Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật múa Thái Phiên khi viết về nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường đã khẳng định: “Cho dù Đinh Mạnh Cường đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực báo chí, nhưng anh vẫn rất gắn bó, tâm huyết với nghiệp múa thuở ban đầu… Anh là một thành viên rất tích cực, hoạt động có hiệu quả trong Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội. Được bầu vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội khóa 5, khóa 6 và luôn có mặt trong các hoạt động chuyên môn của Hội”. Gặp nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường, nghe anh chia sẻ càng hi
Chân dung nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường Từ nghệ sĩ múa đến người làm báo
Nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường sinh năm 1947 ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Là con trai độc nhất, lại sớm mồ côi cha nhưng khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất anh vẫn xung phong ra chiến trường. “Trước ngày ra trận tôi mới dám nói với mẹ vì nếu nói trước thì chắc mẹ tôi cũng sẽ không đồng ý” - Nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường chia sẻ. Tạm biệt quê hương khi mới 17 tuổi, Đinh Mạnh Cường bắt đầu cuộc sống trong quân ngũ với bao nhiệt huyết và khí thế của tuổi trẻ. Trải qua khóa huấn luyện 6 tháng ở Hà Tĩnh, tháng 10/1965 anh nằm trong lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Lào thuộc Trung đoàn 27.
Gần một năm sau, Trung đoàn 27 rút về nước, tiếp tục chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Cũng tại đây cơ duyên với nghệ thuật múa đã đến với Đinh Mạnh Cường khi Đoàn Văn công Quân khu 4 đến biểu diễn và tuyển chọn thêm diễn viên cho đoàn. Nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường nhớ lại: “Lúc ấy trung đoàn tôi có hơn 100 người và chỉ duy nhất mình tôi được chọn. Khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã thích múa, và tích cực tham gia đội văn nghệ của trường. Sau vào bộ đội, tôi luôn đi đầu trong hoạt động văn nghệ bởi thế được chọn vào đoàn tôi rất phấn khởi. Dẫu cũng có băn khoăn giữa hai con đường đi văn công hay ở đơn vị nhưng cuối cùng tôi quyết định gắn bó với đoàn văn công”.
Dù chỉ theo học chương trình tập huấn ngắn hạn ở trường múa, nhưng với niềm say mê, sự kiên trì đã khiến Đinh Mạnh Cường ngày một trưởng thành hơn. Anh trở thành diễn viên múa chủ chốt của đoàn, đến năm 1973 thì được bổ nhiệm làm đội trưởng của đội múa.
Không chỉ đam mê với nghệ thuật múa, Đinh Mạnh Cường còn say mê viết. Mỗi chuyến đi biểu diễn của đoàn tại các địa phương đều được anh ghi chép cẩn thận rồi viết bài giới thiệu gửi cho các báo. Cho đến bây giờ anh vẫn không quên những bài báo đầu tiên nơi chiến trường của mình. Đó là “Đêm văn nghệ ở Lộc Bổn” ghi lại tình cảm của những người dân ở Thừa Thiên Huế đối với nghệ thuật cách mạng; là “Tiếng hát trên cánh đồng Chum” nói về chuyến đi biểu diễn của Đoàn Văn công của Việt Nam ở Lào…
Nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường chia sẻ, người đầu tiên phát hiện ra anh viết báo chính là nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức. “Lúc ấy không có phương tiện thông tin hiện đại như bây giờ nên khi viết xong gửi về tòa soạn, tôi cũng chẳng biết bài có được đăng hay không. Sau lần tình cờ phát hiện ra tôi có bài đăng báo, mỗi lần ra Hà Nội, nhà văn Xuân Đức lại đem cho tôi cả tập báo. Khi đó tôi mới biết mình có thơ đăng ở báo Phụ nữ hay bài đăng ở Quân đội nhân dân... Rồi có hôm tình cờ nghe đài mới biết bài mình đã được in trên báo và đài phát thanh đọc lại” - nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường kể lại.
Một cây bút tâm huyết và sung sức
Thành công trong nghiệp múa, nhưng khi rẽ lối sang nghiệp viết Đinh Mạnh Cường vẫn tiếp tục ghi được dấu ấn bởi sự say mê, kiên trì. Nói về nghiệp viết, nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường chia sẻ ngày còn là cậu học trò lớp 6 trường cấp II ở Hà Trung, Thanh Hóa, anh đã có một bài viết về một buổi lao động xây dựng trường với tựa đề “Một buổi lao động trồng cây” đăng trên báo Thiếu niên tiền phong.
Sau này khi chuyển ngành, theo học đại học cả khoa văn rồi khoa báo, lăn lộn trong nghề báo Đinh Mạnh Cường ngày càng trưởng thành, đảm trách vị trí quan trọng trong cơ quan báo chí như: Tổng Biên tập - Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Vinh - Nghệ An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An; Phó Tổng Biên tập tạp chí Thông tin Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Anh đã có gần 30 đầu sách, hàng trăm bài viết đăng trên các báo Trung ương và địa phương ghi dấu trong lòng bạn đọc.
Lật giở những cuốn sách mà mình đã dày công thực hiện, bao ký ức lại ùa về trong anh. Anh nhớ những buổi chuyện trò với Đại tá, NSND Đỗ Minh Tiến - một nhà biên đạo múa của nhiều tác phẩm múa hoành tráng, đầy chất anh hùng ca, mang đậm dấu ấn của từng giai đoạn cách mạng; nhớ những người thầy, người đồng nghiệp trong Đoàn Văn công Quân khu 4; nhớ những kỷ niệm với người anh hùng, phi công Nguyễn Văn Cốc - người bắn rơi 9 máy bay địch trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ; nhớ những thiếu niên (vệ út) trong 60 ngày đêm Thủ đô Hà Nội giam chân thực dân Pháp mùa đông năm 1946… Họ chính là “chất liệu” đã cho anh thêm men say với nghiệp viết; đã được anh khắc họa sinh động trong những tập truyện ký, phóng sự, ký chân dung, ký sự lịch sử của mình như: “Những thiếu niên Thủ đô Quyết tử”, “Những nghệ sĩ mặc áo lính nơi tuyến lửa”, “Dũng sĩ trên bầu trời Hà Nội”, “Nguyễn Trọng Hàm - Chiến sĩ Quyết tử ngày ấy bây giờ”...
Đau đáu với nghệ thuật múa
Gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 4 trong cả những năm tháng chiến tranh và hòa bình, tình yêu với nghệ thuật múa luôn song hành cùng Đinh Mạnh Cường cả trong những trang viết. Trong số 26 đầu sách đã được xuất bản của Đinh Mạnh Cường có rất nhiều cuốn anh viết về nghệ thuật múa. Đó là các tác phẩm: Người tốt quanh ta (năm 1999), Phù sa (năm 2004), NSND Đỗ Minh Tiến - lịch sử những tác phẩm múa (năm 2007), Gương mặt nghệ sĩ múa Thủ đô (phần I, năm 2017), Hoa Tràng An thắm sắc (phần II và phần III, xuất bản năm 2018 và năm 2019), đặc biệt là cuốn sách 60 năm Đoàn Văn công Quân khu 4 anh hùng do anh chủ biên dày hơn 500 trang.
Nhà báo Đinh Mạnh Cường ví von những nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật múa Thủ đô, là tài sản quý của ngành, là hình ảnh tỏa sáng gia nhập vào ký ức nghệ thuật, có sức giáo dục ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp hoặc ở một vài khía cạnh riêng biệt. Cũng bởi thế mà anh đã cố gắng tìm hiểu, khai thác tư liệu để phác họa hơn 60 chân dung các nghệ sĩ múa trong 3 tập sách “Hoa Tràng An thắm sắc”, từ các biên đạo, diễn viên, những nhà giáo, nhà lý luận… đến những nghệ nhân dân gian. Họ chính là người đã góp phần tạo nên những chuyển động quan trọng của đời sống nghệ thuật, có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành múa.
Nói về 3 tập sách này, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích đánh giá: “Trong 5 năm, với 3 tập sách giới thiệu hơn 60 chân dung nghệ sĩ múa, tác giả Đinh Mạnh Cường đã trải lòng trên những trang viết tìm đến tình người, chuyển tải thông tin về sự hi sinh thầm lặng của người nghệ sĩ, nghị lực vượt qua khó khăn nhằm xây dựng một nền nghệ thuật múa cách mạng đi lên bền vững. Đó là sản phẩm của sự rung cảm, lòng cảm phục và ngưỡng mộ cái đẹp từ ý chí, nỗ lực bền bỉ và khát vọng vươn tới đỉnh cao nghệ thuật chân chính của người nghệ sĩ, để hướng tới cái đích cuối cùng là làm cho các giá trị nhân văn ngày càng tỏa hương rộng khắp, đời sống nghệ thuật múa ngày càng phong phú”.
Không chỉ dành tâm sức với nghệ thuật múa qua những trang viết, Đinh Mạnh Cường cùng người bạn đời - nghệ sĩ Trần Ngọc Lan còn say sưa múa trên sân khấu trong các cuộc giao lưu nghệ thuật. Tại Hội diễn “Mãi mãi là bộ đội cụ Hồ” kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vợ chồng nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường đã giành được giải xuất sắc với tiết mục múa duo “Tình yêu bên suối”. Cũng năm này vợ chồng nghệ sĩ còn tham gia sáng tác, biểu diễn trong cuộc thi “Tìm kiếm các điệu nhảy Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội phát động…
Chia sẻ về những dự định sắp tới, nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường cho hay, anh sẽ tiếp tục bổ sung thêm những trang viết về những chân dung nghệ sĩ múa của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội trong tập sách tiếp theo của bộ sách “Hoa Tràng An thắm sắc”. Dẫu biết phải dành nhiều công sức, thời gian nhưng với anh đó cũng chính là niềm hạnh phúc…