Văn học - Nghệ thuật

Nhà báo, thi sĩ Khánh Văn Trần Nhật Minh: Hơn bốn mươi năm yêu đời

Nguyễn Quang Hưng 08:45 09/04/2024

Mấy ngày này, tiếc nhớ một người thơ vừa nằm xuống, nhiều người thân, bạn bè của anh có dịp nghĩ nhiều hơn về sự nhiệt thành, hăng hái, sôi nổi trong đời sống, lối sống mà anh đã để lại dấu ấn với nhiều người. Từ đó, cũng để nghĩ thêm về cách mỗi người sống với cộng đồng, với tập thể, và những người khác ra sao.

Mới có một tập thơ đầu tay và đã thành duy nhất: “Khúc hát cánh đồng” (NXB Hội nhà văn, 2018) nhưng đã đủ tạo nên một không gian giàu mỹ cảm qua những tín hiệu được chọn lọc từ các dòng chảy văn hóa ở quê hương nơi sinh trưởng mà Trần Nhật Minh chính là người trải nghiệm, thấm đọng. Và cũng bởi là người trong cuộc, nên nhiều bài thơ, câu thơ đã được viết nên thật tự do, phóng khoáng, trôi chảy, nhiều khi rất… “bay”. Một mặt nào đó, đấy cũng là cách Minh chọn cho lối sống, cách đối nhân xử thế của mình.

nhat-minh.jpg
Nhà báo, thi sĩ Khánh Văn Trần Nhật Minh. Ảnh: Quang Hưng

Gia đình, họ mạc bên nhà Minh có theo đạo, đi lễ nhà thờ. Bản thân anh khi lớn lên tuy không còn ràng buộc nhiều nhưng niềm tôn kính vẫn thường trực để nuôi giữ tình cảm trước những biểu tượng và không gian tôn giáo, tín ngưỡng. Tuổi thơ Minh sống giữa làng Hoàng Xá, giữa thị trấn Vân Đình. Rộng hơn thế, trong cả một không gian nông thôn pha trộn đô thị nhỏ, nối tiếp ao chuôm, kênh mương với sông nhỏ êm dịu cùng những vùng xanh cây cối từ trong thôn xóm, quanh đình chùa ra đến phố trung tâm, và lan sang những xã, huyện lân cận vùng Thanh Oai, Mỹ Đức. Tâm hồn thơ trẻ và mãi mãi trẻ trung sớm thấm thía cả cái chất nghệ sĩ cũng như những tâm sự thời cuộc của bố và mẹ qua những năm tháng nhọc nhằn nghề diễn không gánh được gia đình. Gom thêm vào tâm hồn đa cảm là niềm yêu thích môn văn từ nhỏ và đam mê văn chương khi trưởng thành, cùng năng khiếu ca hát và sự hoạt bát trong đi, trong nghĩ, trong ứng đối, cư xử. Và không thể thiếu sự hăng hái, nhiệt tình trong tính cách mà hẳn đã có ảnh hưởng nhất định từ gia đình, trong đó có người bà làm nghề bốc thuốc, vẫn thường làm phúc cho người nghèo… Tất cả dựng nên cho Nhật Minh một nét tính cách rộng mở mà sâu lắng, phóng khoáng mà thân mật, phóng túng cùng với tha thiết, linh hoạt nhưng cũng nhiều suy tư.

yen-bai.jpg
Nhật Minh hát giao lưu tại cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái trong chương trình Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2. Ảnh: Quang Hưng

Ngẫm dông dài như vậy, chính là để quay lại với những bài thơ của Khánh Văn Trần Nhật Minh được anh viết trong nhiều năm, và nhận rõ đó chính là những bức tranh tâm hồn, con người tác giả trong đời thực như vừa kể trên.

Có thể cảm nhận những dấu hiệu của niềm tin, sự gắn bó mật thiết của Minh với quê nhà qua hình ảnh nhà thờ, những mương nước, đêm trăng, khung trời chiều, vẻ thoáng rộng hay không khí huyền ảo của không gian vào những thời điểm nào đó của mùa hạ, mùa thu, hơi rơm ẩm, khúc cong con đê… Anh viết trong bài “Ô cửa mưa”:

“Những giấc ngủ chập chờn kéo tôi về ô cửa mưa

Những giấc mưa lạnh tanh rơm mới

Đêm đêm trên từng bậu cửa

Hương mưa mùa chảy lan nơi hạt thóc nảy mầm

Có vẻ đẹp nào tôn nghiêm như giờ khắc tái sinh?...”.

Và trong bài “Sắc màu”:

“…Mượn mái nhà tạm để gặp lại bạn cũ

Những người bạn có đôi mắt sương đêm tan vào bình minh mùa xuân đang yêu

Có đôi tay cổng làng nâng mái nhà trên vòm mây tóc trắng

Có lời ca mưa nguồn gọi tên mùa vàng bội thu

Có trái tim bếp lửa tung nếp nhăn người cha ánh sáng!...”.

Thật thổn thức khi Nhật Minh viết cho con gái nhỏ:

Bố đi vớt cơn mưa cuối cánh đồng mùa cạn

Thương thửa ruộng vào ngày đông giá

Bẹ dứa dại tách xưa cũ làm hai

Một mảnh là trăng đêm trước

Mảnh này là của ban mai

Đàn châu chấu trốn chờ sương ngọt xuống

Lũ đòng đòng đợi nắng trổ bông

Hạt chắc gieo vào mắt mẹ

Hạt lép khô muối lưng trâu

Mơ cho con tuổi thơ

Còn cánh diều bay lên mây trắng

Sao chưa ngủ à ơi...”.

Nhưng Minh không chỉ có quê nhà và nỗi niềm gia đình. Con người mở của anh, và nghề báo với những tiếp xúc, gặp gỡ, quan sát, rong ruổi cho anh có những suy tưởng rộng và xa hơn về đời sống, con người, hành trình của sự sống. Và đâu đó, là cả cảm thức mơ hồ về cuộc đi đến sự tàn lụi, cùng cách mà chúng ta đón nhận nó. Như trong những câu thơ:

“…Tôi nhốt Ánh sáng và Bóng đêm vào nhau

Một tôi bao la cưỡi thuyền vượt sóng

Nở hoa trên thân xác

Trọn vẹn hai sắc màu…”.

Những câu thơ nhưng thế được Nhật Minh viết ra từ lâu, trong sức thanh xuân đang lên phơi phới. Có thể anh đã sớm nghĩ về giới hạn thời gian mỗi người. Có thể là những tưởng tượng khoáng đạt trong thăng hoa cảm xúc. Nhưng sự thoáng đãng và linh hoạt của những hình ảnh cho ta nghĩ được nhiều điều hơn.

Và những câu thơ mới gần đây thôi, trong những ngày thật buồn của Nhật Minh và gia đình, bạn bè, lặng lẽ lo sợ điều kinh khủng đang dần đến. Không muốn đón nhận nhưng cũng đầy dự cảm xót xa. Nhưng cũng xót đấy, mà vẫn có đợi chờ thiết tha những điều mới mẻ dâng lên:

“…Mẹ thường buồn

Khi những cánh hoa bùng nở

Lại là khi cánh thắm vội xa cành

Nhưng mẹ biết không

Đẹp làm sao!

Thời khắc lộng lẫy trên đài hoa… sắc nắng

Hàng ngàn ngàn cánh thắm

Nở bung đón mặt trời…

Cánh hoa chạm mặt đất

Trọn vẹn một cuộc đời

Tận hiến… rơi!!!

Và tháng 3… rồi cũng qua thôi

Những loài hoa sẽ theo mùa xuân đi mất

Chúng tái sinh… chờ mùa sau trở lại

Rực rỡ khoe mình…”.

Cũng từ thơ mà nghĩ thêm về sự hiện diện của Nhật Minh giữa rất nhiều, trong rất nhiều bạn bè từ bạn “phó thường dân” đến bằng hữu văn chương thân mến, mà trong đó không chỉ cùng thế hệ, nhiều người đã ở lứa trước. Trong đan xen, phong phú rất nhiều tính nết, thói quen, phong cách ấy của văn nhân, thi sĩ, thầy giáo, chuyên gia, nhà nghiên cứu, phê bình, cả nhạc sĩ, họa sĩ và đương nhiên là nhiều nhà báo nữa, cùng đâu đó doanh nhân, đâu đó nhà quản lý, kỹ sư, cán bộ hay nhân viên…, Trần Nhật Minh xuất hiện như một mồi lửa.

san-tho(1).jpg
Khánh Văn Trần Nhật Minh trình diễn tại sân thơ Trẻ Ngày thơ Việt Nam 2010. Ảnh: Quang Hưng

