Phát huy lợi thế của "sức mạnh mềm"
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào đời sống xã hội. Từ đó, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, khơi dậy ý chí và khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, trong quá trình thực thi chính sách phát triển, thành phố đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Lễ hội Singapore, Lễ hội văn hóa Hàn Quốc, Lễ hội văn hóa - ẩm thực Pháp, Lễ hội Đức, Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội âm nhạc gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại, Lễ hội thiết kế sáng tạo RMIT, Chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ"... Nhiều không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế, như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Phố bích họa Phùng Hưng, Phố sách Hà Nội...
Ngày 30-10-2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 thành phố trên thế giới) là thành viên "Mạng lưới các thành phố sáng tạo" của UNESCO. Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Hà Nội phấn đấu đạt được mục tiêu "Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước" trong chiến lược của Chính phủ.
Tuy nhiên, đồng chí Bùi Huyền Mai cũng cho biết, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; quá trình đô thị hóa nhanh; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp, liên kết tuần hoàn, bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...
Để phát triển xứng với tiềm năng
Tại tọa đàm, 12 ý kiến phát biểu của các nhà báo, nhà sản xuất, văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực như: Âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... đã nêu các tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế và những đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Ở góc độ truyền thông, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, văn hóa cần được quảng bá, tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao nhận thức, "định vị" rõ hơn vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển chung của Thủ đô. Với tham luận "Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội", Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, Chủ tịch Tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh góp ý, Hà Nội cần phát huy giá trị hữu hình và giá trị vô hình, điều này cần được cụ thể hóa bằng những hoạt động, sự kiện để người dân và du khách có những trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: Du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình phát thanh, thời trang, điện ảnh, thiết kế, quảng cáo, các trò chơi giải trí...
Là một trong những nhạc sĩ có nhiều sản phẩm âm nhạc đóng góp nhiều cho Hà Nội với các không gian âm nhạc sáng tạo gây tiếng vang như Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon music festival), nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Hà Nội có nhiều tiềm năng nhưng lại chưa thu hút được du khách lưu trú lâu do thiếu sản phẩm văn hóa quốc tế hấp dẫn. Để phát triển công nghiệp hóa một cách hiệu quả, theo nhạc sĩ Quốc Trung, thành phố nên tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân; cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của mọi thành phần xã hội; định hướng, xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu...
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với phát triển thị trường văn hóa. Hà Nội còn thiếu những nhà sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp. Để khắc phục điều này, thành phố nên gắn phát triển điện ảnh với phát triển kinh tế của Thủ đô, từ đó xây dựng chính sách gắn với phát triển điện ảnh nhằm tăng thị phần của thị trường phim nội. Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly nêu ý kiến, Hà Nội cần giá trị lõi để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bền vững. Hà Nội cần có cơ sở hạ tầng tốt, những nơi biểu diễn mang tính đặc thù cho từng loại hình biểu diễn nghệ thuật...
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cảm ơn và ghi nhận những đóng góp, phát biểu của các đại biểu, giúp Ban Chỉ đạo bước đầu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Thành ủy cho vấn đề chuyên về lĩnh vực công nghiệp văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa bắt nhịp với dòng chảy hội nhập quốc tế.
Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...
"Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể", đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.