Tôi vẫn còn nhớ trước sân nhà bà khi xưa có trồng một cây nhót. Không biết cây đã được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi học tiểu học, cây đã leo kín cả giàn trước sân mát rượi. Xuân đến, dưới những cơn mưa phùn lất phất, hơi xuân bảng lảng phủ lên những quả nhót bé xíu bằng hạt lạc rồi nhỉnh lớn dần lên bằng ngón chân cái. Nhót mới nhú có màu xanh lục, hòa lẫn vào màu xanh bàng bạc của lá, khi chín dần thì ngả màu cam, rồi sẽ chuyển màu đỏ rực.
Từ khi nhót còn xanh, lũ trẻ con chúng tôi thường lén vặt xuống, mài thật sạch rồi bổ đôi dầm muối ớt. Cái vị chua hòa lẫn cái tê cay của muối ớt, chao ôi là xuýt xoa. Mẹ tôi cũng thường hái nhót xanh để nấu canh chua, thứ mùi thơm nhẹ và vị chua của nhót đem lại một hương vị ghi dấu ấn thật sâu trong tiềm thức thuở ấu thơ.
Tháng ba, khi nhót bắt đầu chín đỏ mọng như đốm lửa nhỏ đung đưa trước gió, lũ trẻ con mỗi lần đi qua ngước mắt nhìn lên đều thèm thuồng, có đứa không kìm được mà nuốt nước miếng ừng ực. Bà tôi thường hái nhót chia cho tôi và lũ trẻ trong xóm.
Với tuổi thơ ngày ấy, tưởng như không thứ gì ngon hơn món quà quê bình dị này. Chúng tôi vẫn hay tranh giành nhau chí chóe, rồi hò đuổi nhau mài nhót vào đứa nào mặc quần nhung hoặc áo thô nhám, để rồi sau khi đứng dậy, quần áo đứa nào đứa nấy phủ đầy lớp phấn trắng xóa, phủi ra như cơn mưa bụi bay khắp không trung. Thích nhất là những khi giấu được ít nhót trong túi quần mang theo đi học, vừa ngồi nghe giảng vừa mài nhót vào khăn đỏ, rồi len lén bỏ vào miệng cắn nhẹ để thưởng thức cái vị chua chua the the nơi đầu lưỡi, ăn đến xít cả răng vậy mà đứa nào cũng mê.
Nhót là thứ quà quê dân dã, ấy vậy mà giờ đây lại trở thành “đặc sản” nơi thị thành. Những ngày tháng ba, khi nhót mới bắt đầu vào vụ, từng quả chín mọng được các cô bán hàng khéo léo xếp cao thành từng chồng, rong ruổi chở đi khắp phố phường Hà Nội.
Mùa nhót ngắn ngủi khoảng một tháng, nên nếu không nhanh thưởng thức thì sẽ phải chờ sang tận năm sau. Ai thích ăn chua có thể nhặt những quả chín tới màu cam, ai háo ngọt thì chọn quả chín già màu đỏ. Trước khi ăn, cần cẩn thận mài cho sạch lớp phấn trắng rồi nắn nhẹ cho mềm, chấm thêm muối và từ từ thưởng thức mới là đúng điệu. Hương vị của nhót chín chua dịu, ngọt nhẹ thanh thanh, hơi tê tê nơi đầu lưỡi đánh thức các giác quan, đích thực là một món ăn vặt “gây nghiện” của không ít người.
Một sớm mai qua phố, bắt gặp giữa lòng phố thị những gánh hàng rong mải miết mưu sinh, những quả nhót chín đỏ như gọi về cả một bầu trời tuổi thơ với biết bao ký ức êm đềm thương nhớ. Dù giờ đây cuộc sống đã đủ đầy với biết bao thức ngon vật lạ, món quà quê dân dã ngày nào vẫn mãi vẹn nguyên trong tiềm thức một hương vị thân quen mà rất đỗi bình dị, gợi lên ký ức miên man mỗi độ tháng ba về.