Anh thường đến với mọi người, khoác theo cây đàn ghi ta, cất lên một câu hát, mời người này nhập cuộc, đệm cho người kia, thoắt từ đơn ca, kéo thêm một giọng song ca, rồi đẩy hào hứng của cả một nhóm lên tốp ca… Nhật Minh cứ tự là người hát, người dẫn, người kết nối cho những cuộc vui văn nghệ nho nhỏ đây đó, thường xuyên của bạn bè như thế. Có lúc phấn khích, lại có khi nào đó trầm lắng, mênh mang. Và đã hát thì “hát giữa mọi người không ngại ngần”. Trong cuộc sinh nhật, ở đám cưới, hay phòng riêng nhà hàng hoặc góc quán nhỏ thì hẳn rồi. Nhưng thật nhiều khi, vui giữa quán đông, quán nhậu vỉa hè, cũng thật thoải mái. Rồi có khi lại nhận được những tràng vỗ tay, và những người không quen, chưa quen sang chạm cốc. Khoảng hai chục năm trước, khi bước đầu đi làm báo, qua những môi trường làm việc khác nhau, đi nhiều, làm nhiều, quảng giao, lắm bạn, cho đến mấy năm trước khi chưa yếu đi vì bệnh trọng, Nhật Minh cơ bản vẫn là như vậy. Gặp nhạc sĩ Đăng Nước, thể nào cũng phải cùng nhau bài “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Với nhà thơ Hồng Thanh Quang, không khi nào Minh quên bài “Khúc mùa thu”, nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ anh Quang. Những năm trước, khi còn làm ở báo Phụ nữ Thủ đô cùng nhà thơ Giáng Vân, và sau này vẫn vậy, Nhật Minh rất thích cùng bạn bè hát bài “Đâu phải bởi mùa thu”, thơ Giáng Vân, nhạc Phú Quang… Và bao nhiêu khúc ca khác nữa, những nhạc phẩm từ thời Tân nhạc, các bài nhạc trẻ Phú Quang, Trần Tiến, ca khúc Trịnh Công Sơn…, cùng những bài hát do người cha tài hoa của Minh sáng tác, anh thường cất lên thiết tha như kể niềm suy tư của mình, như hát thay cha đã từ lâu vắng bóng.

Bây giờ thì Nhật Minh sẽ mang những bài hát trở lại đồng đất quê hương với cha mình. Và trong vùng không gian hư ảo, quện mờ khói sương ven sông Đáy, sông Nhuệ chảy qua thị trấn Vân Đình, người cha sẽ nhận ra từ xa, tiếng hát của con mình. Tiếng hát đã càng sâu hơn, buồn thương và rắn rỏi hơn qua hơn bốn mươi năm sống và yêu thương, sẻ chia nồng nhiệt với mọi người, thiết tha với cuộc sống./.

Nhà báo, thi sĩnh Khánh Văn Trần Nhật Minh sinh năm 1981 tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội. Anh từng làm báo Khoa học phổ thông, Phụ nữ Thủ đô, kênh truyền hình VTC… Nghề báo với những chặng đường dài cùng tình yêu ca hát và tình cảm nồng nhiệt với cuộc đời đã truyền vào Minh năng lượng sống mê say cho những câu thơ khoáng đạt. Nhật Minh viết tự do, phóng túng trong suy tưởng và câu chữ, thắm thiết và sâu nặng trong tình cảm, gửi trao. Sinh ngày 1-5-1981, ngày 7-4 vừa qua, Khánh Văn Trần Nhật Minh đã không đợi được đến sinh nhật năm nay của mình.

Người Hà Nội xin giới thiệu chùm thơ của Khánh Văn Trần Nhật Minh.

Ô cửa mưa

Những giấc ngủ chập chờn kéo tôi về ô cửa mưa

Những giấc mưa lạnh tanh rơm mới

Đêm đêm trên từng bậu cửa

Hương mưa mùa chảy lan nơi hạt thóc nảy mầm

Có vẻ đẹp nào tôn nghiêm như giờ khắc tái sinh?

Khẽ cựa mình ánh mắt giọt sương

Ngọn mây đi về hai chiều sáng tối

Ai mải mê chạy trên lối quen ruỗng nát

Ai đang lặng im đếm từng bước chân cũ kỹ của mình…?

Dải ánh sáng vẽ nụ cười chiều tà

Mùa xuân lạ lùng gương mặt lá cắt

Cứ đi như thế… cứ đi như chưa từng trở về

Đi như thể xa hơn xác thân này đơn độc…

Và ai đó sẽ đem mưa tới

Trong len lỏi rơm thơm

Ánh sáng

Tấm khăn choàng của ánh sáng đã rớt

Gương mặt cũ hiện về ngời rạng

Em trở lại trinh nguyên sắc hoa chiều cuối hạ

Những cơn gió tóc xanh âm yếm trên thềm lá

Bài hát được viết từ tiếng trẻ nô đùa ngời lên đôi mắt trong

Người con gái của mặt trời cất tiếng gọi

Có phải em đêm nào dệt ánh trăng ngấn lệ?

