theo phong cách biểu hiện, trừu tượng. Tranh hoành tráng của Trần Thị Thu cũng giống con người chị, thô ráp mà thâm trầm, tĩnh lặng mà nồng nàn, tầng tầng lớp lớp câu chuyện ẩn trong những mạch nguồn văn hóa mà chị gắn bó, tự thân tìm hiểu đến ngọn ngành.
  • Nhà văn Lê Minh Khuê xa & gần
    Nhà văn Lê Minh Khuê (sinh năm 1949, tại xã An Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) từng là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Tiền phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; sau 1975 là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO