5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
“Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
Văn học, nghệ thuật Thủ đô – 50 năm đồng hành cùng đất nước
Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội trở thành mảnh đất nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật lớn lao. Sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Thủ đô nhanh chóng bắt nhịp cùng nhịp sống mới, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc và hiện thực hóa khát vọng hòa bình, thống nhất, phồn vinh. Các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Hà Nội đã tích cực tổ chức hoạt động sáng tác, công bố tác phẩm, xây dựng đội ngũ, tạo môi trường cho nghệ sĩ phát triển trong hòa bình và đổi mới.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội quy tụ hơn 4.400 hội viên đang hoạt động tại 9 hội chuyên ngành. Đây là lực lượng đông đảo, đa dạng về thế hệ, phong phú về phong cách sáng tác, bao gồm các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, dịch giả... Trong đó, một tỷ lệ lớn hội viên đồng thời là thành viên của các hội chuyên ngành Trung ương, điều này không chỉ phản ánh chất lượng chuyên môn mà còn cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ Thủ đô với dòng chảy chính của văn hóa nghệ thuật cả nước.

Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, trong suốt nhiều năm qua, văn học nghệ thuật Thủ đô đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Hội Liên hiệp cùng các hội chuyên ngành luôn bám sát các nhiệm vụ được nêu trong các nghị quyết lớn của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật. Hội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị xã hội của Thành phố, đồng thời chủ động đi sâu vào thực tiễn sinh động của đời sống xã hội Thủ đô để tìm chất liệu sáng tác.
Các hoạt động văn học nghệ thuật Thủ đô luôn gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng nhân cách, giáo dục con người, và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, tiêu cực, các tệ nạn xã hội, sự sai lệch về tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời bảo vệ và khẳng định những giá trị đạo đức, nhân văn truyền thống.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình và dịch thuật có giá trị cũng đã ra đời nhằm tổng kết, đánh giá các thành tựu văn học nghệ thuật, giới thiệu tinh hoa văn hóa nhân loại, và khẳng định giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Các đề tài lịch sử và hiện đại được phản ánh khá toàn diện, góp phần đa dạng hóa nội dung, tăng đáng kể về lượng và chất của các tác phẩm, ấn phẩm văn học nghệ thuật. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và sáng tạo.
Các cuộc hội thảo chuyên ngành, chuyên đề được tổ chức thường xuyên; các cuộc trao đổi chuyên môn, giao lưu với các Hội kết nghĩa và 5 vùng đất kinh đô xưa… ngày càng mở rộng. Các trại sáng tác cũng được tổ chức đều đặn, trở thành môi trường lý tưởng để văn nghệ sĩ tiếp xúc thực tiễn, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, giao lưu và học hỏi lẫn nhau.

Sự trưởng thành của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô còn được khẳng định qua các giải thưởng cao quý. Tính đến nay, đã có 53 hội viên được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 206 hội viên đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ngoài ra, hàng trăm hội viên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú… Nhiều người trong số họ không chỉ là những người sáng tạo mà còn có đóng góp lớn trong việc đào tạo thế hệ kế cận.
“Từ ngày đất nước thống nhất đến hôm nay, văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn luôn là lực lượng tiên phong trong sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa chiều sâu văn hóa và hơi thở thời đại, góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”, NSND Trần Quốc Chiêm khẳng định.
Năm nhóm giải pháp lớn để phát huy vai trò mũi nhọn của văn học, nghệ thuật Thủ đô
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thành tựu đạt được theo NSND Trần Quốc Chiêm văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn tồn tại thực trạng: một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong việc tiếp cận và nhận thức các vấn đề mới của cuộc sống; có biểu hiện xa rời công cuộc đổi mới của đất nước, chạy theo các đề tài giải trí đơn thuần, chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, ít quan tâm đến chức năng giáo dục. Thậm chí, trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung vào mặt tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng, sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước.
Để phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng của hoạt động văn học, nghệ thuật Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã đưa ra 5 giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Điều này nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo cho hội viên và các văn nghệ sĩ; nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các cấp ủy đảng cần chú trọng văn học, nghệ thuật như một hoạt động đặc biệt của công tác tư tưởng, nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần kiên quyết, kiên trì với lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật phải thường xuyên, sâu sát, linh hoạt, nhạy bén, thấu hiểu, sẻ chia vừa đảm bảo cho các hoạt động có tính định hướng để các lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình.
Thứ hai, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động văn học, nghệ thuật. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế hệ văn nghệ sĩ kế cận còn hạn chế. Để thu hút các tài năng văn học, nghệ thuật, cần tích cực phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu văn học, nghệ thuật tại cơ sở. Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý, các thiết chế văn hóa ở các cấp trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng lực lượng văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
.png)
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về nhiều đề tài phản ánh công cuộc đổi mới của đất nước. Các hội văn học địa phương cần tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy địa phương tổ chức đặt hàng cho các trại sáng tác trên tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật, có chính sách động viên, khích lệ, tập hợp các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho các tác giả thâm nhập thực tế, giúp cho các tác giả có những hiểu biết sâu sắc về thực tiễn cuộc sống đổi mới đang diễn ra hàng ngày làm tư liệu cho sáng tác; tổ chức nghiệm thu, trao thưởng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhằm có nhiều hơn các tác phẩm giá trị về công cuộc đổi mới của đất nước và Thủ đô.
Thứ tư, tiếp tục phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử đất nước sau 50 năm thống nhất, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đã ra đời phản ánh công cuộc đổi mới. Cần có những giải pháp quyết liệt nhằm đưa giá trị của những tác phẩm đó thấm sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân, thông qua các hội thi, hội diễn, lan tỏa “văn hóa đọc”. Hệ thống các học viện, nhà trường cần đưa bộ môn văn học, nghệ thuật vào chương trình đào tạo, qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của dân tộc, cách mạng, tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thứ năm, phát huy tối đa công năng của các thiết chế văn hóa trong việc thụ hưởng và sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Động viên cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia đấu tranh bài trừ ảnh hưởng của các sản phẩm phi văn hóa; tích cực học tập và sử dụng thành thạo về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để áp dụng và phục vụ việc sáng tác đạt chất lượng; tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ để hoạt động văn học, nghệ thuật luôn bám sát cuộc sống, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nửa thế kỷ qua, văn học nghệ thuật Thủ đô không chỉ phản ánh sinh động quá trình phát triển của đất nước mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội. Những tác phẩm, công trình nghệ thuật đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Với những giải pháp thiết thực và sự đồng lòng của cộng đồng văn nghệ sĩ, văn học nghệ thuật Thủ đô chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước./.