Có phải em đềm nào trải sao trời làm thảm ngân hà?

Màu chiều nay cứ ngợp đầy…

Mà chiều nay cứ lặng thinh…

Tấm khăn choàng hoàng hôn in sâu ánh trước cánh diều…

Nỗi buồn là đứa trẻ bất lực nhìn cánh diều đang căng gió

Hàng nghìn nụ hoa hân hoan nở bừng lên rực rỡ

Ai đã mang em đến mảnh đất này như một hiến dâng?

Mặt trời bay lên…

Dàn đồng ca của những tâm hồn!

Sắc màu

Tặng họa sĩ Đào Hải Phong

Những mái nhà lá trở giấc đêm qua

Trên con đường lá mục

Bước chân rón rén giấc mơ màu sắc nhảy múa và hát ca

Gọi tên mặt trời…

Mượn mái nhà tạm để gặp lại bạn cũ

Những người bạn có đôi mắt sương đêm tan vào bình minh mùa xuân đang yêu

Có đôi tay cổng làng nâng mái nhà trên vòm mây tóc trắng

Có lời ca mưa nguồn gọi tên mùa vàng bội thu

Có trái tim bếp lửa tung nếp nhăn người cha ánh sáng!

Những mái nhà của ký ức

Đã thức giấc rủ nhau trở về

Không còn bắt gặp lênh lang mương nước

Chứa chan mặt rêu chân trời

Không còn gặp im lìm góc tối

Cất giấu lời cầu xin màn đêm…

Chì còn thấy cuộc giao hoan sắc màu

Chỉ còn nghe bản hòa ca ánh sáng

Trên cao và sâu hơn tiếng chim ngủ nơi hốc tre

Ký ức đã có mái nhà để được trở về

Quê…

Đợi vàng lúa mới hong khô

Mùa tan trong hạ sen hồ chớm bông

Cò bay đến rạc cánh đồng

Hoàng hôn buông giữa trống không khoảng trời

Trăng tàn vào tiếng ầu ơi

Rằm suông cả một cuộc người nhạt tênh

Chèo xuôi mái nước bồng bênh

Sông buồn ngoặt khúc lênh đênh đổi dòng

Giấu vào hạt nước thật trong

Nghe mằn mặn nỗi nhớ mong… quê nhà!!!

Hãy nâng...

Xin hãy nâng chiếc lá lên cao hơn vòm cây xanh

Để cùng khe khẽ nghe lời ca ánh nắng

Kể về con đường nơi bánh xe qua

Kẽo kẹt vai gầy mây trắng!

Xin hãy nâng tiếng suối

Đang chảy tràn trên cánh đồng lá mục

Gắng tỏ bày...

cho những mát lành...

Chiếc lá đã đi qua làm bạn ngàn cơn gió

Tiếng suối reo vui từng gặp đá tự tình

Dòng nước nâng cơn say màn đêm

Cơn gió nâng tiếng chao nghiêng chiếc lá.

Sự lặng im...

Nâng chúng ta!!

Hãy nâng tâm hồn nhau!

Cùng những gì... đã qua!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Lễ xuất quân hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên” của các văn nghệ sĩ
    Sáng 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ xuất quân đưa các văn nghệ sĩ hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/4/2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
  • Xúc động chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua những bức thư
    “Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ khi đọc cuốn sách sẽ tin rằng tình yêu có thật” - Đó là chia sẻ của tác giả Hoàng Nam Tiến tại buổi ra mắt sách “Thư cho em” do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiều 13/4.
  • “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên” cùng các văn nghệ sĩ
    Sáng 6/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Chương trình hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
  • Phát động Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng và Sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng và Sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” là dịp để Hà Nội tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao về Thủ đô. Từ đó, lan tỏa nét đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố Anh hùng, thành phố vì hòa bình và những thành tựu kinh tế, xã hội của Hà Nội sau 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Giao lưu Ban Nhà văn trẻ, tác giả trẻ tại thành phố cảng
    Trong hai ngày 30 và 31/3, đoàn công tác của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam với sự góp mặt của một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân, tạp chí Văn nghệ quân đội… và đại diện Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội đã có chuyến thực tế, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp tại Hải Phòng. Cùng tổ chức và triển khai hoạt động, có Ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Hải Phòng với nhiều cây bút trẻ đang sinh sống, làm việc tại thành phố hoa phượng đỏ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo, thi sĩ Khánh Văn Trần Nhật Minh: Hơn bốn mươi năm yêu đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO