Văn hóa – Di sản

Ngô Thì Sĩ – nhà chính trị, sử gia, văn nhân

Trần Thị Băng Thanh 28/11/2023 15:04

Ngô Thì Sĩ sinh ngày 20 tháng Chín năm Bính Ngọ (15-10-1726) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, thuở ấy là trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Thanh Oai chỉ cách kinh thành Thăng Long một thôi đường ngắn, ở thế kỷ XVIII cũng là một vùng đất văn vật đông vui.

ngo-thi-si.webp.jpg
Khu lăng mộ của danh nhân Ngô Thì Sĩ.

Làng Tó, tên Nôm của Tả Thanh Oai, vốn là một làng ven sông trên bến dưới thuyền. Trong làng có ba dòng họ lớn: họ Nguyễn, họ Ngô Vi và Ngô Đình. Tấm bia ghi tên các bậc khoa bảng trong làng đến cha con Ngô Thì Sĩ đã là 11 người. Trước Ngô Thì Sĩ, dòng họ Ngô của ông còn lót chữ Đình và mới có ba người đỗ Tiến sĩ là Ngô Tuấn Dị và anh em Ngô Đình Thạc, Ngô Đình Chất. Chi Ngô Thì Sĩ chưa có ai đỗ đạt, mặc dù trong gia đình nhiều người hay chữ. Ông nội Ngô Thì Sĩ là Ngô Trân, hiệu Đan Nhạc nổi tiếng ở kinh thành về sức học uyên bác và tài văn chương, được bạn bè tôn là “Trường An thất hổ”. Thân sinh Ngô Thì Sĩ là Ngô Thì Ức cũng nổi tiếng hay chữ. Năm 14 tuổi đỗ thứ hai kỳ thi Hương nhưng sau đó hỏng liền hai khoa thi Hội. Ngô Thì Ức vốn không lập chí ở việc khoa cử và cũng mất sớm, lúc Ngô Thì Sĩ mới mười tuổi.

Ngô Thì Sĩ sống với ông nội. Ông thương yêu nhưng yêu cầu nghiêm khắc, quyết tâm nuôi dạy cháu thành tài. Do vậy Ngô Thì Sĩ được ra Thăng Long theo học các bậc túc nho có tiếng đương thời như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản. Mười tám tuổi Ngô Thì Sĩ đỗ Giải nguyên khoa thi Hương nhưng bị hỏng khoa thi Hội ngay sau đó. Như hầu hết các thí sinh hỏng thi khác, Ngô Thì Sĩ cũng chán nản, nhưng ông đủ tỉnh táo để hiểu rằng kẻ sĩ trong hoàn cảnh đương thời muốn hiển đạt, muốn giúp đời thì khó có con đường nào khác ngoài khoa bảng, do đó chỉ sau một thời gian không lâu, Ngô Thì Sĩ đã lấy lại được nghị lực tiếp tục theo đuổi học hành. Năm 1752, Ngô Thì Sĩ thi Hội, khảo quan là Trần Tố “nhầm” đánh hỏng. Chúa Trịnh Doanh rất tiếc, truất chức của Tố và trao cho Ngô Thì Sĩ chức Thiêm tri Công phiên thẩm ứng vụ (trước đó ông giữ một chức nhỏ trong Binh tào).Từ đó chúa thường đưa ông theo mỗi lần công cán xa.

Năm 1756, nhân đỗ đầu một kỳ thi tuyển người, Ngô Thì Sĩ trở thành một thành viên trong Văn ban của phủ chúa, được giao trách nhiệm soạn thảo giấy tờ. Trịnh Doanh và sau này cả Trịnh Sâm đều quý trọng tài thơ văn của Ngô Thì Sĩ. Có lần Trịnh Doanh giao cho các quan trong ban Văn làm bài phú về Chu Công, riêng Ngô Thì Sĩ, chúa đã sai Trung sứ chờ lấy từng đoạn đem về phủ cho chúa đọc, lại sai người thỉnh thoảng đem hoa quả ban cho. Năm 1761, ông được làm “bạn tiếp” tiếp sứ nhà Thanh sang sách phong và điếu tang vua Lê Ý Tông. Ngô Thì Sĩ cho rằng từ xưa một công việc quan trọng như vậy chưa từng trao cho một chân “trúng trường”. Đó là một vinh dự đối với ông. Năm 1763, Ngô Thì Sĩ được “tiến triều”, nhưng rồi chủ yếu ông đi làm “quan ngoài”. 1764 làm Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây, 1765 làm Đốc đồng Thái Nguyên. Nhìn chung con đường làm quan của Ngô Thì Sĩ tương đối thuận lợi, nhưng chúa Trịnh Doanh vẫn săn sóc đến chuyện thi cử của ông, vẫn muốn ông phải là người trong hàng khoa bảng. Nhưng Ngô Thì Sĩ văn chương rất sắc sảo, không khuôn sáo tầm thường, do vậy khảo quan không ưa, mấy lần đi thi, họ đều nhận ra văn bài của ông, cố tìm ra lỗi, dù rất nhỏ, để truất bỏ. Trịnh Doanh một đôi lần bắt phúc khảo nhưng việc đã rồi nên không thể thay đổi được. Mãi đến năm 1766 Ngô Thì Sĩ mới đỗ Hội nguyên. Sự kiện này được kể thành giai thoại. Theo Phạm Đình Hổ, sau khi đã hoàn thành xuất sắc bài của ba trường, vào trường thứ tư, Ngô Thì Sĩ bị đau bụng, cố làm qua loa cho xong quyển. Nhờ thế, các quan chấm trường không nhận ra vẫn Ngô Thì Sĩ mới lấy đỗ! (Khoa cử – Vũ trung tùy bút)...

Năm 1767, Ngô Thì Sĩ được thăng Hiến sát sứ Thanh Hoa; 1769 được gọi về triều, nhưng rồi 1770 lại đổi làm Tham chính Nghệ An. Bước ngoặt trong hoạn đồ của ông là vụ án kỷ luật năm 1772. Khoa thi Hương năm Tân Mão (1771), Ngô Thì Sĩ bị một học trò trường Nghệ An kiện về tội ăn hối lộ. Điều kỳ lạ là triều đình không nghị bàn, hạ lệnh cách chức ngay. Hoàng Ngũ Phúc, một quan đại thần rất có thế lực trong triều, lúc đó đang cầm quân ở Nghệ An, lại thêm vào án kỷ luật bốn chữ “Hoàn dân thụ dịch” (Trả về làm dân chịu sai dịch). Thế là Ngô Thì Sĩ đang từ chức quan thứ hai một trấn bỗng bị cách hết mọi chức tước trở thành người dân thường, chịu mọi phu phen tạp dịch. Người đương thời và nhiều sử sách, kể cả Việt sử thông giám cương mục đều xác nhận trong vụ án đó Ngô Thì Sĩ chỉ là nạn nhân của sự gièm pha nghi kỵ đang dấy lên gay gắt trong triều. Trịnh Sâm lên ngôi chúa được gần năm năm, trong thời gian đó cũng có một số hành vi lấn át vua Lê, nhiều đình thần bàn tán. Người ta lấy một câu thơ Ngô Thì Sĩ vịnh cảnh hồ Tây: Tây Hồ tình vũ cánh nghi chu (Mưa hay tạnh, Tây Hồ đều đáng thả thuyền chơi), sửa thành một câu thơ nói bóng gió chuyện chính sự. Tây Hồ thảo thụ khủng phi Chu (Cây cỏ hồ Tây e không còn là của nhà Chu nữa). Do vậy Trịnh Sâm sinh “ngờ” Ngô Thì Sĩ. Mặt khác vì sợ thế lực Hoàng Ngũ Phúc, một số triều sĩ viết thư nặc danh nhắc Trịnh Sâm nên hạn chế quyền hành của viên tướng đầy quyền uy này. Nhưng tin ấy khi đến tại Hoàng Ngũ Phúc thì “triều sĩ" đã thành “Ngô Sĩ” và đây chính là duyên cớ để vị tướng họ Hoàng thêm vào bốn chữ “Hoàn dân thụ dịch” trong lệnh cách chức Tham chính họ Ngô! Cũng may cuối năm 1774, Trịnh Sâm đi tuần phương Nam, khi trở về đã phục chức cho Ngô Thì Sĩ. Sử sách đều ghi khi qua vùng Thanh Nghệ thấy thơ của Ngô Thì Sì đề vịnh, chúa “yêu tài nên sửa lại án cữ”. Song cũng có thể nghĩ rằng sau một thời gian xem xét thấy Ngô Thì Sĩ không tham gia một phe cánh nào mà ông lại là người có thực tài nên chúa đã quyết định dùng lại ông.

Năm 1775, Ngô Thì Sĩ được triệu hồi và khi trở lại triều quả là ông được trọng dụng hơn trước. Ông được giao việc trong tòa Hàn lâm, mấy tháng sau thăng Thiêm đô ngự sử, có trách nhiệm đưa ra những điều can ngăn, chỉ ra những lầm lỗi, bàn bạc những chỗ nên chăng trong chính sự. Ngô Thì Sĩ rất hào hứng với công việc, nhưng không bao lâu Phủ chúa lại chuyển ông về Quốc sử quán. Và cuối cùng lại đi làm “quan ngoài”, lần này thì lên ải Bắc. Đầu năm 1778 được bổ nhiệm làm Đốc trấn Lạng Sơn, ông ở đây cho đến lúc qua đời. Ông mất tại dinh trấn vào cuối năm 1780, sau lần đi công cán trên Nam Quan trở về, vào nằm nghỉ trong động Nhị Thanh, có lẽ do bị cảm lạnh.

Cuộc đời làm quan của Ngô Thì Sĩ, tính từ khi bắt đầu ở Binh tào gồm chừng ba chục năm. Trong khoảng thời gian ấy ông vừa làm việc chính sự vừa trước tác. Hơn hai ngàn trang tác phẩm với các thể loại phong phú trong hai ngành văn và sử sẽ cho người đọc ngày nay hiểu được rất nhiều điều về xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, về số phận con người và về chính bản thân Ngô Thì Sĩ.

Là một người của giới nho sĩ, tầng lớp trí thức của xã hội đương thời, Ngô Thì Sĩ đã trải nghiệm tất cả những gì cuộc đời dành cho giai tầng ông. Cái nghèo đeo đuổi ông từ những năm còn là cậu học trò mồ côi, ông nội phải nuôi dạy cho đến khi kiếm được một chức lại nhỏ trong Binh vào, dường như không có cách gì khắc phục. Nhưng Ngô Thì Sĩ vốn hãng hái làm việc. Ông thấy được quyền lợi kẻ ăn lộc nước gắn bó mật thiết với cuộc sống yên lành của “dân đen”. Ông thường nghĩ đến người dân với một niềm biết ơn. Thực ra mối quan hệ giữa dân chúng và những người cầm quyền bao giờ cũng được nhà nước phong kiến chú ý. Các lý luận gia phong kiến từng đã rút ra kết luận rất sâu sắc “kẻ đẩy thuyền là dân mà người lật thuyền cũng là dân”, song ý thức “lao tâm trị người, lao lực bị người trị” của xã hội đã khiến người dân luôn ở vào cái thế chịu ơn, thụ động, không tự chủ được số phận mình. Quan niệm của Ngô Thì Sĩ có phần khác. Lòng biết ơn người làm ra của cải nuôi sống mình khiến ông nghĩ về họ một cách sâu sắc hơn, lời phê phán những kẻ quan và lại không làm tròn sứ mạng của mình cũng gay gắt và chân thành, không phải chỉ là những lời trang sức.

Ngô Thì Sĩ cũng đưa ra nhiều dự án, đề nghị sửa đổi về các mặt thuế khoá, khai hoang, chỉnh đốn văn thể, thay đổi chính sách, chấn chỉnh các cấp quan liêu... Ông mong muốn “vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi” để cứu vãn tình trạng bê bối của xã hội Bắc Hà đương thời, nhưng rất tiếc cục diện không dễ gì xoay chuyển. Tuy vậy, riêng phận sự mình, Ngô Thì Sĩ vẫn tận tuy với công việc. Làm Đốc đồng Thái Nguyên, ông nhận ngay ra vấn đề cấp bách là chính sách đối với Khách kiều ở mỏ Tống Tinh. Ông đề nghị một phương án đối phó, chế ngự nhằm giữ gìn tài nguyên, thu thuế và giữ gìn trật tự an ninh của đất nước. Đến Thanh Hoa chỉ mấy tháng ông đã giải quyết xong những vụ án ngưng trệ hàng mấy năm, khiến cho dân được yên ổn làm ăn, lại có thì giờ để dạy học trò. Làm Đốc trấn Lạng Sơn trong hoàn cảnh nông dân bỏ làng phiêu bạt, ruộng đất hoang hoá, người đói, phu phen tạp dịch chồng chất, chỉ hai năm chấn chỉnh ông đã đưa được dân trở về với ruộng đồng khiến cho xóm làng có màu vàng của lúa chín, sự no ấm của cót vựa đầy thóc gạo và các phiên chợ, các buổi hội vui. Ở Sử quán một năm ông đã cùng một nhóm sử gia soạn xong bộ Đại Việt sử ký tục biên và có thể cũng đã hoàn thành bộ Đại Việt sử ký tiền biên của riêng mình. Sang Ngự sử đài chỉ trong mấy tháng ông đã có hàng loạt bản điều trần trong đó đề cập đến hầu hết các vấn đề cấp bách của công việc chính sự ở Bắc Hà với đầy đủ những số liệu quan trọng và cần thiết. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông dân, đến tình trạng phiêu dạt và nạn “chết đói gối nhau trên đường” mà người ta không chỉ gặp ở một địa phương. Theo ông, người nông dân cùng quẫn quá mới phải nổi loạn, do vậy ông đề nghị phải tìm cách trả nông dân về với đồng ruộng, hạn chế nạn bao chiếm ruộng đất của bọn hào cường, ngăn cấm quan và lại tham nhũng... Thế nhưng Bắc Hà bấy giờ tình trạng chính sự đã rối đến mức mong muốn một sự tự đổi thay cũng là ảo tưởng.

Ngô Thì Sĩ là một chính khách, một quan chức, nhưng bên cạnh đó còn nổi bật lên một tư chất khác: tâm hồn nghệ sĩ, một con người đa cảm. Ở ông mọi rung động đều mãnh liệt, sâu sắc. Ông luôn nhìn thấu tâm tư con người và cảm thông cùng họ, từ những bâng khuâng vì một duyên cớ mơ hồ đến những trăn trở, day dứt về số phận, cuộc sống. Tinh thần trách nhiệm của một quan chức cộng với sự rung động của tâm hồn nghệ sĩ khiến ông nóng lòng “như lửa đốt” vì nạn đói, vì cảnh ly tán của dân. Là một ông chủ, ông thương người hầu gái Trần Lý Hà vất vả theo ông phục dịch mà ông thì nghèo không chu đáo được cho nàng, nhưng với sự nhạy cảm của nghệ sĩ ông còn hiểu thấu được nỗi niềm sâu kín của nàng: vì phận tôi đòi mà muộn màng duyên phận. Là quan Giám khảo ông thấy rõ quan trường phải thận trọng, công bằng, nghiêm khắc nhưng cũng thấu hiểu sự khó khăn của thí sinh trong khoảng thời giờ bức bách vật lộn với đề bài, và với con mắt nhà thơ ông đã hình dung một cách thậm xưng bộ dạng thảm hại của họ trong Buổi sáng ở trường thi. Là một Đốc trấn ông lo đến địa thế của trấn doanh, lo hiểu kỹ từng đường ngang ngõ tắt, những lối mòn đường biên nhưng đồng thời với con mắt nhà thơ, ông lại khám phá ra rất nhiều cảnh núi sông tươi đẹp của một vùng. Ngô Thì Sĩ đã để lại dấu ấn bàn tay tu tạo cảnh quan của ông ở nhiều nơi. Đình Kinh Lược ở Chi Lăng, vùng động Nhị Thanh với đền Tam giáo, bài thơ trên vách núi Diễn Trận bên bờ sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn và Quan Lan sào ở Thanh Hoá. Ở mỗi nơi ông đều khởi xướng một cung cách sinh hoạt văn hoá, đều có thơ văn để lại. Riêng Lạng Sơn, động Nhị Thanh ngày nay còn là một thắng cảnh để du khách tham quan và có thể chiêm ngưỡng tượng “truyền thần” của ông... Với Ngô Thì Sĩ, con người nhà thơ và con người quan chức không cản trở nhau mà lại bổ sung cho nhau. Cái nhìn tình cảm, phóng khoáng của người nghệ sĩ giúp ông xử lý vấn đề có tình, đỡ khe khắt hơn, đồng thời sự hiểu biết của nhà chức trách lại giúp cho nhà thơ sát hiện thực hơn, nhìn nhận được bao quát hơn và có thể duy lý hơn ở một chừng mực nào đó. Hẳn là không phải bất cứ ai cũng có thể kết hợp, điều hoà thành công những ham thích và nghĩa vụ của mình nhưng với Ngô Thì Sĩ thì những sự “trái khoáy” đó đã bổ sung cho nhau và tạo nên thế mạnh. Và bên cạnh những công tích còn chưa thể đánh giá thấu đáo về chính sự, năng lực sáng tạo của ông quả là nhiều người không dễ vượt qua. Cho nên với nội dung và số lượng phong phú tác phẩm để lại, Ngô Thì Sĩ đã là một tác gia lớn không chỉ của dòng họ Ngô Thì. Ông đã đóng góp nhiều tư liệu quý qua hai bộ sử Tiền biên, Tục biên, đồng thời còn là một ngòi bút bình sử, bình luận văn chương sắc sảo, nhiều ý kiến mới và giàu chất trữ tình qua Việt sử tiêu án. Tuy nhiên trong trước tác, Ngô Thì Sĩ chủ yếu vẫn là một tác gia văn học. Thành tựu thơ văn của ông đều có những nét độc đáo. Trước hết là về quan niệm sáng tác. Mặc dù đặt cho tập thơ của mình một nhan đề rất khiêm nhường Hiệu tần tập, Anh ngôn thi tập nhưng ông lại rất quyết đoán:

Rất ghét việc ăn cắp áo cầu của trăm họ,

Mà thích làm nên khung cửi riêng một nhà.

(Độc Bạch tập ngũ thập tứ vận)

Ông chọn lối viết bình dị, mộc mạc, không cầu kỳ khiến cho người vú em, đứa hầu gái cũng có thể hiểu được:

Đã không gieo vần hiểm hóc,

Cũng không dùng chữ lạ.

Nếu hơi gần với lạ và hiểm,

Thì hay cũng bỏ đi.

(Độc Bạch tập ngũ thập tứ vận)

Như vậy Ngô Thì Sĩ là người đầu tiên công bố một quan niệm khá mới mẻ về thơ. Thơ không phải chỉ dành riêng cho một lớp người tư chất siêu phàm thưởng thức mà còn cần hướng tới đám người ít học, coi họ là thước đo để kiểm nghiệm sự bình dị, trong sáng của thơ ca. Có thể nói Ngô Thì Sĩ đã nêu ra một tiêu chí mới để thẩm định thơ, dù chưa thể nói là toàn diện.

Ngô Thì Sĩ sáng tác nhiều, nhưng tựu trung có thể quy vào bốn đề tài lớn: nông thôn, kẻ sĩ, quan chức, tình yêu và hạnh phúc gia đình. Bốn mảng đề tài đó trong văn học các thế kỷ trước cũng đã được đề cập đến, nhưng đặc sắc riêng của Ngô Thì Sĩ là cách lý giải, nhìn nhận. Nhà văn các thế kỷ trước cũng viết về nông thôn, nhưng chỗ khác ở Ngô Thì Sĩ là ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sống “an bần lạc đạo” thanh cao, tự do thích thảng, nơi “lẩn trốn” của các ẩn sĩ, còn có một nông thôn thật sự vất vả, tình trạng riêng của Bắc Hà thế kỷ XVIII. Đó là sự phá sản của nông dân và tình trạng bế tắc của họ. Người nông dân chân chất là thế, thôn xóm thanh bình là thế, lúc này đang bị đẩy vào nạn bần cùng. Kẻ bỏ làng đi lang thang kiếm ăn thì chết đói trên đường, người trở thành trộm cắp, thậm chí “làm giặc” thì chịu chết vì chém giết, tên đạn... Nông thôn thời Lê mạt dưới ngòi bút Ngô Thì Sĩ là bức tranh có một khoảng tối hiện thực khắc nghiệt, phản ánh tình trạng xã hội bức bối, đòi hỏi phải được đổi thay.

Cũng vậy, những vấn đề muôn thuở của giới quan chức trong bất cứ triều đại nào (trung hay nịnh, liêm khiết hay tham ô, tài đức hay bất tài vô sỉ, chính trực hay bè đảng) đã được Ngô Thì Sĩ xem xét một cách toàn diện. Vấn đề ông chỉ ra không chỉ là thói xấu của một vài cá nhân mà đã trở thành tệ nạn của bộ máy, được nhìn một cách nghiêm khắc từ nhiều phía. Ngô Thì Sĩ đã chỉ ra đúng căn bệnh trầm kha của giới cầm quyền: sự sa sút về phẩm chất, năng lực, cách làm việc tắc trách, quan liêu, trì trệ. Đó cũng là một vấn đề xã hội cấp bách. Và ông có lời khuyên thật minh triết: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời, sao bằng theo đạo đời thường mà cảm hóa lòng người” (Lời bàn về lệ cấp bổng lộc, Quan chức chí – Lịch triều hiến chương loại chí)...

Tầng lớp gần gũi với Ngô Thì Sĩ hơn là kẻ sĩ. Nhân vật học trò nghèo, tài hoa, lận đận, đã được nhà văn nhiều thời đại nói tới, nhưng ở họ dầu sao vẫn mang nhiều yếu tố huyền thoại, lãng mạn. Còn đối với Ngô Thì Sĩ thì đó là nhân vật của cuộc đời thực. Người học trò, tầng lớp thanh niên trí thức xuất hiện trong tác phẩm của ông với những vấn đề cốt tử của chính họ: ước mơ, hoài bão, lý tưởng cuộc sống cùng những chuyện vụn vặt, cụ thể, áo cơm vất vả, nỗi cực nhục trong trường thi và cũng có cả sự vinh quang khi đỗ đạt... Với một hàm nghĩa tương đối của thuật ngữ, có thể nói Ngô Thì Sĩ đã khắc hoạ khá đạt chân dung tiêu biểu của “người học trờ” xuất thân từ tầng lớp bình dân. Cái mẫu học trò nghèo tài hoa, phóng khoáng, cứng cỏi, có một chút ngông ngạo, mặc dù bị coi rẻ nhưng rất tự biết giá trị của nhân cách mình mà ông tạo dựng ngày càng trở nên quen thuộc, được ưa thích ở văn học các thế kỷ sau.

Riêng tình yêu và hạnh phúc gia đình là đề tài mới mà Ngô Thì Sĩ đưa vào văn thơ. Khác văn học các thời đại trước, Ngô Thì Sĩ trực tiếp nói về tình yêu và quan niệm của mình. Trong nhiều trường hợp hạnh phúc gia đình, tình chồng vợ được nói tới trong một đối sánh với quan chức, tước lộc. Ông và vợ, người hầu gái, đều đã trở thành nhân vật trong các tác phẩm thơ, ký viết về người thực, việc thực của ông. Cùng với đề tài, nhân vật phụ nữ cũng có những nét mới. Họ không bị “nhốt” chặt vào hai loại đã định hình: liệt nữ và các vai lệch. Họ là những con người tài sắc cụ thể, có thực. Họ có tâm hồn phong phú, giàu lòng vị tha, biết yêu, được yêu, khao khát được vui sum họp, trân trọng hạnh phúc gia đình... nhưng họ cũng vẫn bị nếp sống gía trưởng đè nén, vẫn cam chịu sự khắt khe của tục lệ mà không dám tìm cách vượt lên. Họ đằm thắm trong tình cảm nhưng chưa có được sự táo bạo của nàng Kiều sau này. Họ chưa phải là những nhân vật văn học hoàn chỉnh nhưng là những chân dung sinh động, chân thực của phụ nữ một thời.

Bên cạnh nét mới mẻ về nhân vật, điều đáng kể hơn trong thơ văn tình yêu của Ngô Thì Sĩ còn là cách bộc bạch không e ngại tình cảm của chính bản thân mình. Tác phẩm Khuê ai lục của ông là một tiếng khóc vợ đã mang màu sắc cận đại. Ở đấy tác giả bày tỏ lòng tiếc thương người đã khuất, ông cũng không ngại ngần nhắc đến những kỷ niệm yêu đương, nỗi nhớ niềm đau và sự cô đơn trống trải khi chỉ còn một mình ông lẻ loi sầu muộn... Tác phẩm Khuê ai lục của ông đã mở lối cho một kiểu thơ văn viết về vợ, về người tình mà nhiều tác giả sau đó đã vận dụng và phát triển, như Phạm Nguyễn Du với Đoạn trường lục, các tác gia trong dòng họ Ngô Thì với Hoài nội, Khuê tư lục, và cả Phạm Thái với Văn tế Trương Quỳnh Như...

Trong trước tác, Ngô Thì Sĩ rất chú trọng đến “khuôn thước riêng của một nhà” và ông đã làm được. Trong tác phẩm của ông ngoài chất trữ tình đằm thắm và mới mẻ về tình yêu còn nổi bật lên ba đặc điểm nữa về bút pháp, đó là ngòi bút ký sự phong phú, ngòi bút nghị luận giàu tinh thần phê phán và chất trào phúng ý nhị nhẹ nhàng.

