Tạo sức bật phát triển du lịch làng nghề Thủ đô
Hà Nội đã xây dựng và tiến tới ban hành Nghị quyết phát triển khu thương mại và văn hóa. Dự thảo Nghị quyết này đang được Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân, tạo hành lang pháp lý quan trọng, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thương mại - văn hóa - du lịch, nhất là du lịch làng nghề Thủ đô có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024) do UBND Thành phố Hà Nội xây dựng, đã đề xuất thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa dựa trên các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ và điểm dân cư nông thôn hiện hữu. Mục tiêu là tận dụng lợi thế về vị trí thương mại và không gian văn hóa để phát triển các hoạt động kinh doanh, du lịch và sáng tạo văn hóa. Những khu vực này sẽ được đầu tư để bảo tồn ngành nghề truyền thống, phát huy di sản, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng.

Phát triển du lịch làng nghề là nội dung được Thành phố thúc đẩy thực hiện những năm qua nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô. Làng nghề của Hà Nội nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển du lịch làng nghề. Ngoài ra, sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm…
Nhiều làng nghề có bề dày truyền thống, sản phẩm thủ công tinh xảo của Hà Nội như làng nghề gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ, nghề nón lá làng Chuông, nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, mây tre đan Phú Vinh… đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thời gian qua. Các làng nghề truyền thống này đã được chính quyền Thành phố, Sở Du lịch và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, qua đó một mặt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, mặt khác nâng cao thu nhập cho nghệ nhân, người lao động của địa phương, đưa du lịch làng nghề nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm vừa qua, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội đã phối hợp UBND các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức hoàn thiện, công bố tuyến du lịch với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồn cội”; phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức công bố điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì gắn với nghề làm thuốc Nam của người Dao quần chẹt tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Các điểm đến này đã thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp vào bản đồ du lịch của Thành phố ngàn năm tuổi các tour, tuyến du lịch đặc sắc, hấp dẫn mà giá trị văn hóa làng nghề chính là điểm nhấn.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các điểm quảng bá sản phẩm, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã, tạo không gian để các nghệ nhân, thợ giỏi sáng tạo, trình diễn và quảng bá sản phẩm đến du khách và người tiêu dùng. Tính đến nay, Thành phố đã công nhận 10 mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã.
Phát huy giá trị văn hóa làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô là nội dung quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề. Các cấp, ngành Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng như rà soát, công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội với 175 di sản của các làng nghề truyền thống cần ưu tiên bảo vệ, gìn giữ. Công tác hỗ trợ tu bổ, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề được lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án. Hoạt động tôn tạo nhà thờ tổ nghề, các lễ hội nghề,… đã được địa phương, hiệp hội, và các làng nghề đầu tư triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, tạo dấu ấn đậm nét, những câu chuyện lịch sử làng nghề… thu hút khách du lịch.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, các chương trình du lịch làng nghề như tour “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” (huyện Thường Tín) không chỉ là dịp để các làng nghề quảng bá sản phẩm, mà còn là cơ hội để thắt chặt thêm tình đoàn kết, phát triển kinh tế bền vững dựa trên các giá trị văn hóa và nghệ thuật. Song vấn đề đặt ra với Hà Nội thời gian qua, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Một số nguyên nhân chính như công tác quy hoạch, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch làng nghề còn chậm. Thiếu hạ tầng đồng bộ phát triển du lịch làng nghề (không gian trưng bày sản phẩm, không gian nghỉ dưỡng, trải nghiệm,...); tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng báo động; thiếu đa dạng trong thiết kế sản phẩm du lịch của làng nghề; thiết kế mẫu mã bao bì chậm đổi mới, chưa thu hút khách du lịch. Nghiệp vụ du lịch tại các làng nghề còn thiếu (nghiệp vụ lễ tân đón khách; thuyết trình câu chuyện làng nghề, sản phẩm làng nghề…); việc kết nối giữa các làng nghề với các công ty, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được nhiều tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trong bối cảnh đó, UBND Thành phố xây dựng Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024) với những quy định cụ thể, rõ ràng, bao gồm “xây dựng và phát triển du lịch liên kết với các làng nghề, phố nghề và các điểm du lịch, khu du lịch khác” chính là cách để khơi dậy tiềm năng, tạo sức bật mới để làng nghề Thành phố phát triển du lịch.

Dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ huy động nguồn lực xã hội nhằm phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống Thủ đô.
Khi Hà Nội tạo được hành lang pháp lý, huy động được nhiều nguồn lực để “xây dựng và phát triển du lịch liên kết với các làng nghề, phố nghề và các điểm du lịch, khu du lịch khác”, thì du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Những yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề Hà Nội mà không có hoặc hiếm có địa phương nào ở nước ta có được./.