- Ngày 15-4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội tiếp tục kéo dài việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn đến ngày 30-4-2020. Xin đồng chí cho biết cơ sở để thành phố đưa ra quyết định này?
- Như chúng ta đều biết, sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19", biện pháp cách ly xã hội đã cho thấy tác dụng tích cực, ngăn chặn hiệu quả đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp như thời gian ủ bệnh được ghi nhận lâu hơn, ở thành phố Đà Nẵng còn ghi nhận trường hợp tái phát bệnh sau khi khỏi. Chưa kể, hàng nghìn trường hợp xét nghiệm sàng lọc chưa có kết quả cuối cùng.
Hà Nội vẫn là địa bàn trọng điểm về dịch, với 114 ca mắc SARS-CoV-2 tính tới trưa 15-4, trong đó 63 trường hợp đang được điều trị. Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Việc kiểm soát các vùng dịch như Bệnh viện Thận Hà Nội hay thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín vẫn đang được triển khai, còn rất khó khăn.
Chính vì vậy, việc kiến nghị kéo dài thời hạn cách ly xã hội trước mắt đến ngày 30-4-2020 là yêu cầu cấp bách, đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Quyết định được lãnh đạo thành phố đưa ra trên cơ sở xem xét nghiêm túc tình hình thực tế, khuyến cáo của chuyên gia, ý kiến của các cấp, các ngành và đặc biệt là dư luận nhân dân.
Hà Nội sẽ làm tất cả để ngăn chặn dịch Covid-19 vì sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân Thủ đô và của cả nước.
- Dư luận xã hội đánh giá ra sao về kiến nghị của Hà Nội, thưa đồng chí?
- Theo dõi qua các kênh nắm bắt dư luận xã hội ngành Tuyên giáo thành phố, các cơ quan báo chí trung ương và thành phố, các mạng xã hội, chúng tôi khẳng định dư luận cán bộ và nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước đồng tình, ủng hộ rất cao việc Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiến nghị kéo dài thời hạn cách ly xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách ly xã hội chắc chắn khiến sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nhưng nếu không sử dụng biện pháp này, để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng thì mức độ thiệt hại kinh tế sẽ ở quy mô lớn và lớn hơn gấp nhiều lần.
Sức khỏe và tính mạng con người là quan trọng nhất; còn người ta còn có thể khôi phục kinh tế, làm ra nhiều của cải.
- Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, sức chịu đựng của xã hội khi thực hiện cách ly chắc chắn có những giới hạn, các hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh, nhất là những đối tượng yếu thế, lao động thất nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn. Thành phố sẽ triển khai các giải pháp gì để bảo đảm sự ổn định, để người dân yên tâm thực hiện cách ly xã hội trong những ngày tới?
- Đây là vấn đề mà lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, tìm cách giải quyết nhanh nhất.
15 ngày thực hiện cách ly xã hội, cùng với cả nước, tại Hà Nội, cùng với tinh thần chống dịch quyết liệt, còn bừng sáng lên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được cả hệ thống chính trị quan tâm, chăm lo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước sát khuẩn, khẩu trang...
Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã ủng hộ mỗi người tối thiểu 1 ngày lương cho công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền 56,7 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã có lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19", đến nay đã nhận được hàng chục tỷ đồng ủng hộ.
Đồng thời, Hà Nội đang làm tất cả để triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh nhất có thể. Ngoài gói hỗ trợ theo quy định chung của Chính phủ, thành phố cũng sẽ triển khai gói hỗ trợ riêng mang tính đặc thù. Trong đó, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép hỗ trợ giáo viên ngoài công lập. 1.000 tỷ đồng cũng đã được thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố thực hiện cho vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và khu vực nông thôn.
Tinh thần chỉ đạo của thành phố trong giai đoạn này là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ "kép": Một mặt tập trung chống dịch Covid-19 với phương châm "4 tại chỗ", mặt khác là duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã làm việc với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh; chỉ đạo xây dựng quy trình, quy chế, tiêu chuẩn an toàn để sẵn sàng đưa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác vào hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19.
- Nếu kiến nghị của Hà Nội đượcThủ tướng Chính phủ đồng ý, trong thời gian tới, cần phải triển khai những biện pháp gì để thực hiện hiệu quả, nghiêm túc cách ly xã hội, thưa đồng chí?
- 15 ngày qua, bên cạnh hầu hết người dân và các địa phương thực hiện tốt, một số nơi thực hiện các biện pháp cách ly xã hội vẫn còn hạn chế.
Người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện đúng quy định cách ly xã hội. Cơ quan chức năng các địa phương đã phạt hành chính hàng nghìn trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Chưa kể, tình trạng tập trung đông người ở một nơi, ra ngoài khi không có việc cần thiết vẫn phổ biến. Phản ánh của báo chí cũng cho thấy, nhiều cửa hàng, cửa hiệu vẫn "nửa đóng, nửa mở", chưa thực hiện nghiêm quy định đóng cửa tạm thời để ngăn dịch lây lan.
Chúng tôi cho rằng, những ngày tới đây, những hạn chế trên cần được tập trung khắc phục triệt để, bảo đảm việc thực hiện cách ly xã hội được thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả cao nhất, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho người dân; giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/964589/quyet-dinh-vi-suc-khoe-va-an-toan-tinh-mang-cua-nguoi-dan