Chuyện phố - nhìn từ văn hóa
(Ấn tượng về “Chuyện phố”, tiểu thuyết của Phạm Quang Long, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2024)
Lối rẽ bất ngờ...
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, có lúc được gọi là “quan văn nghệ” (thời gian làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội), những tưởng bị nhấn chìm trong công vụ, đúng tuổi nghỉ quản lý (2013), bỗng “đùng” một cái, rẽ ngang sang cầm bút viết văn, theo cách diễn đạt của một đồng nghiệp là “Tiến vi quan, thoái vị văn sĩ”. Từ năm 2014-2024, ông công bố 7 tác phẩm: “Nợ non sông” (kịch bản văn học) và 6 tiểu thuyết “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thuở”, “Cuộc cờ”, “Chuyện làng”, “Mùa rươi”, “Chuyện phố”. Với Phạm Quang Long, tôi muốn gọi ông là nhà văn trong ý nghĩa đích thực của từ này, có cái tâm thế ứng với phẩm tính của một nghệ sĩ ngôn từ “sống rồi mới viết”, hơn thế “không thể không viết”, dẫu cho viết văn khác nào thường trực đối diện với một “pháp trường trắng” (trang giấy ngày trước). Vốn sống thì đầy ứ, cảm xúc thì chín mọng, định hướng sáng tác thì rõ như dưới thanh thiên bạch nhật, hà cớ gì không cầm bút viết (chưa kể đến cái gọi là “giải phóng ẩn ức” theo lý thuyết của Freud). Đến nay, Phạm Quang Long vẫn chưa nghĩ tới “rửa tay gác kiếm”. Bởi với ông, vốn sống vẫn còn dư dả, bởi nhiệt huyết vẫn còn sục sôi như hỏa diệm sơn, bởi tình yêu chữ nghĩa vẫn còn đong đầy. Vậy thì độc giả vẫn còn cơ hội đón đợi những tác phẩm trong tương lai gần của ông có thể cũng mãn nhãn như “Trưởng tộc”, một tiểu thuyết về văn hóa làng sắp ra mắt. Nói hình ảnh thì, việc cầm bút viết văn của Phạm Quang Long là một lối rẽ bất ngờ hay thậm chí là một cú nhảy thẳng đứng ngoạn mục. Tôi biết, Phạm Quang Long có một cuộc chuẩn bị âm thầm, bền bỉ, gian nan cho một sân chơi văn chương, chữ nghĩa bề thế như bây giờ hiển hiện, là một “con đường đau khổ” tới cái đích đặt ra có ý thức rõ rệt.
Từ chuyện làng đến chuyện phố
Năm 2020, Phạm Quang Long nhận Giải Khuyến khích cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức dành cho tiểu thuyết “Chuyện làng”. Tiếp nhận tác phẩm này độc giả càng thấm thía hơn một sự thật đã như là chân lý: Văn hóa Việt Nam có căn rễ từ nông thôn - nông nghiệp - nông dân (Tam nông). Đó là nền văn hóa bén rễ từ nền văn minh lúa nước, có tính chất cộng đồng làng xã, đề cao nhân nghĩa, duy tình (nên mới có cách diễn đạt “tấc đất tấc vàng”, “tình làng nghĩa xóm”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “gần nhau tối lửa tắt đèn”, “người ta là hoa của đất”, “lệnh vua thua lệ làng”...). Tiếp sau “Chuyện làng” là “Mùa rươi”, một tiểu thuyết đậm khí vị phong tục làng quê Việt Nam. “Chuyện phố” là cuốn tiểu thuyết viết về một cái “làng lớn” - Thủ đô với tác giả “Chuyện phố” thì “Hà Nội như một cái làng lớn nhưng là một cái làng văn minh, làng nghề là chính. Ngoài ra còn có những làng nhỏ khác, những nghề khác xen nhau tạo ra một nét văn hóa Hà Nội rất độc đáo. Công dân Hà Nội một giai đoạn dài cũng chủ yếu là những người làm nghề. Hà Nội tập trung tinh hoa của các vùng miền, tinh hoa cả nước, nơi giao thương nhiều nhất nên những gì mới nhất, hay nhất và dở nhất cũng vào Hà Nội sớm và được sàng lọc ở đây. Rồi những cái tử tế ấy được tích tụ lại, ảnh hưởng đến vùng khác. Cứ thế văn hóa Hà Nội bồi đắp bằng cả nguồn tinh hoa và đại chúng. Tinh hoa dẫn dắt Hà Nội, dẫn dắt cả nước; đại chúng nhờ tinh hoa dẫn đường mà cũng trở nên có giá hơn, được ghi công hơn. Nhưng, bao giờ đại chúng cũng cần được dẫn dắt để đi đúng hướng. Bản chất nó thế. Không có dẫn dắt, tự nó chưa bao giờ đủ tỉnh táo và trí tuệ để đi đến cùng một phong trào”.
Chuyện phố - nhìn từ văn hóa
“Chuyện phố - nhìn từ văn hóa gia đình” như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Bởi vì gia đình là “tế bào xã hội” muôn thuở, vì nhìn vào gia đình thấy cả xã hội như cách nhìn giọt sương thấy rõ cả ánh mặt trời, một giọt nước biển chở vị mặn mòi của đại dương bao la. Cấu tứ của “Chuyện phố” có nét gì gần gũi với “Mùa lá rụng trong vườn” (tiểu thuyết, 1985) của Ma Văn Kháng. Trong “Chuyện phố”, gia đình ông Mưu là một “xã hội thu nhỏ”, mỗi người một nết, một số phận, không ai giống ai, dù đều là “phiên bản” thật của bố và mẹ. Để điều hòa mâu thuẫn, để cân bằng tâm thế, gắn kết đại gia đình, tác giả đã “hiến kế” cho nhân vật Ông Mưu có một tài sản khủng (500 lạng vàng), chia đều cho bốn người con (mỗi người 100 lạng), chỉ giữ lại phòng thân cho mình một phần năm gia sản, gia tài các bậc thân sinh tích cóp mấy chục năm trời. Đó là một kết thúc có hậu phù hợp với tâm lý, tình cảm, phong tục của người Việt trọng chữ tình, hơn thế là duy tình. Nhiều độc giả thắc mắc cớ sao thời bao cấp, một gia đình thường thường bậc trung như ông Mưu mà lắm của nả đến thế?! Nhưng chân lý nghệ thuật có thể cao hơn chân lý đời sống, như chúng ta đã chứng kiến qua nhiều tác phẩm văn chương cổ kim, đông tây của thế giới và Việt Nam. Thêm nữa, đọc văn chương, nhất là tiểu thuyết cần được xem như “một câu chuyện bịa y như thật”. Xét đến cùng, con người dù ở lục địa nào, thời đại nào cũng không thể “không gia đình”.
“Chuyện phố - nhìn từ văn hóa cộng đồng đô thị” thời kỳ chuyển mình từ hành chính bao cấp sang cơ chế thị trường (định hướng XHCN), hòa nhập thế giới tạo nên sinh khí, hơi thở cho đời sống đương đại. Những chuyển động của văn hóa cộng đồng đô thị khúc xạ qua nhân vật Tuấn (một trong bốn người con của ông Mưu). Tuấn làm nghề báo ở Thủ đô, anh vốn là cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cuộc sống và số phận của Tuấn phơi bày một thực trạng có ý nghĩa triết lý, đạo đức: anh có thể là người hùng trong chiến trận, nhưng có thể là người bại trận trong thời bình. Vì sao? Vì sự thông minh của con người trong chiến tranh khác hẳn sự thông minh cần có trong thời bình, nhất là trong cơ chế thị trường, có tính chất “phi truyền thống” (không có tiền lệ). Những nỗi niềm, những khúc mắc, những quanh co, éo le, rối rắm của hiện thực mới khiến Tuấn nhiều khi lúng túng. Cấu tứ này đã được thể hiện trong tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái – một tác phẩm gây nên những hiệu ứng tiếp nhận khác nhau, nếu không nói là “chia đôi dư luận”. Nhưng đó là dấu chỉ của một tác phẩm có ý nghĩa thực tiễn, chưa nói đến tính hấp dẫn của nó vì đi sâu vào hậu trường làng báo, nghề báo hiện nay.
Trong phạm trù lớn văn hóa, các thành tố quan trọng chính là tạo sinh giá trị bản sắc, ứng xử. Vì thế có cách định nghĩa khúc chiết hơn cả “Văn hóa là cách con người ứng xử với nhau” (sống với nhau). Khái quát hơn, có thể nói “tột cùng văn hóa là con người”. Văn hóa cộng đồng đô thị trong “Chuyện phố”, theo cách viết của tác giả, khiến cho độc giả nhớ tới bài thơ “Nơi gừ” của nhà thơ Việt Phương viết cách nay hơn 50 năm. Không hẳn chỉ là lối chơi chữ độc đáo xé chữ NGƯỜI ra, đảo vị trí từng chữ thành NƠI GỪ. Vào thời điểm đó bài thơ khiến chúng ta bất ngờ, ngỡ ngàng, thậm chí rúng động. Nhưng nay tỉnh trí mới thấm thía tác giả đã có cái năng lực tiên cảm thời cuộc tài tình. Nhân vật nhà báo Tuấn đúng là ở trong cái mớ bùng nhùng, hỗn mang, mê lộ của nhân tình thế thái, khi con người sống với nhau không như những răn dạy kinh điển của Folklore “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”... Chưa đến mức biến thành một nhân vật kiểu “thằng ngốc” nhưng đôi khi Tuấn có cái tâm thế “lạc giữa cõi người” trong một “cuộc cờ” (nhan đề hai cuốn tiểu thuyết của Phạm Quang Long được độc giả thích thú tiếp nhận). Chính nhân vật Tuấn đã là cái “trụ” để tiểu thuyết “Chuyện phố” mang tính luận đề, dồi dào năng lượng đối thoại chính trị - văn hóa - đạo đức.
Chuyện phố - viết mãi không cùng
Hà Nội là một đề tài mở đến vô tận. Từ “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam, “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài, “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh, “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng… đến “Chuyện phố” của Phạm Quang Long dường như chưa có điểm dừng của dòng chảy văn chương này. Vượt lên trên ý nghĩa “đề tài”, những áng văn về Hà Nội sẽ còn hấp dẫn độc giả muốn khám phá về một không gian “địa linh nhân kiệt”, “một trái tim hồng” cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. “Chuyện phố” không phải là một best-seller, đương nhiên. Nhưng đáng đọc với những người ưa sống chậm, thích nghiền ngẫm về đời sống và con người thời hiện đại. Bởi vì hàm lượng văn hóa của nó thấm vào từng câu chữ. Và quan trong hơn, đọc “Chuyện phố” để thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội./.