Sân khấu giữa bời bời nhung nhớ

Hoàng Anh - Ánh Tuyết| 29/03/2021 10:19

Hằng năm, sân khấu Hà Nội thường được khai xuân vào dịp 8/3 - Ngày Quốc tế phụ nữ. Thế nhưng vì đại dịch Covid-19 trở lại, tiếp tục có những diễn biến khó lường nên có lẽ sân khấu Thủ đô lại đành lỡ hẹn với khán giả giữa bời bời nhung nhớ…

Sân khấu giữa bời bời nhung nhớ
Các nghệ sĩ mong được trở lại sàn diễn dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 với những vở diễn độc đáo. (Trong ảnh: một cảnh trong vở cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương Việt Nam)
NSƯT Trọng Bình – Nhà hát Cải lương Việt Nam bảo rằng, tiếp đến mùa xuân này là mùa xuân thứ hai anh cũng như nhiều đồng nghiệp luôn mang nỗi thắc thỏm chờ đợi đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để nghệ sĩ của nhà hát được rong ruổi đến các thành phố, làng quê biểu diễn khai xuân, khai hội, mừng ngày 8/3. Thực là mong đến là mong những giây phút được thập thò bên cánh màn nhung ngắm nhìn khán giả háo hức, náo nức dõi theo từng lời ca, tiếng hát; khán giả nhập tâm khóc cười theo nhân vật rồi hào phóng tưởng thưởng cho nghệ sĩ những tràng pháo tay không dứt… Cũng mong đến là mong những phút giây mồ hôi thấm đẫm lưng áo dù đêm xuân còn vương giá rét để hóa thân vào những công hầu khanh tướng, những doanh nhân, nông dân, trí thức… trong “Lý triều dựng nghiệp”, “Chiếc áo thiên nga”, “Vua Thánh triều Lê”, “Bên ánh Sao Khuê”, “Hà Nội gió mùa”, “Bão ngầm”, “Vú cát”… 

Dẫu là đã hơn 50 năm nhà hát không có rạp để hát nên nghệ sĩ không khỏi nhọc nhằn khi phải vượt đường xa đưa vở diễn đến với công chúng từ những huyện ngoại thành như: Đông Anh, Gia Lâm, Sơn Tây đến các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên... Dẫu là, nếu như lúc trời nhá nhem còn tay lấm dựng sân khấu, bê đạo cụ, bắc loa, kéo đèn… thì lúc ánh đèn muôn hồng nghìn tía bật sáng đã là những ông hoàng, bà chúa thao lược, đoan trang. Thế nhưng giờ đây, các nghệ sĩ lại mong đến là mong sớm được trở lại với trạng thái bận rộn, mệt nhọc, rong ruổi ấy đến nhường nào. 

“Lúc thời tiết giao mùa từ xuân sang hạ, chúng tôi đang biểu diễn bỗng gặp trận cuồng phong cuốn bay cả màn nhung, đạo cụ đổ nghiêng ngả. Khán giả vội chạy lên cùng nghệ sĩ dựng lại sân khấu, sửa sang lại đồ  nghề. Loáng cái mọi thứ đã được chỉnh trang và chúng tôi lại nhập vai, lại ca những câu vọng cổ dài dằng dặc như chưa hề có chuyện gì xảy ra, như một lời tri ân tới công chúng của mình. Giờ thì… Với tôi, nhớ là thế, mong là thế đấy!”, NSƯT Trọng Bình chia sẻ trong niềm mong ngóng.

