Nhớ những ngày tháng tư

HNM| 05/05/2021 08:00

Những ngày tháng tư hiện về bao kỷ niệm một thuở nôn nao nỗi nhớ. Đó là ký ức cách đây hơn bốn mươi năm mà nỗi nhung nhớ vẫn đậm sâu trong tâm khảm. Ấy là những ngày tháng tư khi chúng tôi lặng lẽ vượt sông Bến Hải tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Là những ngày tháng tư khi đoàn quân như ngợp dưới lúc lỉu chôm chôm, xoài, sầu riêng... của miệt vườn Lái Thiêu mà lòng hân hoan.

Nhớ những ngày tháng tư
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Còn nhớ năm 1972 khi ấy vừa cơm tối xong, đơn vị chúng tôi hành tiến về phía Nam. Ai nấy ba lô, bao gạo, súng đạn khoác vai cùng khí tài chiến đấu. Lính thông tin lưng đeo máy vô tuyến "2 oát" còn ba lô khoác phía trước. Nặng nhọc nhất là mấy chiến sĩ pháo thủ vừa mang tư trang cá nhân, vừa khiêng nòng, bàn đế, chân chống khẩu cối 120 ly lặc lè lội suối vượt đèo.

Qua con suối khoảng 30 phút, chỉ huy cho giải lao 10 phút. Một chiến sĩ ngập ngừng: “Báo cáo thủ trưởng. Lúc nào đến sông Bến Hải, thủ trưởng cho bọn em giải lao lấy bi đông nước kỷ niệm ạ!”. Tiểu đoàn trưởng cười hiền hậu: “Các đồng chí vừa vượt sông Bến Hải đấy. Ở thượng nguồn nên nó chỉ là con suối nhỏ. Nhưng không được dừng nghỉ ở đấy vì địch rất hay câu pháo vào...". Lời Tiểu đoàn trưởng còn chưa dứt, cả bầy đạn pháo cắt gió ù ù vượt qua đầu chúng tôi. Hàng loạt tiếng nổ chát chúa phía con suối. Đó là bài học cho những người lính chiến trường không tập trung ở những điểm nhạy cảm.

Tháng 4-1975, đơn vị chúng tôi tác chiến ở mặt trận miền tây Huế - mạn A Sầu, A Lưới. Nơi này thuộc dãy núi Bạch Mã, nay là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế nên có khá nhiều loài hoa mà nhiều nhất là phong lan. Cánh lính mê mẩn trước những giò hoa chúm chím trên thân cây chằng chịt dây leo tầm gửi. Lính Hà Nội bảo đó là phong lan Đuôi chồn, Tai trâu...

Rời rừng núi với phong lan đầy màu sắc, đơn vị chúng tôi hành tiến xuống đồng bằng để giải phóng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, càng đi sâu vào miền Nam anh lính nào cũng ngỡ ngàng trước sự phong phú của các loài cây quả. Tôi bất chợt nhớ đến bài hát “Miền Nam của em” của nhạc sĩ Hoàng Nguyễn mà ngâm nga “Miền Nam em dừa nhiều/ Miền Nam em dứa nhiều/ Miền Nam em xoài thơm...”, ngay lập tức được đồng đội cổ vũ rồi vỗ tay cùng hát. Tiếng hát theo đường quân của chúng tôi. Đến Long Thành, ngoài bạt ngàn cao su là những vườn bưởi vào kỳ trổ hoa, hương thơm ngào ngạt gợi bâng khuâng về "Hương bưởi thơm cho lòng bối rối" trong bài thơ của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn...

Sáng 30-4, đồng đội chúng tôi vẫn còn người ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Các anh đã giành lại sự thống nhất trọn vẹn cho non sông đất nước, làm thỏa lòng mong đợi của toàn dân, thỏa mãn mơ ước của các em nhỏ: “Việt Nam thống nhất/ Mời bạn của em/ Mời bạn em đến chơi...”.

Những ngày tháng tư ấy đã lùi xa lắm rồi, nhưng kỷ niệm vẫn sống động vẹn nguyên. Không chỉ với cánh lính chúng tôi, mà giờ đây với mỗi người dân nước Việt, tháng tư là tháng xuân hồng hối hả gợi mở khát khao nao nức sang hè để rồi viết tiếp, lưu giữ và nhung nhớ về những ký ức sáng đẹp trong sự trân quý của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
    Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
    Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những ngày tháng tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO