Quê ngoại

Nguyễn Hội| 26/11/2020 17:08

Quê ngoại

Ngày tôi sinh, ông ngoại kéo vó ao Thùng Đấu được con cá chép to bằng cái lá bàng, vàng xuộm. Bà ngoại kho riềng với khế trong cái niêu đất cổ rồi đi bộ qua mấy cánh đồng mang xuống cho con gái. Bà đi từ chiều mà sâm sẩm tối mới tới nơi. Tối ấy trời mưa rét. Bà tôi mặc chiếc áo bông màu nâu, lấm chấm đen, có những cái khuy tết bằng vải, hình những chiếc nơ rất đẹp. Bà đứng ngoài hàng hiên, tránh những giọt nước rỏ mái gianh rất lâu để lắng nghe tiếng cháu. Nhưng tôi chưa ra đời. Mẹ tôi trở dạ từ giờ Mùi sang giờ Tý tôi mới sinh. Người đầu tiên đón tôi là bác Lan, một bà mụ vườn mát tay có tiếng trong vùng. Cả ba chị em tôi đều do bác đỡ. Vừa trao tôi cho bà, bác vừa bảo: “lại cái đồ rắn mặt” rồi bà ạ. Bà tôi cười trong những giọt nước mắt vui sướng mà nhớ lại dăm năm về trước, cũng trong hoàn cảnh này, bác đã nói: “mừng cho cả nhà có cái đồ rắn mặt đây rồi”. Ấy là ngày sinh anh trai tôi. Lệ ở quê tôi, trẻ con mới sinh ra cứ phải dùng những cái tên thật xấu, thật tục mà gọi thì mới dễ nuôi. Bởi vậy nên thằng cu, cái hĩm, cái tí, thằng tèo… là những cái tên quen thuộc. 

Chuyện này do mẹ tôi kể lại. Những ngày còn bé tôi cứ đòi mẹ kể cho nghe suốt vì sợ các anh chị gọi tôi là “cu nuôi”, không do bố mẹ sinh ra. Nghe nhiều đến nỗi khi lớn lên tôi cứ có cảm giác mình nhớ hết những gì xảy ra trong ngày cất tiếng khóc chào đời.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê ngoại “xa lăm lắm”. Con đường men theo bờ ruộng trải dài những ba bốn cánh đồng từ Đún Nội sang làng Kênh qua làng Lếnh rồi mới đến làng Bóng. Tuy là xa nhưng mỗi lần được về quê ngoại là một niềm vui sướng đối với chị em chúng tôi. Nhà có độc một chiếc xe đạp nên đứa nào được bố hay mẹ cho đi cùng thì mừng còn hơn được manh áo mới. Tôi là con út nên thường được đi theo, mỗi lần giỗ chạp. Tôi nhớ, có dịp Tết Đoan ngọ, hai bố con tôi chở cặp vịt toòng teng trên ghi-đông xe đạp lên tết ông bà. Đi đến cánh đồng làng Kênh bỗng thấy dưới dòng mương có đôi cá chép, bố liền xuống bắt cá tết luôn cho ông bà.

Có lần, do bị viêm cầu thận tôi còn ở nhà ngoại đến vài ba tháng. Sáng sáng bà ngoại đưa tôi sang nhà bác Vóc - một bác sĩ trên tỉnh mới về hưu ở gần ngay nhà ông bà để tiêm thuốc. Nhờ bàn tay mát lành của bác Vóc và tình yêu thương vô bờ của ngoại, bệnh tình của tôi cũng từ từ thuyên giảm và khỏi hẳn lúc nào không biết. Nhưng cho đến tận bây giờ, nỗi ám ảnh về mũi kim tiêm của bác sĩ Vóc vẫn hằn đậm trong tâm trí tôi. Nhớ lời bà dạy, mỗi lần phải tiêm hay lấy máu, tôi đều nhìn thẳng vào mũi kim để rèn luyện sự “cứng rắn” của mình. Và tôi biết rằng chính bà là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về lòng dũng cảm.

Cũng trong thời gian này tôi còn được ông ngoại, một nhà nho có tiếng trong vùng dạy cho nhiều bài học từ những cuốn sách cổ, câu cách ngôn, câu đối… Ông bảo: Con chịu khó học thuộc, sau này có khi dùng đến, lúc đó thì ông ngoại đã đi xa rồi. Quả đúng như vậy, bây giờ mỗi khi đọc những câu như: Thủ hiếu đễ thứ kiến văn, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân… thì hình ảnh ngoại tôi với chòm râu bạc lại hiện về trong tâm trí. 

Nhà ngoại tôi có khu vườn rất rộng. Ở góc vườn ông tôi trồng cây bồ kết để bà và các dì, các mợ lấy quả gội đầu. Những chùm gai bồ kết tua tủa mọc đều từ dưới gốc lên đến ngọn. Bên bờ ao có cây bưởi ngọt nhưng nhà ngoại tôi không gọi là bưởi mà gọi là cây thanh hiên. Giống bưởi thanh hiên này thường cuối năm mới chín, ăn ngọt ngay như đường phèn. Ở giữa vườn có cây hồng ngâm và một cây na mọc bên bể nước. Những cây này ở nhà tôi không có nên tôi rất háo hức được ăn. Đến mùa quả chín bà chia đều cho các cháu, đứa lớn đứa nhỏ, ở gần ở xa cháu nào cũng có phần. Sau này khi đã trở thành bà nội, bà ngoại, mẹ tôi cũng làm hệt như bà. 

Quê ngoại tôi có dải đất ven sông Đún phì nhiêu màu mỡ, ở đó gọi là làn sông. Làng tôi không có sông nên mỗi lần về quê ngoại, chị em tôi rất thích chạy lên triền đê, trốn tìm trong những làn dâu xanh mát, những vườn mía thẳng đều tăm tắp. Người làng biết chị em tôi về, hỏi chuyện ríu ran, có đôi khi còn cho quà bánh. Có lần chị em tôi được nhà bác Đồng cho ăn cây mía kĩa - giống mía chỉ to hơn cây mía lau một tẹo, da vàng khươm, dóng dài ngoằng, ăn được cả đốt (đầu mặt) mà giòn tan, ngọt lịm. Cái vị ngọt của nó đậm đà đến mức khé đặc trong cuống họng, hằn sâu trong ký ức tôi không bao giờ phai nhạt. 

Rồi tôi đi vào bộ đội xa nhà, xa ngoại. Những đêm trăng hạ tuần, trong phiên gác khuya trên đỉnh đồi Lương Sơn, Hòa Bình nhớ nhà, nhớ ngoại da diết. Những lá thư tôi gửi về, ngoại cất cẩn thận trong chiếc rương gỗ mít có những đường vân vàng rất đẹp. Ngoại bảo, đây là những kỷ vật quý giá nhất của ngoại. Khi nào ngoại về theo ông thì ngoại sẽ mang theo. Tôi biết ngoại thương tôi nhiều lắm. Từ ngày tôi nhập ngũ đến khi tôi vào miền Nam công tác, ngoài mẹ tôi ra thì ngoại là người khóc nhiều nhất.  Mỗi khi tôi về phép, lần nào cũng vậy, ngoại căn dặn tôi đủ điều. Từ chuyện đề phòng gió máy làm sao đến chuyện đi đứng ăn ở thế nào...

Bây giờ thì cả ông bà tôi đều thành người thiên cổ. Về lại khu vườn xưa ngập đầy kỷ niệm, lòng chúng tôi rưng rưng niềm thương, nỗi nhớ. Cảnh cũ còn đây nhưng còn đâu hình bóng ngoại năm nào... 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Quê ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO