Huyện Chương Mỹ trực ban 24/24 giờ ứng phó với bão số 3
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức đã Điện tới UBND các xã, thị trấn; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện; Công ty Điện lực Chương Mỹ; Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ; Các phòng, ban, ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện về việc ứng phó với bão số 3.
Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Điện của Thường trực Thành ủy ngày 6/9/2024, Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc chủ động ứng phó với bão số 3 năm 2024, theo dự báo, bão số 3 (bão YAGI) có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội từ ngày 7/9/2024.
Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão YAGI và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ yêu cầu UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình của cơn bão số 3, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất.
Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của Nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra…
Rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp; chủ động vận hành hợp lý các công trình thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, các công trình, trụ sở ven sông, ven suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở; có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng đặc biệt là tại các xã Tiên Phương, Hồng Phong, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Chúc Sơn.
Các xã, thị trấn chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (Thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương, Tốt Động) chủ động phương án sơ tán nhân dân tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.
Các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho người và phương tiện, tránh để tình trạng mất an toàn trong trường hợp có mưa, bão. Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Chương Mỹ kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập. Chủ động vận hành các công trình tiêu, bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp.
Công ty Điện lực Chương Mỹ đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ nguồn điện để phục vụ tiêu úng, chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trung tâm Văn hóa - Thông Tin và Thể Thao huyện tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với giông lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ. Tập trung vào các nội dung: Biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; thông tin, cảnh báo nguy hiểm, phòng tránh đuối nước, điện giật; biện pháp gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Các phòng, ban, ngành huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. “Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện theo quy định”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức, nhấn mạnh./.
Liên quan đến bão số 3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng do tác động của hoàn lưu bão, từ chiều và tối 7/9/2024, Hà Nội khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Cùng với gió mạnh, Hà Nội có thể xảy ra mưa lớn, với lượng mưa dự báo khoảng 150-350mm. Do đó, người dân Hà Nội cần thực hiện, tuân thủ các biện pháp về phòng chống lụt bão của các cơ quan chức năng từ Thành phố đến cơ sở để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.