Tuấn Hiệp – diễn viên tài năng trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam hay Lý Chí Huy diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ khi trò chuyện cũng không giấu được nỗi nóng lòng ngóng chờ trong nỗi ra ngóng vào trông, kiểu như “ba thu dồn lại một ngày dài ghê”. Họ cũng không khỏi thấp thỏm hy vọng năm nay dịch sẽ sớm được kiểm soát để ngày 8/3 được gặp, được bung nỗi nhớ với khán giả? Ấy là những vở kịch như “Romeo và Juliet”, “Ngược chiều gió”, “Tin ở hoa hồng”, “Đợi đến mùa xuân” và cả những chương trình hài kịch, ca múa nhạc... của Nhà hát Tuổi trẻ; những vở tuồng như “Tình mẹ”, “Tam Khúc chúa”, “Trung thần” và các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc… lại có thể sáng đèn rạp Hồng Hà hay rạp 11 Ngô Thì Nhậm? Cũng ngậm ngùi lắm chứ khi mỗi tác phẩm được dàn dựng là biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt của cả một tập thể nghệ sĩ vậy mà đã sang đến năm thứ hai phải đành lòng gói gọn để chờ đó. “Đúng là lúc chưa có dịch Covid-19, gặp ngày đắt show, chúng tôi không ít lần ước mong được nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng sang năm thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch thì người nghệ sĩ càng thấm thía hơn bao giờ hết về sự quý giá của những ngày bận rộn. Mong rằng chỉ một vài bữa nữa là tất cả có thể trở về như xưa…”, Lý Chí Huy nói.

Mong ngóng là thế nhưng khi hỏi có thấy nguội lòng với sân khấu hay không, những nghệ sĩ này đều lắc đầu mà rằng: Không đâu! Đây là tình huống bất khả kháng, vì sự an toàn của tất cả mọi người. “Dù không biểu diễn trực tiếp nhưng nhà hát vẫn có kế hoạch luyện tập, dàn dựng chương trình mới. Ngày ngày, ngoài việc tham gia các buổi luyện tập của nhà hát, tôi vẫn tìm đến các nghệ sĩ bậc thầy để được học hỏi thêm những vai diễn mẫu của nghệ thuật tuồng. Với tôi, càng nhớ sàn diễn, khán giả bao nhiêu thì càng phải cố gắng trau dồi nghề nghiệp bấy nhiêu để từ đó biến những nỗi nhớ ấy thành động lực luyện rèn, chờ khi có thể trở lại là bùng cháy”, nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp bày tỏ.

Còn với NSƯT Trọng Bình, trong những ngày chờ được trở lại với khán giả, ngoài giờ trau chuốt vai diễn, luyện thanh cho mình, anh còn truyền dạy những kỹ thuật, ngón nghề của mình cho cậu con trai nối nghiệp - đang là sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. “Gia đình tôi lúc nào cũng rộn rã đàn, hát, nhất là trước giờ đi ngủ là con hát cho cha nghe, mẹ là khán giả vỗ tay. Từ năm ngoái, cha con tôi đã quây quần tự luyện tập cho nhau như thế để bớt nhớ nghề!” – NSƯT Trọng Bình chia sẻ.

Vậy là, đã sang đến tháng ba nhưng các nhà hát của Hà Nội vẫn chưa thể sáng đèn vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thế nhưng, giữa trập trùng khó khăn ấy, thật mừng vì nghệ sĩ Thủ đô vẫn yêu nghề cùng nỗi bời bời mong nhớ để sẵn sàng hội ngộ khán giả thân yêu!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Thường Tín: Tập trung thực hiện phương án chống bão YAGI
    Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 7/9 trên địa bàn huyện Thường Tín đã có mưa kèm theo gió giật mạnh. Từ chiều đến tối nay là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất đến Hà Nội.
  • EVN khẳng định không cắt điện ở Hà Nội do bão số 3
    Trước tin đồn về ảnh hưởng bão số 3 đến tình hình cung cấp điện, EVN và các đơn vị thành viên khẳng định nội dung trên là tin thất thiệt. Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng cho biết, EVN Hà Nội không có lịch cắt điện để phòng chống bão số 3. Chính vì vậy, những thông tin cho rằng EVN Hà Nội cắt điện toàn TP vào tối nay là thông tin thất thiệt.
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu giữa bời bời nhung nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO