Nguy cơ chất lượng đào tạo đại học chậm tiến

An Như/Nhandan| 13/05/2019 15:41

Việc thành lập các trường đại học một cách ồ ạt rồi lại sáp nhập, giải thể đang khiến cho chất lượng đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam có nguy cơ chậm tiến trong hệ thống giáo dục. Trong khi đây lại là điểm mấu chốt quyết định nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia..

Nguy cơ chất lượng đào tạo đại học chậm tiến
Một số trường ĐH chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Ảnh: HẢI NAM

Mất cân đối nguồn nhân lực

Năm 2018, tình hình khó khăn trong tuyển sinh đối với nhóm các trường đại học (ĐH) top dưới và khối sư phạm đã được dự báo trước. Với việc bỏ điểm sàn, để các trường tự chủ phương án tuyển sinh, nhiều sinh viên không cần lấy điểm THPT quốc gia vẫn có thể trúng tuyển ĐH qua hình thức xét học bạ THPT. Câu chuyện trúng tuyển ĐH không còn “nóng” như những năm trước, trừ một số trường top đầu. Tình trạng người người, nhà nhà trúng tuyển ĐH không còn lạ lẫm và kèm theo đó là cảnh báo về chất lượng đầu ra, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều.

Theo ông Từ Quang Hiển, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, nước ta có 300 trường ĐH sau một thời gian bùng nổ về mặt số lượng. Nguyên nhân sâu xa của việc thành lập ồ ạt các trường ĐH là nhằm đạt được mục tiêu 200 sinh viên/ vạn dân. Ông Từ Quang Hiển cho biết và chỉ rõ, việc thành lập ồ ạt nhiều trường trong một thời gian ngắn, bỏ qua tính kế hoạch và cơ sở khoa học, thực tiễn của việc thành lập trường đã dẫn đến nhiều bất cập. Thiếu giảng viên giỏi, chất lượng đầu vào thấp, vì trước đây 100 học sinh tốt nghiệp THPT chỉ tuyển chọn 25-30 em có học lực khá, giỏi vào ĐH, ngày nay 100 em có tới 70-80 em được mời vào ĐH (khoảng một nửa số này có học lực trung bình hoặc dưới trung bình). Nhìn một cách tổng quát, để đạt được mục tiêu 200 sinh viên/vạn dân thì số lượng sinh viên của cả nước sẽ là 1,9 triệu, trung bình mỗi sinh viên học bốn năm thì tuyển sinh hằng năm sẽ là 475.000 em.

Trong thực tế, các năm 2015, 2016 và 2017, bình quân mỗi năm chỉ có 867.000 học sinh học hết lớp 12, trong đó chỉ có 600.000 em đăng ký dự thi tốt nghiệp với hai mục đích (xét tốt nghiệp và xét vào ĐH). Nếu mỗi năm tuyển 475.000 sinh viên thì tỷ lệ tuyển chọn hằng năm sẽ là 79% (475.000/600.000). Nếu mỗi trường ĐH tuyển 2.000 sinh viên/năm thì không cần phải tổ chức thi tuyển ĐH (300 trường x 2.000 sinh viên/năm = 600.000 sinh viên/năm). Đáng chú ý, việc thành lập các trường ĐH mới chủ yếu tập trung vào các ngành học cần đầu tư thấp dẫn đến mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực và lãng phí kinh phí đào tạo.

Còn coi nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng

Theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, những năm qua, đào tạo ĐH tăng khá mạnh về quy mô, số lượng dẫn đến chất lượng còn nhiều bất cập, dư luận xã hội phê phán nhiều. Nguyên nhân được chỉ ra: Chưa làm chủ được công nghệ, kỹ năng chuyên nghiệp yếu, thiếu tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm yếu, chưa thâm nhập được vào công việc, năng suất lao động thấp, quan cách trong phục vụ, thụ động trong công việc… Chất lượng đào tạo kém do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể: Năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành giáo dục cấp vĩ mô và vi mô.

Thí dụ: Một đề án sáu năm để phát triển giáo dục ĐH được đầu tư 115 triệu USD (trong đó vay của World Bank (WB) 85 triệu USD), mới thực hiện được vài năm đã bị WB tạm đình chỉ vì quản lý không hiệu quả… Trình độ chuyên nghiệp của cán bộ trong bộ máy quản lý cấp cao còn hạn chế, trong khi đó tổ chức bộ máy cồng kềnh với nhiều vụ, viện, biên chế lớn mà năng suất, hiệu quả công việc lại thấp.

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang, tình trạng sa sút của giáo dục ĐH có một phần trách nhiệm rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường ĐH, đặc biệt các trường công lập.

Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường ĐH chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường công đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao.

Ngoài ra, chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH cũng chưa được xây dựng công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Thông thường, xây dựng chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp… Nhiều trường ĐH sử dụng chương trình còn sao chép của các trường khác, sau đó cắt bớt tỷ lệ % số tiết theo chủ quan của người xây dựng.

Cũng theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang, trong nhiều năm qua, số lượng sinh viên ĐH chính quy của các trường ĐH tăng mạnh, trong khi số lượng giảng viên tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Có một số giảng viên còn hạn chế về kỹ năng thực tiễn và lĩnh vực học thuật chuyên môn. Yếu kém này cũng do nhiều nguyên nhân, như khâu tuyển chọn ban đầu chưa kỹ, quá trình đào tạo, sàng lọc ở cấp bộ môn chưa thật sự nghiêm túc…

Do nhiều hạn chế trong công tác đào tạo, tuyển sinh, sinh viên hiện nay kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Chất lượng của sinh viên có thể chia thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ hai khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ ba khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học.

Thế nhưng kết quả cấp bằng ở một số ngành đưa ra con số đáng kinh ngạc, khoảng 70% bằng giỏi, điều này không những phản ánh không thật về chất lượng đào tạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường.

Đẩy nhanh sáp nhập hoặc giải thể

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2013-2017, ngân sách nhà nước đã chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục ĐH. Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ Tài chính đề nghị, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở GD&ĐT hoạt động không hiệu quả.

Đặc biệt, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có trường ĐH và cần sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Việc sắp xếp lại sẽ tránh được lãng phí trong chi ngân sách cho những cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm.

GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra con số thống kê: Hiện nay, Việt Nam có hơn 100 trường có đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, có 14 ĐH sư phạm, 33 cao đẳng và hai trung cấp sư phạm. Hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập. Tuy nhiên, không ít trường sư phạm ở địa phương đang gặp khó vì không tuyển được sinh viên.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, GS, TS Nguyễn Văn Minh đưa ra kiến nghị cần quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng rà soát, sắp xếp lại để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín. Còn các trường cao đẳng sẽ chuyển thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng giáo viên ở địa phương. Chính vì vậy, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm là rất cấp bách nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước trong thời kỳ mới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng các trường ĐH kém hiệu quả, không tuyển sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ GD&ĐT đã giám sát và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới, các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.

Trong khi Bộ GD&ĐT vẫn đang loay hoay với chủ trương này thì trên thực tế, vấn đề sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã được Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện từ hai năm nay và đang đem lại kết quả khả quan.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Tọa đàm khoa học: “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”
    Toạ đàm là một trong những hoạt động bên lề nhân chuyến công tác của Lãnh đạo Thành ủy- UBND Thành phố Hà Nội thăm Thành phố Bắc Kinh (tháng 5/2024) và thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Thành phố.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ chất lượng đào tạo đại học chậm tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO