Cuốn sách như một tự truyện, kể về cuộc đời của nhân vật chính Danny qua 8 chương sách, cũng là 8 ngày cuối cùng (từ ngày 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến thế giới thứ hai tại thị trấn nhỏ gần biên giới Cộng hoà Séc - Đức mà tác giả đặt tên là Kostelec. Nhưng chừng đó cũng đủ để tác giả Josef Škvorecký đưa độc giả đi qua hơn 500 trang sách qua rất nhiều suy nghĩ, mộng tưởng, đối thoại của chàng sinh viên Danny với những người xung quanh.
Với giọng văn đậm chất hoạt kê, câu chuyện mở đầu bằng âm nhạc và kết thúc cũng bằng âm nhạc, tác phẩm “Những kẻ hèn nhát” đưa độc giả tới chuyến hành trình trải nghiệm một giai đoạn lịch sử đày biến động nhưng lại không hề mang cảm giác đen tối, u buồn hay ám ảnh.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tác phẩm “Những kẻ hèn nhát” không chỉ mở ra cánh cửa về đất nước, văn hóa Séc mà còn giúp độc giả biết được thanh niên Séc đã nghĩ, đã sống như thế nào, và đặc biệt là sự tôn vinh hòa bình, tôn vinh cuộc sống giàu tính nhân văn, có tình yêu, có âm nhạc, và có những trải nghiệm thanh xuân.
Ông Hynek Kmonicek, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam cho biết: “Ở Séc có những cuốn sách mà ai ai cũng biết và “Những kẻ hèn nhát” là một trong những tác phẩm như vậy. Nếu là một thanh niên Séc đúng nghĩa thì chắc chắn phải đọc cuốn sách này”.
“Những kẻ hèn nhát” được hoàn thành từ năm 1949, nhưng vì tình hình chính trị lúc bấy giờ mà mãi đến cuối năm 1958 mới được xuất bản lần đầu tiên. Ngày nay, cuốn sách được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt trong văn học Séc. Và hơn một nửa thế kỷ sau khi ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên được sự mới mẻ ban đầu. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 17 ngôn ngữ, được tái bản 11 lần.
Cuốn tiểu thuyết “Những kẻ hèn nhát” được mệnh danh là ấn phẩm đã đưa tên tuổi tác giả Josef Škvorecký vào đội ngũ các tác giả kinh điển của văn học Séc và góp phần giúp tên tuổi của ông trở nên bất tử. Không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử của một quốc gia, cuốn sách cũng giúp độc giả Việt Nam nói riêng và độc giả thế giới nói chung hiểu hơn về những nét văn hóa của đất nước và con người Cộng hòa Séc.