Ký nguyên nghĩa gốc là để ghi chép sự việc, ban đầu thường gắn với sử, nhưng dần đi vào văn học, ký chủ yếu để ngụ ý, gửi tình, trình bày quan điểm, còn cảnh vật hay sự kiện được ghi lại là đối tượng thứ hai, là cái cớ gợi ý tưởng, cảm hứng mà thôi. Ngô Thì Sĩ kế thừa quan niệm và bút pháp thể loại của các nhà văn tiền bối nhưng bổ sung vào đó nguyên tắc ghi chép “xác thực”. Mỗi bài ký của ông bề bộn những sự việc, con số, hiện vật và cảnh quan cụ thể. Trong nhiều trường hợp cần thiết ông còn ghi lại cả sự khảo cứu, tìm tòi, lý giải của bản thân mình. Ký của Ngô Thì Sĩ vừa đậm chất trữ tình vừa chứa đựng những tư liệu xác thực, bút pháp của ông có những điểm gần gũi với bút pháp của thể loại ký của văn học giai đoạn sau này. Điều đặc sắc hơn nữa ở ông là chất ký còn “tràn” cả vào thơ và sử. Không ít những bài thơ của Ngô Thì Sĩ đã ghi chép được nhiều người thực việc thực, tư liệu xác thực, đến mức người đời sau có thể dùng làm căn cứ để “dựng” lại cảnh quan, sự việc và thậm chí hành trạng, lý lịch hoặc chân dung một số nhân vật nào đó. Về phương diện này Ngô Thì Sĩ là một người khởi xướng của thế kỷ XVIII.

Bên cạnh chất trữ tình đằm thắm và ngòi bút ghi chép phong phú nói trên là tinh thần phê phán sắc sảo, được thể hiện tiêu biểu nhất trong tác phẩm Bảo chướng hoằng mô, bao gồm những bài khải, điều trần về tình hình chính sự đương thời của Ngô Thì Sĩ. Mặc dù mỗi bài là một lời trình bày kiến giải của ông về một vấn đề chúa hỏi hoặc một số đề đạt do yêu cầu công việc như kế thanh trừ trộm cắp, dẹp giặc bể, chiêu tập dân khai hoang,... nhưng bao giờ Ngô Thì Sĩ cũng thông qua đó đề cập đến những vấn đề có tính chất chung nhất và thẳng thắn phê phán những chỗ hỏng nát của tình hình chính sự đương thời. Do vậy tập Bảo chướng hoằng mô, nhìn chung lại, đã động chạm đến hầu hết các hàng quan chức: quan chấm trường, quan tư pháp, quan trấn, quan võ và cao hơn hết là chúa với tất cả các lệnh, dụ bao trùm toàn bộ sách lược đối nội và đối ngoại. Với một mục đích thiết thực và hạn chế là vạch ra những điều cần sửa, nêu lên những biện pháp cần chấn chỉnh, thay đổi cốt sao “vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi” để cho người dân có thể sống được và có niềm vui cuộc sống, thực chất Ngô Thì Sĩ đã phải đấu tranh với những người trong tầng lớp của mình. Không dễ dàng khi phải nói những điều “trái tai” nhưng lại đúng là sự thật đang tồn tại, diễn biến trong thực tế với đồng liêu, cấp trên, cấp dưới, thậm chí cả bậc cao nhất là chúa Trịnh. “Nói thật mất lòng”, đó là lẽ thường, song mất lòng chúa, động chạm đến quyền thần thì không phải ai cũng có đủ dũng khí và “khôn ngoan” để nói thực nói đúng. Chính vì thế Ngô Thì Sĩ đã phải chọn một cách viết sao cho rõ ràng minh bạch mọi sự thực nhưng lại không đao to búa lớn; phải tạo nên tính thuyết phục của tác phẩm bằng cách vừa tác động vào nhận thức lý trí vừa khêu gợi sự rung động bằng tình cảm ở những người có trách nhiệm. Ngô Thì Sĩ khéo léo nêu liên tiếp các sự kiện, chúng hô ứng nhau, chồng chất, tạo thành tính hệ thống của vấn đề. Thêm vào đó là những đoạn mô tả giàu hình ảnh, trữ tình đã khêu gợi tính nhân bản trong mỗi con người. Có thể nói Bảo chướng hoằng mô ngoài tác dụng phê phán, đánh vào lòng tự trọng, trách nhiệm của kẻ có chức có quyền còn làm được việc khuyến khích tính tích cực ở họ, nâng đỡ họ vượt lên chính mình để có thể làm được chút gì có ích cho dân cho nước. Do tính chất “đối nội “ như vậy nên Bảo chướng hoằng mô thiếu giọng điệu hừng hực lửa chiến đấu, thiếu cái sắc nhọn quyết liệt của cuộc luận chiến giữa những bên đối địch, nhưng nó lại tạo được sức mạnh ở giá trị xác thực của tư liệu, tính hệ thống của vấn đề, ở cách phân tích cặn kẽ thấu đáo và một thái độ chân thành thẳng thắn nhưng mềm dẻo, kiên quyết nhưng điềm tĩnh, lập luận thắt buộc nhưng gợi cảm. Tác phẩm đem đến một số nét mới cho thể văn xuôi nghị luận chữ Hán thời trung đại.

