Y tế - Giáo dục

Người giáo viên trong trái tim tôi

Nguyễn Trâm Anh (học sinh lớp 7E trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội) 17:28 02/11/2024

Trong căn phòng nhốn nháo những tiếng cười đùa, khóc lóc của các bạn học sinh lớp 1, một cô giáo với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười rạng rỡ và mái tóc ngắn ép sát đầu, thật ra là bộ tóc giả mà cô khéo léo đội lên mỗi ngày. Căn bệnh ung thư đã lấy đi mái tóc thật của cô nhưng nó không thể dập tắt được ngọn lửa trong con người ấy.

Cô vẫn thế, vẫn chiếc áo sơ mi quen thuộc, đôi giày bệt đã mòn đế, trên môi nở nụ cười tươi tắn, ánh mắt sáng dịu hiền, chưa một lần vắng mặt. Cô cất giọng vang lên, rộn ràng như thể cuộc sống này chưa từng có một ngày nặng nề nào với cô vậy. Sự tích cực và nhiệt huyết của cô khiến tôi phải nể phục, như một biểu tượng của sự bền bỉ và yêu đời. Thật may mắn khi được giáo dục bởi những nhà giáo tâm huyết như vậy, để hôm nay tôi có dịp trải lòng về người “lái đò” mang tên Nguyễn Thu Kiều Trang, giáo viên trường Tiểu học CLC Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Nhờ cô, tôi đã học được rằng: “Dù gió có nổi bao nhiêu lần, chỉ cần ngọn lửa trong tim còn cháy, ta vẫn có thể soi sáng chính mình và cả những người quanh ta”.

1111.jpg
Cô giáo Nguyễn Thu Kiều Trang, giáo viên trường Tiểu học CLC Tràng An, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lật lại từng trang của cuốn sổ ký ức, bóng dáng cô hiện ra rõ mồn một. Mỗi trang vở gắn với những kỉ niệm của những người thắp lửa trong hành trình tri thức, nhưng tôi vẫn mãi vương vấn với trang vở đầu tiên, là lúc tôi mới chập chững bước vào lớp 1.

Trang vở hiện lên một cô bé 6 tuổi với mái tóc xoăn xù, bụ bẫm, còn ngây ngô và rụt rè bởi ít phút nữa thôi, cô bé sẽ phải rời xa vòng tay của cha mẹ, và làm quen với những người bạn mới, nơi mà cô bé năm ấy chưa từng được đặt chân đến. Trên tay là chiếc biển lớp xinh xắn, đồng hành cùng tôi lúc ấy chính là vòng tay nhẹ nhàng đang cố gắng xua tan đi sự lo lắng của cô dành cho bạn lớp trưởng nhỏ. Và đó cũng chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về một người “truyền lửa” tuyệt vời. Cô giáo như một người mẹ hiền đã xoa dịu đi bóng ma trong tâm lí bằng những lời động viên xuất phát từ trái tim.

Chuyển cảnh đến những buổi học tiếp theo, hôm đó là buổi tập viết chữ cái và đánh vần, bóng hình cô Kiều Trang nghiêng nghiêng dưới ánh nắng trong trẻo của buổi sớm mai. Tiếng sột soạt của phấn hòa cùng âm thanh giở sách, bút và giọng nói đầy ấm áp của cô. Thỉnh thoảng, cô lại cầm tay chúng tôi để sửa từng nét chữ, di chuyển từ bàn này sang bàn khác. Những nét chữ đầu tiên còn nguệch ngoạc, vụng về nhưng ai nấy đều niềm nở háo hức khi được khám phá những chân trời mới. Ngoài kia, những chú chim nhỏ cất lên tiếng hót trong trẻo như một lời cổ vũ các bạn nhỏ cố gắng học tập thật tốt. Tôi của hôm đó, chữ xấu như gà bới lại còn viết chậm. Nhưng cô vẫn không trách móc mà nhẹ nhàng động viên thậm chí còn dành 30 phút để nói chuyện với tôi sau khi lớp học kết thúc. Tôi vui lắm! Vì tôi cứ sợ sẽ bị mắng, bởi đâu ai biết được chỉ một lời nói cũng khiến những đứa trẻ mong manh như chúng tôi chực chờ tuôn nước mắt nức nở.

1112.jpg
Cô giáo Nguyễn Thu Kiều Trang chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh.

Thế nhưng hai năm sau đó, khi chúng tôi lên lớp 3, tôi hay tin cô giáo phải đối mặt với căn bệnh ung thư, đang chiến đấu với bệnh tật để giành lại sự sống. Nếu trang vở thứ nhất là những kỷ niệm đẹp đẽ, những tiếng cười hồn nhiên bao nhiêu thì trang vở thứ ba lại buồn bấy nhiêu. Vẫn như mọi khi, hôm đó, tôi và một người bạn thân nữa xuống thăm cô để khoe những thành tích ngọt ngào thì không thấy cô ở lớp . Tôi khá buồn vì không được gặp và tâm sự chuyện thường ngày cùng cô. Về tới nhà, tôi mới hay tin từ mẹ tôi rằng cô bị bệnh. Sốc, bàng hoàng và không tin nổi những điều mình đã nghe!. Người tôi cứng đờ, trên tay nắm chặt tờ giấy khen vẫn chưa kịp khoe với cô. Tại sao một người giáo viên tốt bụng lại phải chịu đựng những đau đớn này? - Tôi tự hỏi.

Còn nhớ năm ấy lớp tôi có một bạn bị mắc bệnh tự kỉ, không giao tiếp với mọi người mà chỉ chăm chú nhìn ra cửa sổ và khóc lóc. Cô lúc ấy cũng bất lực và bối rối. Nhưng khi hiểu được tình trạng của bạn, cô đã kèm cặp, động viên và kêu gọi các bạn đối xử với Tuệ Minh nhẹ nhàng hơn. Dần dần, bằng tình yêu thương vô bờ bến, bằng những lời tâm sự, bằng sự quan tâm chân thành, tình trạng của bạn đã dần tốt lên. Cô luôn vậy, luôn khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi từng chút một. Ngoài giờ học, cô còn thả mình trong những hoạt động vui chơi giải trí cùng học trò. Nhìn vào không ai nghĩ cô đã ngoài 50. Tình cảm cô trò dần dần gắn kết, trở thành một mảnh ghép kí ức đẹp đẽ của lớp 1A.

Từ ngày ấy, nỗi buồn cứ vương lại trong tôi, như một trang vở dang dở chưa biết sẽ viết tiếp ra sao. Tôi vẫn luôn mong một phép màu xảy ra và cô sẽ quay trở lại dạy dỗ những thế hệ học sinh tiếp theo. Nhưng cuộc chiến ung thư không bao giờ dễ dàng.

Tôi nghe mẹ kể về hành trình gian nan mà cô phải trải qua. Bệnh viện giờ đây là nhà, là lớp học mới của cô, nơi mà cô phải học cách chịu đựng và chiến đầu từng ngày. Những đợt hóa trị khắc nghiệt, những lần rụng từng mảng tóc, những lần hi vọng không thành khi ca mổ lại tiếp tục thất bại. Thậm chí, đôi lần tôi còn thấy cô nhíu mày vì những cơn đau đớn hay những lần yếu ớt thều thào không đủ sức vì khó khăn trong ăn uống. Nhưng mỗi lần ai đó đến thăm, cô vẫn cố nở nụ cười thật tươi và nói với mọi người rằng “tôi vẫn rất khỏe” dù trong mắt đã ánh lên những mệt mỏi. Đấy là lúc tôi sợ rằng tôi sẽ không bao giờ được gặp cô nữa!

Cuối cùng, có thể do may mắn hoặc “ông trời” không muốn tước đi một người tốt như cô, sau hai lần mổ và những lần hóa trị, cô đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Không hiểu sao lòng tôi vui như mùa xuân tới, khi mỗi lần nhìn thấy cô rảo bước trên sân trường hay lúc nhìn qua cửa sổ lớp hình ảnh cô đứng trên bảng đen, tay cầm viên phấn, vẽ nên những nét chữ khiến tôi lại nhớ về bài học ngày xưa của cô bé chữ viết còn nguệch ngoạc.

Giờ đây, tôi đã bước sang trang vở thứ bảy, rời xa ngôi trường tiểu học thân yêu nơi mà tôi vẫn luôn chờ đợi nhìn thấy bóng lưng quen thuộc. Dù không còn được trực tiếp ngắm nhìn cô giảng bài, nhưng tôi vẫn luôn thường xuyên tới thăm cô và trò chuyện về cuộc sống gần đây của mình với cô. Từ những việc học tập đến những vấn đề của cuộc sống. Nhiều khi tôi còn kể những câu chuyện mà bố mẹ tôi còn không được biết. Với tôi, cô luôn có một đặc quyền đặc biệt, không chỉ là cô giáo mà còn là người tôi tin tưởng và thấy an tâm nhất. Một năm nữa thôi cô sẽ về hưu và gác lại sự nghiệp trồng người, tôi tự nhủ sẽ học thật tốt như một món quà tặng cô trước khi cô rời xa bục giảng.

Lật lại từng trang vở, tôi mới biết bản thân mình đã học được nhiều ý nghĩa và tuyệt vời đến nhường nào . Nếu trang 1 là sự quan tâm, chăm sóc, trang 7 là tình cảm gắn bó giữa thầy và trò thì có lẽ bài học về sự bền bỉ và kiên cường của trang 3 là điều mà tôi trân trọng nhất. Bởi nó được viết nên từ những khó khăn và trắc trở mà chính người mẹ thứ hai của tôi đã phải trải qua trong cuộc sống này.

Khi viết lên những điều tự tận đáy lòng, tôi đã là một học sinh cấp II. Dù là lớp trưởng, người đứng đầu cả lớp, nhưng tôi hiếm khi thổ lộ những lời nói chân thành hay bày tỏ cảm xúc một cách trực tiếp với người khác. Thay vào đó, tôi thường chọn những cách lặng lẽ như gửi tặng thầy cô những món quà nhỏ hay hát những bài hát giản dị, chứa đựng lòng biết ơn. Nhưng hôm nay, ngay sau khi đặt dấu chấm cuối cùng cho bài viết, tôi sẽ gửi đến cô – để cô biết rằng trong mắt học trò, cô tuyệt vời biết bao. Tôi vẫn luôn tự hào vì mình là học sinh của cô giáo Nguyễn Thu Kiều Trang – người đã không chỉ dạy tôi con chữ mà còn truyền cho tôi bài học về sự kiên cường và tình yêu cuộc sống. Người mà vẫn luôn sống và “tỏa sáng” như một người truyền lửa, hệt như những vần thơ mà cô từng viết:

“ Đây ngôi nhà của tôi

Trường Tràng An yêu dấu!

Nơi tôi thả hồn mình cùng lũ trẻ

Mỗi một năm lại thêm một thế hệ

Cô với trò như thể một gia đình

Đây là nơi tôi gửi gắm đời mình

Để vun đắp những mầm xanh đất nước

Điều mà tôi tuổi thanh xuân mơ ước

Cô lái đò theo nhịp bước quê hương”.

Những vần thơ ấy đã khiến tôi phải nhớ mãi như một lời nhắc nhở về tình yêu và trách nhiệm với cuộc sống và sẽ là một phần kỉ niệm theo tôi suốt chặng đường đời./.

Bài liên quan
  • Như ong dâng mật, như tằm nhả tơ...
    Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho đến nay, đã có không ít những tấm gương “Người tốt, việc tốt”, họ là những bông hoa đẹp được lan toả trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều trong số đó là những thầy giáo, cô giáo, những người mang trên vai trọng trách “trồng người”. Cô giáo Cao Thị Loan – trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một bông hoa đẹp trong rừng hoa muôn sắc ấy.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Người giáo viên trong trái tim tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO