NSND Hoàng Cúc ra mắt trường ca về cuộc đời
Trường ca “Cúc” dày 177 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm ba phần: Cánh đồng của mẹ, Hồn thu xứ mặt trời và Phục sinh.
Ngày 2/6, tại Hà Nội, NSND Hoàng Cúc tổ chức lễ ra mắt Trường ca “Cúc” - trường ca gắn liền với tên của nữ nghệ sĩ.
Trường ca đưa người đọc bước vào chuyến hành trình dài đầy cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời của tác giả, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, những chuyến đi hay những tháng ngày mạnh mẽ chiến đấu với bạo bệnh… Trong tập trường ca, tác giả sử dụng hình thức thơ linh hoạt, theo cảm xúc của bản thân và đối tượng tâm tình, khi là thơ tự do, khi lục bát, lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ.
Chia sẻ về “đứa con tinh thần” đầu tay của mình, NSND Hoàng Cúc cho biết, những sáng tác trong Trường ca là mong muốn cất lên tiếng nói cảm xúc của bà về cuộc sống hằng ngày, về những ký ức, suy nghĩ bên trong của bản thân.
“Còn nhiều vụng về trong sáng tác, nhưng là cảm xúc của cá nhân tôi, là tiếng nói của riêng mình, cất lên những gì của riêng mình kể cả trong giấc mơ, kể cả trong cuộc sống hằng ngày, kể cả trong bệnh tật… đó là dòng sông không phẳng lặng của cuộc đời tôi. Tôi dâng hiến những điều đó trong Trường ca “Cúc””, NSND Hoàng Cúc tâm sự.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói trước đây chỉ biết đến NSND Hoàng Cúc thông qua bóng dáng nhân vật bà thể hiện trên sân khấu và điện ảnh. Sau khi đọc trường ca, ông thêm phần cảm phục và gọi bà là một thi sĩ.
Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trường ca Cúc là bản tuyên ngôn, hồ sơ trọn vẹn nhất, trung thực nhất về NSND Hoàng Cúc.
“Có quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ được viết trong sự đập cánh lộng lẫy của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên. Trong Cúc, tôi nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Với nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ, trường ca Cúc là một bất ngờ lớn. Hiếm thấy tác giả nào trong làng thơ Việt hiện đại mà in tập thơ đầu là một trường ca. Bởi trường ca đòi hỏi một sức viết, một trường lực, một câu chuyện cùng vô vàn những chi tiết, sự kiện. Những chi tiết, sự kiện ấy lại phải được hình tượng hóa bởi ngôn ngữ thơ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại bảo ông không bất ngờ về việc Hoàng Cúc có làm thơ. Bởi từ nhiều năm trước ông đã được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khoe Hoàng Cúc có làm thơ và thơ của chị khá hay. Nhưng ông vẫn bất ngờ về Hoàng Cúc khi đọc trường ca Cúc - một tác phẩm tự sự bằng thơ với nghệ thuật thơ điêu luyện ở nhiều khúc.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc được công chúng biết đến với vai trò là một diễn viên gạo cội trong sân khấu và điện ảnh. Từng giữ vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc ghi dấu ấn qua những vai diễn trong các tác phẩm sân khấu Hà Nội như “Tôi và chúng ta”, "Lũy hoa", “Em đẹp dần lên trong mắt anh”, “Ăn mày dĩ vãng”… và cũng thành công trong điện ảnh, đặc biệt là vai Tám Bính trong bộ phim “Bỉ vỏ”, Thủy trong bộ phim “Tướng về hưu”…
Bên cạnh sân khấu và điện ảnh, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc còn bộc lộ tài năng văn chương. Bà từng đoạt giải với truyện ngắn “Về nhà” trong cuộc thi truyện ngắn do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Với trường ca “Cúc”, công chúng biết thêm tài năng thi ca của Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc./.