Ngô Thì Sĩ là một ngòi bút khá đa dạng. Với Khuê ai lục có thể xem ông là nhà thơ tình “có hạng” thời trung đại, với Bảo chướng hoằng mô cũng có thể xếp ông vào hàng những nhà viết văn nghị luận sắc sảo, nhưng chưa mấy ai để ý đến tính trào phúng trong văn thơ . Tiêu biểu cho loại tác phẩm ấy có thể kể đến những bài Trách tay, Trách ma nghèo, Tảo khởi khảo trường, Du Thiền Long tự, Truyền thần tự tán... Mặc dù số lượng các bài trào phúng quá ít so với toàn bộ tác phẩm của ông nhưng nó lại là một nét đặc sắc rất có duyên của ngòi bút Ngô Thì Sĩ. Không thể tìm thấy ở ông giọng phê phán gay gắt, thậm chí cay độc của Hồ Xuân Hương, thái độ quyết liệt ghét cay ghét đắng, cười ra nước mắt của Tú Xương mà chỉ thấy trong văn thơ Ngô Thì Sĩ nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn châm biếm đủ khiến người có lỗi “giật thột”, cùng lắm là đỏ mặt.

Một nét đặc sắc nữa của Ngô Thì Sĩ là tự trào. Ông xem mình là đối tượng để trào lộng. Ông cười cái bề ngoài chẳng lấy gì làm phương trượng của mình, cười sự vụng về lúng túng khiến cho cái nghèo đeo đuổi khắp nơi, cho đến tận lúc già cũng vẫn tuềnh toàng “chẳng có gì khả thử”. Vào thời điểm đó của lịch sử, một người như Ngô Thì Sĩ vẫn chân chất, nhiệt thành, thẳng thắn..., có thể đã trở thành “cuối mùa”, xa lạ với số đông trong xã hội. Ngô Thì Sĩ tự giễu cũng ở những “khiếm khuyết” đó, và cũng bởi vì người đời cười giễu ông. Người ta cười ông “làm thơ khổ”, “làm nhiều thơ khóc vợ quá”, người ta coi ông là kẻ cuồng mà không chào vì thấy ông say mê suối đá quá... Ngô Thì Sĩ không trách đời, tự cho phép mình sống khác người, nhưng có thể ông cũng không dám hoàn toàn tin đó là chân lý:

Chẳng biết ta phải hay trái, với người khác hay chung,

Trang Chu nói: phải là một lẽ vô cùng, trái cũng là một lẽ vô cùng.

(Truyền thần tự tán)

Tài năng Ngô Thì Sĩ được tạo thành từ nhiều nguồn thực tiễn đất nước thế kỷ XVIII, truyền thống gia đình, thành tựu của nền học vấn, văn hoá Việt Nam và một phần ảnh hưởng của nền văn minh cổ Trung Hoa. Tuy nhiên điều kiện quan trọng nhất để Ngô Thì Sĩ có được sự nghiệp trước tác phong phú là tinh thần lao động nghiêm túc, say mê và tính năng động, sáng tạo. Tất cả những điều đó cũng xuất phát từ tấm lòng yêu dân, yêu đất nước, tấm lòng đôn hậu giàu tinh thần nhân ái. Ngày nay xem xét toàn bộ cuộc đời hoạt động và trước tác của Ngô Thì Sĩ, xem xét những đóng góp của ông trên các lĩnh vực chính sự và trước tác có thể khẳng định ông là một nhân cách đẹp, một nhà văn, một nhà sử học có nhiều cống hiến, là một trong không nhiều nhân vật lớn, tiên phong của thế kỷ XVIII./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Ngô Thì Sĩ – nhà chính trị, sử gia, văn nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO