Theo tiếng gọi của cách mạng, năm 1945, Hoàng Hiệp, chàng thanh niên quê Chợ Mới, An Giang, tham gia vào Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, đoàn văn công và Phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam và bén duyên với một cô gái gốc Hà Nội tên là Diễm Lan, nhà ở phố Nguyễn Du, thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của Đoàn Kịch nói Trung ương. Trong thời gian 20 năm sống ở Hà Nội cho đến năm 1975, ông đã viết hơn 100 ca khúc, là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ.
Trong số đó, “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp là một tác phẩm xuất sắc về tình yêu Hà Nội, nơi nuôi dưỡng một phần tuổi trẻ và tình yêu của tác giả. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội. Năm 1983, sau 8 năm trở về miền Nam, sống xa Hà Nội, Hoàng Hiệp bỗng nhớ da diết những năm tháng sống ở Thủ đô, những kỷ niệm về tình yêu với người con gái Hà Nội, những hình ảnh bình dị mà hào hùng của người Hà Nội trong chiến tranh... Tất cả ùa về, hiển hiện trong tâm trí, khiến cảm xúc trong ông tự nhiên tuôn trào: “Nhớ những cơn mưa dài cuối đông, áo chăn chưa ấm thân mình/ Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung ngói tan gạch nát/ Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới/ Bài hát đôi ta là khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình, tràn niềm tin...”.
Về ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng chia sẻ: “Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng chủ nhật, bà ấy bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. Giữa tiếng đạn bom mà "em vẫn đạp xe ra phố"... Đó là mối tình của tôi với bà ấy”. Tình yêu Hà Nội hòa quyện trong tình yêu người con gái Hà thành của nhạc sĩ đã làm nên ca khúc hấp dẫn, làm lay động trái tim hàng triệu người.
Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Viếng Lăng Bác” và “Nhớ về Hà Nội”.