Nguyễn Nhược Pháp: “Ngày xưa”

Vũ Quần Phương| 19/08/2019 07:04

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 tại Hà Nội. Ông là con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông học luật. Có thơ đăng báo từ năm 18 tuổi. Tập thơ đầu tay Ngày xưa xuất bản lúc tác giả 20 tuổi đã xếp Nguyễn Nhược Pháp vào hàng những nhà thơ nổi tiếng khi ấy. Ngoài thơ, ông còn viết truyện ngắn, soạn kịch và viết phê bình.

Nguyễn Nhược Pháp: “Ngày xưa”

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 tại Hà Nội. Ông là con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông học  luật. Có thơ đăng báo từ năm 18 tuổi. Tập thơ đầu tay Ngày xưa xuất bản lúc tác giả 20 tuổi đã xếp Nguyễn Nhược Pháp vào hàng những nhà thơ nổi tiếng khi ấy. Ngoài thơ, ông còn viết truyện ngắn, soạn kịch và viết phê bình. Lĩnh vực nào cũng có nét riêng hứa hẹn. Riêng thơ, đã sớm được khẳng định. Rất tiếc, đời thơ Nguyễn Nhược Pháp quá ngắn, ông mất vì bệnh lao ở Hà Nội ngày 19/12/1938, giữa tuổi đời 24, chưa vợ con.

Tập Ngày xưa chỉ vẻn vẹn có mười bài thơ. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, phải kêu lên: “Thơ in ra rất ít mà được người ta yêu mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Đến nay gần một thế kỷ đã chất chồng trên những trang thơ mỏng manh ấy mà lòng xúc động của bạn đọc vẫn tươi nguyên. Có gì lạ trong những nét thơ mảnh dẻ mềm mại ấy? Có gì mê hoặc trong cái hồn thơ lặng lẽ và hóm hỉnh ấy?

Đúng như tên của tập: Ngày xưa. Những bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp toàn nói chuyện ngày xưa. Xưa trong cổ tích (Sơn Tinh - Thủy tinh), trong dã sử (Mị Châu - Trọng Thủy), trong lịch sử (Nguyễn Thị Kim...), trong đời sống (Chùa Hương, Đi cống…). Tác giả gợi lại nét đẹp xưa của cảnh và người. Hoài cổ nhưng không xa vắng, tưởng nhớ nhưng không buồn thương. Tác giả cho ta hưởng lại những ý vị của thời xưa trong cái nhìn yêu đời, trong sáng, đầy ngộ nghĩnh của người bấy giờ.

Bài thơ Sơn Tinh - Thủy Tinh kể lại câu chuyện cổ. Cái cốt truyện mượn trong cổ tích. Nhưng những chi tiết nửa thực nửa ảo, vừa có lí vừa vô lí, vừa nghiêm túc vừa buồn cười là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Nhược Pháp. Nhất là cái giọng kể. Đọc Nguyễn Nhược Pháp nên lưu ý cái giọng thơ. Còn nhiều bí ẩn trong cái giọng ấy lắm. Nó rất biến hóa, lúc là kể, lúc là cảm - nhiều khi nó là tất cả, trang trọng đấy mà cũng hài hước đấy, lôi cuốn một cách mê hoặc. Xét ngẫu nhiên một đoạn, như đoạn tả Mị Nương: 

Mị Nương xinh như tiên trên trần 
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá 
Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân

Toàn những câu thơ giản dị, chi tiết thực lắm, thực hơn Nguyễn Du tả Kiều mà lại rất gợi, rất ảo, đúng là đẹp như tiên (!) Những ý xen vào: “Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ”, ấy là thói mê gái thời Hùng Vương đã được hiện đại hóa rất tinh và rất hóm. Hóm ở chỗ ông diễu cái bệnh sính thơ “ái tình" của người thời ông, diễu rất nhẹ nhàng, phảng phất trong mấy chữ bao nhiêu người làm thơ là một nụ cười độ lượng. Trong thơ ta, hình như cũng chỉ Nguyễn Nhược Pháp mới có nụ cười trào phúng không mất lòng ai ấy.

Một nhà thơ cùng thời với Nguyễn Nhược Pháp cũng hay quay về đề tài “ngày xưa” là Phạm Huy Thông. Nhưng hai người hai bút pháp trái nhau và đều có tài năng. Phạm Huy Thông hùng tráng, kỳ vĩ, anh hùng ca. Nguyễn Nhược Pháp dịu dàng, tinh tế, trữ tình, nội tâm rất giàu nhưng ít nói, có nói cũng nhỏ nhẹ. Cái nhìn hồn nhiên tươi tắn nhưng cách cảm cách nghĩ vẫn thấu đáo nhân tình, thâm thúy, lúc nào cũng như giấu một nụ cười cảm thông lặng lẽ với mọi chuyện của cõi người (và cả cõi thần). Thế giới thơ của Nguyễn Nhược Pháp là thế giới của đời thường, người thường, tính nhân bản chân thật nên hóa sâu sắc. Không một tính cách nào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp bị mất đi bản tính thực của mình. Đến vua nghĩ chuyện nhân duyên cho con mà cũng: “Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước” và băn khoăn:

Nhưng có một nàng mà hai rể 
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều

Thú vị của câu thơ là ở chữ “hơi nhiều”. Cách dẫn lễ của chàng rể hụt Thủy Tinh hoàn toàn trong tưởng tượng nhưng miêu tả rất sống, vừa đọc lên đã hiện ra trước mắt. Đoàn rước quy mô mà cái thất bại đã thấy rồi:

Theo sau cua đỏ và tôm cá 
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai.
Khập khiễng bò lê trên đất lạ
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai
Nguyễn Nhược Pháp giỏi dùng chi tiết lắm. Cái oai của Sơn Tinh:

Tay ghì cương hổ, tay cầm lau
Phải có oai thần nên điều khiển hổ dữ chỉ cần một nhành lau. Nếu tay ghì cương hổ, tay cầm côn, bức tranh vẫn hùng dũng nhưng cái oai không còn. Tính cách Mỵ nương hiền dịu, rất phụ nữ Việt Nam mình, thương cha, thương nước, chỉ trong một lời than ngoái lại lúc ra đi: Phụ vương ơi! Phong Châu!

Bài thơ Chùa Hương tả tình, tả cảnh, tả diễn biến tâm trạng cũng tài hoa, nhiều khám phá. Bài thơ đầy tính kịch  và cũng đầy tính thơ mộng. Bài thơ này cùng với Sơn Tinh - Thủy Tinh là hai bài hay nhất của Nguyễn Nhược Pháp và cũng là hai bài góp vào phần tự hào của một giai đoạn văn chương. Chùa Hương có nhiều “xen” tâm lí rất hay của một cô gái mới lớn, lần đầu đến với tình yêu trong khung cảnh kì ảo của đất Phật. Cái tài quan sát lòng người của nhà thơ trẻ này có đầy đủ độ lịch lãm của một cây bút tiểu thuyết, vừa xúc động, vừa vui đùa, tiến lui tung hứng rất khéo léo. Năng khiếu quan sát tâm lý, nắm bắt các biểu hiện phong phú của tâm lý trong từng loại nhân vật, từng loại tính cách đã được ông vận dụng nhiều trong các vở kịch. Kịch, với Nguyễn Nhược Pháp mới là sự bắt đầu. Ông chưa có các vở lớn mang tầm vóc khái quát xã hội. Nhưng lại có ý nghĩa giới thiệu một khuynh hướng kịch nội tâm. Nút thắt nút mở đều nằm trong diễn biến tâm lý nhân vật.  Trở lại với bài thơ Chùa Hương, không gian tâm linh Phật giáo hay thắng cảnh Hương Sơn chỉ là bình diện thứ hai của bài thơ, chỉ như một tấm phông chấm phá làm nền cho diễn biến tâm lý cô bé mới lớn, lần đầu ý thức được sự tồn tại của chính mình và “người ta”. Cô thẹn thùng ngay với cả sự phát hiện ấy. Vừa muốn phô ra lại vừa muốn giấu đi. Mọi thứ xung quanh cô đều như lần đầu xuất hiện. Cô thán phục, cô kinh ngạc nhưng lại thích nương tựa vào những triết lý sự đời quen dùng của thiên hạ để cũng nhận xét, cũng kết luận cho ra dáng người từng trải. Nghe rất “bà cụ non" kiểu như: Mơ xa lại nghĩ gần/ Đời mấy kẻ tri âm. Cô thích thú, reo như trẻ con khi trông thấy khỉ: Bao nhiêu là khỉ ngồi, khi nhận ra dáng núi con voi: Có đủ cả đầu đuôi. Nhưng khi biết chú chàng kia đang đi đằng sau mình thì cô “ý thức" và đã nói ra thành lời cái ý thức ấy. 

Em không dám đi mau 
Ngại chàng chê hấp tấp 
Số gian nan không giàu. 

Ý vị thơ của Nguyễn Nhược Pháp là ở những chỗ ấy. Bài thơ hết rồi mà ý vị còn tràn sang cả câu chú thích: “Thiên kí sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”. Nội câu chú thích ấy cũng đủ hé cho ta thấy cái tạng cảm xúc của Nguyễn Nhược Pháp: Duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc.

Nguyễn Nhược Pháp có biệt tài tạo thần thái cho cảnh vật. Ông tả bằng cảm giác, bằng tưởng tượng, giống như trường phái tượng trưng trong hội họa, nên rất giàu sức gợi. Vài nét là đủ dựng lên cái hồn của phong cảnh, tác động vào nhiều giác quan. Cảnh ma quái của giếng Trọng Thủy: gợi từ hình ảnh, từ âm thanh và cả từ âm điệu của câu thơ:

Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe 
Cú rúc. Đàn rơi bay tứ bề
Răng rắc kêu như tiếng xương đập
Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre
Chưa cần xét đến tình, ý, tư tưởng, sự nắm bắt và tái tạo thiên nhiên ấy chính là dấu hiệu của một năng khiếu thơ ở Nguyễn Nhược Pháp. Có lẽ chính vì vậy mà chỉ mười bài thơ, quá ít ỏi đối với một đời thơ, Nguyễn Nhược Pháp vẫn đủ để ở lại với nền thơ Việt Nam. 
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Nhược Pháp: “Ngày xưa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO