Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Chiều ngày 14/4 vừa qua, tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025. Với chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc”, ngay từ đầu giờ chiều, đã có rất đông các em học sinh đến từ 37 trường tham dự phần dự thi. Có lẽ đã được thông báo từ nhiều ngày trước đó nên tại các góc của hội trường, các nhạc cụ và trang phục... phục vụ cho việc tranh tài sáng tạo đều được các ban/nhóm nhạc chuẩn bị rất đầy đủ. Các thầy cô giáo và các em học sinh cùng hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của buổi Liên hoan âm nhạc cho thấy sự gần gũi, ấm áp trong mối quan hệ giữa thầy và trò.

Nội dung tranh tài tại Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 phong phú và đa dạng. Tùy vào từng ban/nhóm nhạc được thể hiện 02 tác phẩm liên tục thuộc thể loại hòa tấu và đệm hát. Với sự sáng tạo không giới hạn, các em học sinh đã thể hiện được tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời cũng là dịp để Ban giám khảo có thể phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc của học sinh trên địa bàn Thủ đô theo định hướng của chương trình GDPT 2018, góp phần quảng bá hình ảnh học sinh Hà Nội năng động, trẻ trung và giàu truyền thống văn hóa.
Cô giáo Nguyễn Hồng Duyên – Hiệu trưởng trường THPT Olympia chia sẻ: "Để xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường đã bám sát vào mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và đã tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, ý nghĩa. Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 lần này, được nâng lên một cấp độ cao hơn cả về nội dung và phương thức tổ chức. Ở đó, học sinh thật sự là trung tâm, được vui chơi, trải nghiệm và được thể hiện tài năng, kỹ năng cũng như tính đoàn kết giữa các em, giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông... Qua đó, cho các em cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thấy yêu mến thầy cô, bạn bè và có thêm động lực để học tập tốt hơn".
Điểm mới của Liên hoan lần thứ II so với Liên hoan lần thứ I đó là có nhiều đội tham gia hơn (tăng 03 đội) và có thêm học sinh quốc tế, học sinh khiếm thị. Hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư công phu, hiện đại hơn để các ban nhạc, nhóm nhạc thể hiện tài năng. Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức Liên hoan tăng cường nhiều giải thưởng hơn so với lần thứ I với tổng số 28 giải (tăng 21 Giải) để động viên, khuyến khích các em học sinh đam mê âm nhạc.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, ngành giáo dục Thủ đô luôn ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện cho học sinh, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng, năng khiếu và đời sống tinh thần. Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh phổ thông thành phố Hà Nội chính là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm đầu tư của ngành GD&ĐT trong việc tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh phát huy tiềm năng của bản thân. Từ đó, học sinh có cơ hội được hoàn thiện nhiều kỹ năng và hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp, giúp ích rất lớn cho tương lai của các em sau này.
Cũng chính bởi ý nghĩa thiết thực của chương trình Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 gắn với những hoạt động thực tế “Xây dựng Trường học hạnh phúc” mà hiện nay, không chỉ cấp học THPT mà tất cả các cấp học trên địa bàn toàn thành phố đều đang đẩy mạnh việc thực hiện. Tại Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), các cán bộ, giáo viên của nhà trường cũng đang nỗ lực “biến hóa” các môn học thành những video, xây dựng “Sân khấu hóa học đường”... để từ đó lồng ghép vào bài học bằng hình thức kể chuyện, tổ chức thành trò chơi hoặc bằng cách đặt câu hỏi mở để học sinh tập trung thảo luận tìm ra lời giải đáp.
Nói về việc triển khai tổ chức Liên hoan, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, tham gia Liên hoan là cả một sự cố gắng lớn đối với các em học sinh, trong đó có em Nguyễn Danh Khoa, lớp 10D6 - một học sinh khiếm thị của Nhà trường. Trân trọng sự sáng tạo của Ban tổ chức đã giúp kết nối các tài năng âm nhạc, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thanh cũng bày tỏ mong muốn hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các Nhà trường và tiếp thêm động lực cho học sinh trong học tập./.